Thứ 2, 29/07/2024, 15:24[GMT+7]

Cô Hạnh sứa

Thứ 6, 15/07/2016 | 08:55:59
2,760 lượt xem
Đó là biệt danh nhiều người dân vùng biển Thái Thụy và khách hàng gọi bà Tạ Thị Hạnh, chủ cơ sở chế biến thủy hải sản An Bình ở khu 8 thị trấn Diêm Điền, nơi sản xuất sản phẩm sứa ăn liền nổi tiếng vùng quê biển.

Ngoài sứa ăn liền, cơ sở chế biến thủy hải sản An Bình còn chế biến các sản phẩm như nem hải sản, chả mực…

Từ cô gái mở đường đến cô Hạnh làm sứa

Tháng 8/1973, cũng như bao lớp thanh niên khác, bà Hạnh xung phong lên đường nhập ngũ vào đơn vị công binh làm nhiệm vụ mở đường từ Quảng Bình vào Quảng Trị. Sau ngày miền Nam giải phóng, bà về Tiểu đoàn 674 thuộc Đoàn 559 nhận nhiệm vụ quy tập hài cốt các liệt sĩ và xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Hồi tưởng về những tháng ngày làm nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng ấy, bà Hạnh kể: Khi ấy, Tiểu đoàn 674 có hơn 700 chiến sĩ, nam giới có nhiệm vụ vào rừng sâu, khe suối để quy tập hài cốt, nữ thì san lấp những quả đồi lớn để xây bia mộ. Có ngày, Tiểu đoàn quy tập được hơn 900 hài cốt liệt sĩ, vì vậy phải làm cả ngày lẫn đêm để đưa hài cốt nhập mộ kịp thời. Hồi mới nhập ngũ, nhiều chiến sĩ nữ trong đó có tôi rất sợ tối, thế mà khi làm nhiệm vụ, nằm cạnh nhà chờ tập kết có rất nhiều hài cốt mà chúng tôi không cảm thấy sợ bởi luôn tâm niệm đó là thân thể của những đồng đội thân yêu. Hàng ngày, những giọt nước mắt của chúng tôi lại ứa ra khi nhập mộ cho đồng đội, nhất là khi phải đặt đồng đội vào hàng mộ vô danh, lại khấn từng người một: Anh ở đâu? Tên gì? Khôn thiêng xin báo mộng về cho gia đình mau chóng tìm được. Sau hai năm làm nhiệm vụ, Tiểu đoàn 674 đã quy tập được hài cốt của 10.263 liệt sĩ, bàn giao lại cho tỉnh Quảng Trị quản lý.

Hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương Diêm Điền, thương tật 61% khiến bà Hạnh không khỏi đau đớn mỗi lúc thời tiết thay đổi. Nỗi đau thể xác ấy tiếp tục nhân đôi khi không may một vụ tai nạn giao thông lại cướp đi của bà cánh tay bên trái. Nhưng phẩm chất, ý chí của người lính Cụ Hồ đã giúp bà vượt qua khó khăn trong cuộc sống và vươn lên phát triển kinh tế gia đình với nghề chế biến thủy sản truyền thống của địa phương. Bà Hạnh cho biết: Năm 2005, gia đình tôi chuyển từ chế biến mặt hàng thủy sản khô sang làm sứa ăn liền. Thời đó, tôi thường ra cảng thu mua cá và thấy mặt hàng sứa ở các vùng biển như Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh đến mùa thương lái Trung Quốc chỉ mua mỗi phần chân còn phần mình bỏ đi. Tôi nung nấu ý nghĩ làm thế nào để biến phần thân sứa làm món ăn được nhiều người ưa thích. Nghĩ là làm, tôi bắt tay vào thử nghiệm vận dụng cách chế biến sứa truyền thống của địa phương kết hợp việc học hỏi kỹ thuật làm phần chân sứa ướp muối của Trung Quốc để tạo ra sản phẩm sứa ăn liền. Ban đầu sản phẩm sứa ăn liền sản xuất ra rất khó tiêu thụ bởi nó mới lạ nên thị trường chưa đón nhận. Tôi đã phải kiên trì, chịu khó đi giới thiệu sản phẩm, quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình. Tôi còn gửi tặng sản phẩm sứa ăn liền cho các đồng đội cũ ở khắp nơi trong cả nước rồi nhờ họ giới thiệu, quảng bá giúp. Nhờ vậy, đến nay, sản phẩm sứa ăn liền An Bình đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận, qua đó giúp tôi mở rộng sản xuất và tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm sứa ăn liền An Bình đã được đóng gói.

Thương hiệu vùng biển Diêm Điền

Bên cạnh các sản phẩm như nước mắm Diêm Điền, bột cá Thụy Hải, cá mai khô… thì sứa ăn liền An Bình là một trong những thương hiệu nổi tiếng của thị trấn Diêm Điền. Hiện nay, sản phẩm sứa ăn liền An Bình có trên 20 đại lý phân phối trong cả nước, đặc biệt đã có mặt tại hệ thống các siêu thị lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Có mặt tại cơ sở chế biến thủy hải sản An Bình, chúng tôi được chứng kiến quy trình sản xuất sứa ăn liền rất kỳ công và bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Những con sứa vừa mới mua về ngoài cảng cá còn tươi được công nhân làm sạch rồi cắt thành sợi nhỏ, cho vào máy quay li tâm giúp sứa ra bớt nước và săn lại. Công đoạn tiếp theo là cho sứa vào bể ướp muối cho đến khi đạt độ mặn theo yêu cầu rồi vớt ra rửa sạch cho vào bể nước ngọt để giúp hết độ mặn. Bước cuối cùng là chần qua nước sôi để nguội rồi vớt ra trộn với gia vị như tỏi, ớt, đường…, tuyệt đối không dùng chất bảo quản, sau đó đóng gói bảo quản trong kho lạnh. Ngoài sản phẩm sứa ăn liền, cơ sở chế biến thủy hải sản An Bình còn có các sản phẩm chất lượng khác như chả mực, chả cá, chả tôm, don biển, nem hải sản… Đặc điểm của các dòng sản phẩm này là được chế biến từ nguồn nguyên liệu thủy hải sản tươi sống do ngư dân khai thác hàng ngày cung cấp, sau đó được đóng hộp, rất tiện lợi để người tiêu dùng chế biến thành những món ăn ngon phục vụ bữa ăn gia đình.

Chia tay vùng quê biển Diêm Điền, bất chợt tôi thấy hình ảnh bà Tạ Thị Hạnh trong bài hát "Cô gái mở đường" của cố nhạc sĩ Xuân Giao: Cô gái miền quê ra đi cứu nước/Mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn/Bàn tay em phá đá mở đường/Gian khó phải lùi nhường em tiến bước…

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Đào bá ngọc - 28 ngày trước

Toi muon mua sua an lien he theo so dt nao Dt cua toi 0326684456

Tải thêm