Thứ 3, 23/07/2024, 06:24[GMT+7]

Thanh Miếu, đất nặng nghĩa ân tình

Thứ 6, 15/07/2016 | 16:52:13
6,534 lượt xem
Sau hơn sáu trăm năm kể từ ngày công chúa Quang Ánh con gái thứ ba vua Trần Duệ Tông cùng Gia Từ hoàng hậu và hai người chị rời kinh thành hoa lệ về với vùng đất bãi bồi (nay là thôn Thanh Miếu, xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy) lập ấp, dựng cơ đồ, con cháu tộc họ Trần nơi đây mới có dịp tụ hội trong niềm vui nghẹn ngào bất tận dâng hương tưởng nhớ công lao trời biển của bậc tiền bối. Cũng bởi thời gian phong hóa, trải bao thăng trầm biến cố, dấu tích về công chúa Quang Ánh đã ta

Nơi thờ tự công chúa Quang Ánh mới được phục dựng tại thôn Thanh Miếu, xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy.

 

Sử cũ ghi: Cuối thế kỷ XIV, triều đại nhà Trần suy vi khiến người dân lầm than, khổ cực. Bên ngoài giặc dã rình rập, nguy cơ ngoại bang xâm lấn, vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377) đem quân chinh phạt Chiêm Thành quấy phá biên cương. Trong trận biệt phục, vua tử trận. Con trai thứ được thượng hoàng Nghệ Tông lập lên ngôi vua nhưng không xóa được nỗi u uất hoàng gia. Hoàng hậu bi lụy cắt tóc đi tu. Bà dẫn ba công chúa Quý Minh, Bảo Hoa và Quang Ánh tìm về Long Hưng (trấn Sơn Nam hạ, Thái Bình nay) đến vùng đất bãi bồi ven biển khai khẩn đất đai, tăng gia sản xuất, xa lánh trần tục danh lợi bon chen… Tộc phả họ Trần thôn Thanh Miếu, xã Thái Sơn ghi: Các vị hoàng tộc phò tá công chúa về Thanh Miếu đã cùng cộng đồng dân cư bản địa khai khẩn đất hoang làm nên cánh đồng Thượng Tiến và cánh đồng Rừng (nay là thôn Việt Cường) lập thành công điền.

 

Tương truyền, ba công chúa con vua Trần Duệ Tông rời bỏ kinh thành về miền quê mua đất lập điền thực hiện chính sách hạn điền, hạn nô và dinh điền của triều đình đồng thời khai khẩn đất hoang tăng nghiệp canh nông. Miền quê thuở ấy mà ba công chúa về khai khẩn lập điền là Thượng Liệt (Ðông Tân, Ðông Hưng); Trung Liệt (Thái Giang); Quài Miễu (nay là Thanh Miếu, Thái Sơn, Thái Thụy). Công chúa Quý Minh dựng chùa thờ Phật ở Thượng Liệt (Ðông Tân, Ðông Hưng), dạy dân trồng lúa, chăn tằm kéo tơ và dạy dân điệu múa giáo cờ, giáo quạt. Công chúa Bảo Hoa về thôn Trung Liệt (Thái Giang, Thái Thụy) dựng chùa đi tu, duy chỉ có công chúa Quang Ánh về thôn Quài Miễu, nay là thôn Thanh Miếu, xã Thái Sơn tu tại gia. Căn cứ ghi chép của quốc sử như sách Ðại Việt sử ký toàn thư (kỷ nhà Trần), Khâm Ðịnh Việt Sử thông giám cương mục và một số sách nghiên cứu về nhà Trần của các học giả trong nước bước đầu sưu tầm các tư liệu liên quan đến nguồn gốc của bà công chúa Quang Ánh và dòng họ Trần tại thôn Thanh Miếu, xã Thái Sơn. Triều đại nhà Trần khởi đầu từ vua Trần Thái Tông trải qua tám đời vua như Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông đến đời vua thứ chín là Trần Duệ Tông. Vua Duệ Tông tên húy là Kính, là con thứ 11 của vua Trần Minh Tông, mẹ đẻ của ông  là cô ruột của Lê Quý Ly, tên hiệu là Ðôn Từ Hoàng Thái phi sinh ra ông vào tháng 6 ngày mùng 2 năm Ðinh Sửu (dương lịch là năm 1337). Năm 1373 được vua anh là Nghệ Tông truyền ngôi. Lên ngôi vua thì sự nghiệp của triều Trần đang trên đà xuống dốc, các vị vua sáng tôi hiền đã không còn mà thay vào đó là triều chính nghiêng ngả, một số gian thần như Lê Quý Ly, Ðỗ Tử Bình đang lũng đoạn triều đình. Phía Nam, quân Chiêm Thành liên tục quấy rối, xâm phạm biên cương, Trần Duệ Tông muốn dốc sức huy động lực lượng quân sự đánh dẹp bọn phản loạn. Tháng 12 năm Bính Thìn, vua xuất quân, sang tháng Giêng năm Ðinh Tỵ quân đi sâu vào đất Chiêm Thành bị Chế Bồng Nga tá hàng dụ vào trận địa mai phục, quân triều đình tan vỡ, vua Duệ Tông bị vây hãm, tử trận. Ðó là ngày 24 tháng Giêng năm Ðinh Tỵ, dương lịch là năm 1377. Vua Duệ Tông ở ngôi 4 năm, thọ 41 tuổi. Vua Duệ Tông có Nguyên Phi người họ Lê (em họ của Lê Quý Ly) được sắc phong làm Gia Từ hoàng hậu. Khi vua Duệ Tông tử trận, hoàng hậu Gia Từ đã nhìn thấy trước sự phức tạp, nguy hiểm của chốn quan trường, bà chọn con đường xa rời quyền thế, không muốn cho hoàng tử làm vua nhưng không được. Sau khi con trai được thượng hoàng Nghệ Tông lập ngai vàng, bà cùng ba công chúa xuống tóc đi tu, quy y cửa Phật để tránh những hiểm họa khôn lường trong chốn kinh thành.

 

Gia Từ hoàng hậu và ba công chúa cùng người trong hoàng tộc tìm về vùng đất lau lách, bãi bồi um tùm, cọp beo, rắn rết rập rình khai phá đất hoang dựng lên làng ấp vừa để lánh nạn diệt thân vừa hoàng dương đạo Phật, quy tụ dân nghèo, quyến dân lưu tán lập ra các làng xã. Bỏ tiền, vàng mua thêm ruộng đất xây dựng am thờ Phật. Ruộng đất mà công chúa Quang Ánh cùng thân tộc khai hoang lập điền và mua được triều đình công nhận là ruộng Miễn Hoàn (tức là ruộng đất không được ai xâm hại và vĩnh viễn là thần từ phật tự mãi mãi không bị thu hồi hay thu thuế). Theo triền sông Diêm Hộ xuôi về phía Ðông và phía Nam, công chúa Quý Minh ở làng Giắng, tên chữ Hán là Thượng Liệt nay thuộc xã Ðông Tân, huyện Ðông Hưng, công chúa Bảo Hoa ở làng Sặt, tên chữ Hán là Trung Liệt, nay là xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, công chúa Quang Ánh ở làng Quài Miễu, tên chữ Hán là Thanh Miếu, nay thuộc xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy. Công chúa Quang Ánh đã để lại số ruộng Miễn Hoàn là 14 mẫu 7 sào, số ruộng này được duy trì đến năm 1955 của thế kỷ XX để dòng họ và dân làng canh tác lấy phẩm vật tế tự và phụng thờ. Dã sử ghi, lúc về lập ấp, dựng làng, công chúa Quang Ánh còn rất nhỏ, triều đình liền cử hai vị trong tôn thất nhà Trần và nhiều nô bộc đi theo cụ Trần Ðăng Tuần và Trần Ðăng Ðậu. Cụ Tuần không có con, cụ Trần Ðăng Ðậu sinh ra 4 người con trai sau trở thành 4 cụ khởi tổ của 4 ngành họ Trần tại Quài Miễu. Cả ba công chúa sau khi qua đời đều có đền thờ, lăng mộ và đều được dân các làng phối thờ tại đình làng làm Phúc Thần. Các triều đại sau như triều Hậu Lê, triều Tây Sơn, triều Nguyễn đều có sắc phong cho được thờ tự lưu truyền cho đến muôn đời.

 

Tháng 5 ngày 22, công chúa Quang Ánh về trời, sử không ghi rõ năm. Hơn sáu trăm năm kể từ ngày rời xa chốn kinh thành về làng Quài Miễu đến nay, nhằm ngày giỗ tháng 5 năm Bính Thân 2016 này, công trình đền thờ công chúa Quang Ánh tại thôn Thanh Miếu đã hoàn thành sau nhiều năm tháng đợi chờ. Con cháu họ tộc Trần ở thôn Thanh Miếu, họ tộc Trần hai thôn Thượng Liệt (Ðông Tân, Ðông Hưng), Trung Liệt (Thái Giang, Thái Thụy) và nhân dân xã Thái Sơn cùng tụ hội về dâng hương tưởng niệm tỏ lòng thành kính ghi nhớ công ơn người đã nặng lòng với đất quê hương, mở mang, khai khẩn vùng đất bãi bồi thành làng quê Thái Sơn trù mật ngày nay.

 

 

Ông Trần Văn Châu, Trưởng họ Trần thôn Thanh Miếu

 

Do biến động của lịch sử, ngôi đền thờ công chúa Quang Ánh không còn. Sau gần sáu trăm năm, con cháu tộc họ Trần thôn Thanh Miếu đã đông hơn, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ họ tộc có hai bà mẹ Việt Nam anh hùng, 7 liệt sĩ. Cháu con trong họ tộc đã cùng nhau đóng góp tiền của công sức xây dựng lại ngôi đền thờ công chúa Quang Ánh, người có công lao gây dựng vùng đất lau lách xưa thành miền quê giàu đẹp của chúng tôi.

 

Ông Trần Trọng Ðạt, 83 tuổi, hậu duệ 17 đời tộc họ Trần thôn Thanh Miếu

 

Xuất phát từ lòng thành kính với tổ tông, con cháu họ Trần thôn Thanh Miếu được sự đồng ý của chính quyền xã đã góp công, góp của xây dựng lại ngôi từ đường làm nơi thờ tự báo đáp công đức trời biển của công chúa Quang Ánh và các thân tộc họ Trần theo bà về đây khai hoang, lập ấp.

 

Ông Phạm Ðăng Tuân, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn

 

Xã Thái Sơn hiện có 45 dòng họ quần cư sinh sống, 23 từ đường dòng họ đã được ghi nhận là nơi giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến và cách mạng của quê hương. Ðền thờ công chúa Quang Ánh do con cháu dòng tộc họ Trần thôn Thanh Miếu xây dựng, được sự thống nhất cao của chính quyền địa phương, rất mong cháu con họ tộc Trần thôn Thanh Miếu đoàn kết, cùng nhau dựng xây quê hương Thái Sơn giàu đẹp hơn.

 

Quang Viện

  • Từ khóa