Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông trọn đời hiến dâng cho biển
Tết cuối cùng không trọn vẹn
Trong căn nhà tưởng niệm giản dị nằm bình yên giữa xóm làng trù phú, chúng tôi may mắn được gặp gỡ những người họ hàng thân thiết của anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông, được nghe kể những câu chuyện đời, chuyện chiến đấu của ông dường như mới chỉ diễn ra hôm qua. Đó là chuyện chiến tranh ác liệt, sau bao tháng xa nhà, ông cùng đồng đội kéo pháo từ Hà Nội về qua Phủ Lý (Hà Nam), đi qua ngõ nhà vợ mà không dám vào bởi việc nước chưa xong việc nhà đành gác lại. Đó là chuyện cứ mỗi lần về nghỉ phép, dù có ít thời gian đến mấy ông cũng tranh thủ đi thăm hỏi bà con lối xóm quê nội, quê ngoại. Ông là chiến sĩ Trường Sa, ròng rã những tháng ngày ngoài biển đảo xa xôi nhưng họ hàng quê nội cứ sang tới thị xã Phủ Lý, hỏi nhà ông Thông là không ai không biết. Đó còn là chuyện mới cách đây không lâu, một người cháu trong họ khi biết tin có dịp được ra thăm quần đảo Trường Sa đã lặn lội hàng trăm cây số trở về xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà để mang một ít đất quê nhà ra với hương hồn liệt sĩ Trần Đức Thông còn ở ngoài biển cả xa xôi...
Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông tại xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà.
Những câu chuyện kể dường như chẳng khi nào hết, như ông vẫn luôn còn đó, giản dị, thân thương đến lạ lùng. Nhưng day dứt nhất vẫn là cái tết cuối cùng bên gia đình đã không được trọn vẹn của ông. Đó là dịp tết năm 1988. Như có linh tính trước, ông đạp xe chở con gái từ nhà ở Phủ Lý về quê xã Minh Hòa thăm hỏi họ hàng, giới thiệu với từng người bạn đồng ngũ: "Đây là con gái tôi". Và khi còn tới gần một tháng nghỉ phép, được đơn vị điện báo phải vào nhận nhiệm vụ gấp, ông còn ra sông gánh từ chiều đến tối được một bể nước đầy, bởi "Mai đi rồi, tôi gánh tặng con gái rượu của tôi một bể nước kỷ niệm". Và cũng như có linh tính trước, khi trở về đơn vị nhận nhiệm vụ, ông không quên nhắn mọi người ở nhà: Tình hình biển Đông phức tạp, cũng không nên nghe đài nhiều.
Tạm biệt quê hương, Trung tá Trần Đức Thông trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ tổng chỉ huy, khẩn cấp, bí mật ra bãi Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sau hơn ba ngày đêm hải trình không nghỉ, ông chỉ huy các biên đội tàu bốc dỡ vật liệu vào xây đảo Gạc Ma. Lúc này, xung quanh đảo Gạc Ma, lực lượng tàu của Trung Quốc đang uy hiếp hòng chiếm đảo. Trung tá Trần Đức Thông khi đó đang ở trên mũi tàu HQ-604 đã chỉ huy bộ đội bình tĩnh thực hiện nhiệm vụ, quyết không rời vị trí. Tiếng ông hô vang: "Bằng mọi cách phải cắm cờ Tổ quốc, đoàn kết, mưu trí, thà chết không lùi bước". Trước tinh thần chiến đấu quật cường của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, tàu Trung Quốc lùi ra xa dùng hỏa lực nã mạnh về phía tàu HQ-604. Tàu HQ-604 bị trúng nhiều đạn, nước ồ ạt tràn vào các khoang, chìm dần xuống biển. Trung tá Trần Đức Thông đứng trên mũi tàu chỉ huy bộ đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Chuẩn đô đốc Phạm Xuân Điệp, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, nguyên Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, chiến sĩ trong tổ ba người cắm cờ trên đảo Cô Lin ngày ấy chia sẻ: Nếu không có người chỉ huy rắn rỏi, tháo vát như anh Thông, chắc chắn một số đảo chìm ở Trường Sa không được nguyên vẹn như bây giờ.
Những điều còn lại
Trần Đức Thông hy sinh ngày 14/3/1988 nhưng gần 1 tháng sau gia đình vẫn nhận được thư ông gửi về. Chị Trần Thị Thu Hà, con gái liệt sĩ Trần Đức Thông chia sẻ: Cả nhà không ai tin ông đã hy sinh bởi sau ngày 14/3, cứ cách vài ba ngày lại nhận được những lá thư ông viết hỏi thăm tình hình ở nhà, bảo đừng lo lắng khi ông đi làm nhiệm vụ. Mãi sau này khi gặp được người lính liên lạc của ông, cả nhà mới biết trước khi lên tàu đi làm nhiệm vụ, Trung tá Trần Đức Thông đã viết rất nhiều thư rồi dặn người lính ấy cứ cách mấy ngày lại chuyển giúp cho vợ con đang ở quê. Bởi vậy mà tới 7 ngày sau khi lính Trung Quốc xả súng sát hại 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam, cưỡng chiếm đảo Gạc Ma, chị Hà vẫn viết thư cho bố, vẫn kể "mẹ con ở nhà đang rất sốt ruột vì lúc nào đài cũng nói rằng tình hình Trường Sa rất căng thẳng". Lá thư ấy, hòm thư của Bưu điện Cam Ranh nhận ngày 28/3/1988 và cô con gái khi ấy mới 17 tuổi cũng không ngờ rằng đó là lá thư cuối cùng cô viết cho bố nhưng bố đã không thể nào nhận được nữa vì ông đã cùng các đồng đội của mình vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi.
Sau ngày hy sinh, quân tư trang của liệt sĩ Trần Đức Thông được chuyển từ đơn vị về nhà, để rồi chiếc chăn cũ của ông luôn được người vợ gấp ngay ngắn đặt ở đầu giường như đâu đó trong căn nhà nhỏ vẫn luôn có hình bóng của người chồng. Cả cuộc đời làm vợ 17 năm, cộng dồn những ngày ông về nghỉ phép, bà chỉ có vẻn vẹn một năm bên chồng...
Năm 2010, UBND huyện Hưng Hà đã lấy tên anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông đặt cho trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS của xã Minh Hòa như một sự tri ân dành cho người con trung dũng, anh hùng của quê hương đã hiến dâng trọn cuộc đời cho biển, cho Tổ quốc. Tại nhiều tỉnh, thành phố khác trên khắp đất nước Việt Nam, tên của ông cũng đã trở thành tên gọi của những tuyến phố, những con đường, những trường học... Hơn ai hết, những gia đình có người thân vĩnh viễn nằm lại nơi biển đảo như gia đình anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông mới thấm lắm câu hát: "Không xa đâu Trường Sa ơi..." bởi cứ mỗi lần câu hát ấy vang lên là nước mắt họ lại lưng tròng...
Ông Trần Trọng Kim, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 Anh tôi - anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông đã có 11 năm công tác nơi đầu sóng ngọn gió, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Noi gương anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông, chúng tôi cùng các con các cháu trong dòng họ luôn cố gắng học tập, rèn luyện, công tác tốt, đặc biệt luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cố gắng phấn đấu góp phần nhỏ bé đưa đất nước phát triển, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước. Ông Hoàng Văn Bảy, cán bộ văn hóa xã Minh Hòa Vào những dịp đặc biệt như kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7, UBND xã Minh Hòa luôn tạo mọi điều kiện để các em học sinh, các tầng lớp nhân dân tới thăm viếng, tri ân công lao của những người anh hùng như liệt sĩ Trần Đức Thông. Trước tấm gương hy sinh anh dũng vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cán bộ và nhân dân Minh Hòa luôn phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển, trong đó có việc xã đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới trước kế hoạch 1 năm. Ông Trần Văn Nhiễu, anh họ anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông Các phong trào, hoạt động của địa phương như khuyến học, từ thiện, xây nhà tình nghĩa... đều được các thành viên trong dòng họ Trần xã Minh Hòa nhiệt tình hưởng ứng, tích cực góp công, góp sức. Vào những dịp như ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 hay ngày giỗ liệt sĩ Trần Đức Thông, các trường học, các đoàn thể trong xã, trong huyện đều tới thắp hương tưởng nhớ gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Trần Đức Thông, qua đó động viên, khích lệ con cháu trong dòng họ chúng tôi cần cố gắng nhiều hơn nữa. |
Anh Tú
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
Anh - 7 năm trước