Thứ 5, 08/08/2024, 12:12[GMT+7]

Còn lại mẹ thôi

Thứ 5, 04/08/2016 | 08:21:45
538 lượt xem
Chiến tranh qua đi, có những nỗi đau vẫn âm thầm rỉ máu. Quá nửa cuộc đời mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thoa là những chuỗi ngày sống cùng nỗi nhớ. Hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, hai lời hứa hẹn hòa bình, hai niềm hy vọng vụt tan theo khói lửa đạn bom..., giờ còn mình mẹ nơi ngõ nhỏ ngóng trông.

Người đi... ra đi mãi mãi

Ngày ấy, trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Tây Thượng Liệt, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, mẹ Thoa cũng từng có một mái ấm đủ đầy. Chiến tranh nổ ra, ông Nguyễn Tất Lượng, chồng mẹ nhận lệnh ra chiến trường khi vợ đang mang thai đứa con đầu lòng. Thương người vợ trẻ, khao khát được gặp con nhưng vì tiếng gọi Tổ quốc, ông lên đường chiến đấu mang theo lời hứa hẹn: Ngày hòa bình là ngày đoàn tụ, ngày hòa bình gia đình sẽ mãi mãi bên nhau. Vậy mà... lời hứa năm xưa chẳng thể trở thành hiện thực khi miền Bắc đã sạch bóng quân thù. Ngày dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, mẹ cầm trên tay giấy báo tử của chồng. Nỗi đau đớn như bóp nghẹt trái tim người góa phụ trẻ tuổi, niềm an ủi duy nhất ông để lại là cậu con trai Nguyễn Tất Liệu đang bi bô tập nói. Thương con thiệt thòi, mẹ Thoa nuốt nước mắt vào trong, gồng mình nuôi con khôn lớn. Trong mắt mẹ, Nguyễn Tất Liệu là người con trai ngoan ngoãn, hiếu học, sống tình cảm. Hàng ngày, dù cơm ăn chẳng đủ no, áo chẳng đủ mặc, Liệu vẫn đi bộ bảy, tám cây số để đến trường. Đôi lần, vì đi bộ quá mệt, Liệu có xin mẹ mua cho chiếc xe đạp nhưng vì nhà nghèo mẹ Thoa chẳng thể đáp ứng nguyện vọng của con. Liệu ham học là thế nhưng năm lớp 10 khi nghe tin có đợt tuyển quân vào chiến trường miền Nam, anh quyết định nghỉ học, xin mẹ cho đi bộ đội. Quá đau đớn trước nỗi đau mất chồng, không muốn mất con, mẹ Thoa tìm mọi cách không cho Liệu đi bộ đội. Nhưng anh nói: Con phải đi giết giặc để trả thù cho bố rồi anh lấy máu viết đơn, lấy đá nhét vào túi quần cho đủ cân nặng nhập ngũ. Ngày tiễn con ra trận, mẹ nhòa trong nước mắt, lòng dạ thổn thức, lo âu. Mẹ chẳng mong anh "đỏ ngực" trở về, chỉ mong ngày chiến thắng mẹ con được đoàn tụ. Nhưng không, chiến tranh tàn khốc đã cướp đi nốt hy vọng cuối cùng của mẹ. Từ ngày anh đi, chỉ có hai kỷ vật trở về, một là lá thư viết từ nơi chiến trường ác liệt, hai là chiếc ba lô mang dòng chữ "Liệt sĩ Nguyễn Tất Liệu". Còn anh đi mãi chẳng về.

Nỗi lòng người ở

Niềm mong mỏi lớn nhất của mẹ Thoa là đưa được chồng, con về quê hương yên nghỉ. Cả hai cha con liệt sĩ Nguyễn Tất Lượng, Nguyễn Tất Liệu đều hy sinh ngoài mặt trận, đều được chôn cất tại chiến trường. Chiến tranh loạn lạc, manh mối thưa thớt dần, thông tin tìm hài cốt đến với mẹ Thoa gần như bằng không. Mãi đến năm 2012, sau hơn bốn mươi năm hy sinh, liệt sĩ Nguyễn Tất Liệu mới được trở về trong vòng tay mẹ. Con đã về nhưng chồng vẫn chưa tìm thấy, mẹ Thoa lại tiếp tục nỗi khắc khoải đợi chờ. Cho đến bây giờ, sau hơn sáu mươi năm, những hy vọng về ông ngày càng trở nên mong manh nhưng chưa bao giờ mẹ từ bỏ quyết tâm đưa ông trở về đoàn tụ với tổ tiên.

Chị Nguyễn Thị Hằng, con gái nuôi mẹ Thoa tâm sự: Nhiều lần tôi muốn đón bà lên ở cùng để tiện chăm sóc, phụng dưỡng nhưng bà đều không chịu đi, bà bảo phải ở nhà lo hương khói cho ông, cho bác Liệu.

"Bà em hay tủi thân, hay khóc lắm. Ban ngày bà còn đi chơi được, đêm về thì lại nhớ chuyện ngày xưa rồi khóc" - em Vũ Thị Thương Huyền, con gái chị Hằng kể tiếp câu chuyện về bà ngoại.

Chồng, con hy sinh, mẹ Thoa mất đi hai chỗ dựa tinh thần lớn nhất. Chị Hằng cũng đã có có gia đình riêng nên không thể thường xuyên về bên Mẹ. Gần hai mươi năm nay, mẹ sống cùng Huyền. Có Huyền bên cạnh, mẹ cũng vơi bớt đi những phút giây cô đơn tuổi già.

*

* *

Đằng sau danh hiệu cao quý Nhà nước trao tặng là hình ảnh những người mẹ Việt Nam rất đỗi bình dị, gần gũi. Đằng sau những thành quả đã đạt được hơn bốn mươi năm qua vẫn có những giọt nước mắt âm thầm rơi cùng nỗi nhớ thương. Câu chuyện về mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thoa là một trong hàng nghìn câu chuyện về những người mẹ trên dải đất hình chữ S này - những người phụ nữ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, cả niềm hạnh phúc và biết bao hy vọng cho hai chữ hòa bình. Chúng con tự hào vì Tổ quốc, Tổ quốc tự hào vì có mẹ Việt Nam anh hùng.

Thu Hiền

  • Từ khóa