Thứ 4, 07/08/2024, 18:15[GMT+7]

Lê Quý Đôn với tư duy kinh tế và vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ 5, 04/08/2016 | 08:32:23
11,170 lượt xem
Lê Quý Đôn (1726 - 1784) là vị quan thời Lê trung hưng là nhà thơ, nhà văn hóa và được mệnh danh là "nhà bác học lớn của Việt Nam". Ở thế kỷ XVIII, các tri thức văn hóa, khoa học của dân tộc được tích lũy hàng nghìn năm tới nay đã ở vào giai đoạn súc tích, tiến đến trình độ phải hệ thống, phân loại. Thực tế khách quan này đòi hỏi phải có những bộ óc bách khoa, Lê Quý Đôn với học vấn uyên bác của mình đã trở thành người "tập đại hành" mọi tri thức của thời đại. Có thể nói, toàn bộ những tri thức

Hồ thủy sản của gia đình nông dân Trần Ngọc Bích tại thôn Đồng Phú, xã Độc Lập (Hưng Hà). Ảnh: Quang Viện

Tác phẩm của ông như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu văn hóa và khoa học của cả một thời đại với tất cả những ưu điểm cùng nhược điểm của nó. Tác phẩm của Lê Quý Đôn có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc(2). Các tác phẩm của ông là một kho tài liệu để ta khảo cứu về lịch sử, địa dư, văn hóa, kinh tế, nông nghiệp và nông thôn của nước Việt… Có thể chia các tác phẩm của ông ra làm 5 loại như sau: 1. Các sách bàn giảng về kinh và truyện; 2. Các sách khảo cứu về cố thư; 3. Các sách sưu tập thi văn; 4. Các sách khảo cứu về sử ký địa lý; 5. Thơ văn. Ở góc nhìn khác, có thể phân chia các tác phẩm đồ sộ của Lê Quý Đôn thành các lĩnh vực văn học, sử học, triết học, kinh tế và nông nghiệp, bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế văn hóa và chính trị. Liên quan đến tư duy kinh tế, nông nghiệp và nông thôn có các tác phẩm như: "Vân đài loại ngữ (9 quyển viết năm 1773)", "Phủ Biên Tạp Lục (1776) và "Kiến văn tiểu lục (1777)". Với các tác phẩm này, ông đã để lại cho chúng ta một hệ thống các kiến thức uyên thâm, tư duy kinh tế hoàn mỹ và tư tưởng xuyên suốt cho sự phát triển kinh tế nói chung, nông nghiệp, nông dân và nông thôn nói riêng. Các tác phẩm của ông đặt nền tảng khoa học cho nhiều người đời sau tra cứu ở nhiều lĩnh vực khoa học - đời sống, kinh tế và xã hội. Bài viết này tập trung thảo luận tư duy kinh tế và tư tưởng của Lê Quý Đôn về cấu trúc một nền kinh tế, về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn (gọi tắt là tam nông). Mặc dù đã được tổng kết cách đây hơn 200 năm, nhưng những tư duy kinh tế và tư tưởng của ông về tam nông vẫn còn giữ nguyên giá trị, giúp chúng ta nhìn nhận mô hình kinh tế hiện nay, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giải quyết các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

1. Lê Quý Ðôn và tư duy kinh tế

Trong các tác phẩm của mình, Lê Quý Đôn đã tổng kết rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội không những hơn hẳn thời trước đó và đương thời, mà cho đến nay vẫn còn giá trị (Phạm Việt Hoàng, 2013). Về tư duy kinh tế, ông cho rằng: yếu tố hợp thành một nền kinh tế của một xã hội bao gồm "Sĩ, Nông, Công và Thương". Bốn bộ phận hợp thành này được hiểu ở hai giác độ ngành kinh tế và giai tầng. Trên phương diện ngành kinh tế, các yếu tố cấu thành nên nền kinh tế được hiểu là: Sĩ là tri thức, Khoa học - Công nghiệp, Nông là Nông nghiệp, Công thể hiện Công nghiệp và Thương có nghĩa với Thương mại và giao lưu hàng hóa. Trên phương diện giai tầng trong xã hội, các yếu tố cấu thành của một xã hội bao gồm: Sĩ là tầng lớp trí thức, Nông là Nông dân Công là công nhân, Thương là doanh nhân. Sỹ liên quan đến và là nền tảng cho cả Nông, Công và Thương nên được nhắc đến đầu tiên trong quan điểm "tứ bất" của mình". Chỉ trong 4 từ mà Lê Quý Đôn đã tổng kết đầy đủ yếu tố cấu thành nên nền kinh tế xã hội. Trước đổi mới, trong nền kinh tế mệnh lệnh kế hoạch hóa tập trung, tư duy trên của Lê Quý Đôn chưa được vận dụng đầy đủ. Với tư duy "coi sản xuất là thượng đế", các nguồn lực tập trung cho sản xuất, coi công nông là nền tảng, giá trị của tri thức chưa được quan tâm đúng mức, thương mại và giao lưu hàng hóa bị hạn chế. Kinh tế nước ta đi vào trì trệ khó khăn. Với tư duy đổi mới, quán triệt tư tưởng của Lê Quý Đôn, chúng ta chuyển từ kinh tế mệnh lệnh sang kinh tế thị trường, coi trọng và phát triển cả Sĩ, Nông, Công và Thương. Vì thế, kinh tế nước ta đã có những bước phát triển, từ một nước nghèo thành một nước có thu nhập trung bình.

Nông dân xã Trung An (Vũ Thư) chăm sóc cây màu hè. Ảnh: Nguyễn Thơi

Khi nhấn mạnh sự tồn tại tất yếu của "Sĩ, Nông, Công và Thương", Lê Quý Đôn đã chỉ ra vai trò trụ cột của các thành phần này bằng tư tưởng "Tứ bất". Ông nói "Phi Nông bất ổn, Phi Công bất phú, Phi Thương bất hoạt, Phi Trí bất hưng". Trước hết, Lê Quý Đôn cho rằng: nông nghiệp, nông dân và nông thôn là trụ cột đối với nước ta. Nông nghiệp và giai cấp nông dân làm ra sản phẩm thiết yếu, nuôi sống con người. Nếu thiếu nhà đẹp, xe đẹp ta vẫn sống được, nhưng thiếu lương thực, thực phẩm thì xã hội sẽ loạn. Phi nông có nghĩa là nếu nông dân cực khổ, nghèo nàn và nông nghiệp khó khăn thì xã hội sẽ không ổn định. Rất nhiều quốc gia giàu có như các nước trong Liên hiệp Châu Âu, Nhật, Mỹ… đã thực hiện tư tưởng này. Họ đã phát triển kinh tế với tư tưởng "trọng Nông" và bằng chứng là quan tâm tới nông dân, bảo hộ nông nghiệp, không phát triển kinh tế bằng sự hy sinh của nông nghiệp và nông dân với mọi giá. Tuy nhiên, ở một số nước chưa thành công về áp dụng tư tưởng này. Ở Trung Quốc, có một thời tư tưởng trọng nông ít được quan tâm. Điều này dẫn đến tình trạng như Lý Xương Bình, Bí thư Đảng ủy xã Bàn Cờ, huyện Giám Lợi, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã tổng kết trong bức thư gửi thủ tướng Chu Dung Cơ năm 2001 rằng: "Nông dân rất khổ, Nông thôn rất nghèo, Nông nghiệp rất nguy"(3). Sự tổng kết này đã làm cho chính sách "Tam nông" của Trung Quốc ra đời năm 2002 để chấn hưng lại nền nông nghiệp và khu vực nông thôn. Ở Việt Nam, việc chuyển từ nền nông nghiệp kế hoạch hóa, tập trung sang nền kinh tế mà hộ nông dân được trao quyền sử dụng ruộng đất và là chủ thể, vị trí của nông dân và nông nghiệp được xác lập đã giúp Việt Nam từ một nước thiếu đói, nhập khẩu hàng năm 1,5 đến 2,0 triệu tấn gạo, trở thành quốc gia đủ ăn, xuất khẩu gạo đứng thứ hai, thứ ba thế giới. Giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái những năm 2008 - 2012, trong khi nhiều nước, nền kinh tế bị chao đảo, khó khăn thì ở Việt Nam kinh tế vẫn ổn định. Điều đó là nhờ có "nông nghiệp, nông dân và nông thôn" đã là cái van "ổn áp" điều chỉnh để có sự ổn định đó. Nông nghiệp và nông thôn đã giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động ở khu vực doanh nghiệp thành thị và làng nghề thất nghiệp, những lao động xuất khẩu phải về nước do suy thoái kinh tế ở nước ngoài. Cũng chính nhờ tư duy "Phi nông bất ổn" của Lê Quý Đôn, Đảng ta đã có những quyết sách giải quyết vấn đề tam nông khá toàn diện như trong Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa X) ngày 5/8/2008(4). Vấn đề hiện nay là: cần chuyển các tư tưởng quan trọng của nghị quyết này thành hành động cụ thể, để nông dân có đời sống tốt hơn, nông nghiệp và nông thôn phát triển hơn, không đánh đổi nông dân, nông nghiệp bằng mọi giá để có nhà máy, khu công nghiệp, sân golf và các khu biệt thự nghỉ dưỡng.

Đỗ Kim Chung - Kim Thị Dung (1)


(1) - GS, TS. Đỗ Kim Chung - Học viện Nông nghiệp
- PGS, TS. Kim Thị Dung - Học viện Nông nghiệp
(2) Văn Tân, Con người và sự nghiệp của Lê Quý Đôn, trang 307.
(3) Lý Xương Bình, 2007, Tôi nói thật với thủ tướng, Nhà xuất bản Viễn Phương, Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn học phát hành, Trần Trọng Sâm dịch.
(4) Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

  • Từ khóa