Nguyễn Khang: Người con ưu tú của Thái Bình lãnh đạo giành chính quyền tại Hà Nội
Chùa Son, làng Kênh Son.
Nguyễn Khang - tên khai sinh là Nguyễn Văn Đệ, sinh năm 1919 tại thôn Nguyên Kinh, làng Kênh Son, xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương trong một gia đình thuộc tầng lớp trung nông. Thuở thiếu thời, ông được gia đình gửi sang quê ngoại ở làng Hành Thiện (Nam Định) học chữ. Vốn thông minh, hay chữ, Nguyễn Khang là trò giỏi của trường. Tại đây, được tiếp cận với lớp thanh niên có tư tưởng yêu nước, tiến bộ, trong ông đã nung nấu ý chí cách mạng đập tan xiềng xích quân xâm lược, giải phóng quê hương, đất nước.
Với nỗ lực vượt bậc của mình, người thanh niên quê lúa giàu nhiệt huyết cách mạng sau một năm được tổ chức giao nhiệm vụ đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến năm 1939, tình hình quốc tế có chiều hướng thuận lợi đối với phong trào cách mạng của nước ta, thời cơ chuẩn bị cho cuộc cách mạng lớn đang dần chín muồi, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định điều động Nguyễn Khang lên Hà Nội hoạt động trong Đoàn Thanh niên xã hội và phản đế. Đây là điều kiện để “hạt giống đỏ” của Thái Bình thâm nhập sâu vào quần chúng, từ đó có kế hoạch tham mưu cho Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo phong trào cách mạng tại Hà Nội. Không lâu sau đó, vào những năm 1940 - 1941, ông được giao các nhiệm vụ: phụ trách Đoàn Thanh niên phản đế Hà Nội, Bí thư Ban Chấp hành và Bí thư Đảng đoàn Thanh niên phản đế liên tỉnh: Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây - Bắc Ninh. Ông cũng được chỉ định tham gia Thường vụ Thành ủy Hà Nội, phụ trách thanh niên, Báo Tiền phong và nhóm thợ nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ngày Quốc tế lao động 1/5/1942, trong lúc đang làm nhiệm vụ tại Hà Nội, ông đã bị địch vây bắt và đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò. Năm 1943, ông bị thực dân Pháp đưa ra xét xử, kết án 5 năm tù và 15 năm khổ sai, bị đày đi nhà tù Sơn La. Trong thời gian giam cầm, ông bị địch tra tấn dã man nhưng với khí phách kiên cường của người cộng sản, với lòng trung trinh với Đảng, với phong trào cách mạng, với đồng chí, đồng đội của mình, ông đã cắn răng chịu đựng những trận đòn tra tấn chết đi sống lại của địch, kiên quyết không khai đường dây hoạt động cách mạng. Tra tấn cực hình không xong, địch bày mưu mua chuộc, dụ dỗ, ly gián… nhưng tất cả mưu ma chước quỷ của chúng vẫn không làm cho ý chí cách mạng kiên trung của Nguyễn Khang lung lay. Ông cùng các đảng viên khác trong nhà tù xây dựng Chi bộ nhà tù Sơn La, tổ chức các hoạt động đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của bọn cai ngục, vận động tù nhân tương thân tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua gian khổ, tin tưởng vào chính nghĩa. Bọn cai tù Sơn La thấy tù nhân thương nhau như anh em một nhà, bị tra tấn vẫn một lòng tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, chúng đặt nghi vấn có người tổ chức, vận động và nhằm tới Nguyễn Khang. Chúng nhanh chóng đày ải Nguyễn Khang ra Côn Đảo nhằm cắt đứt mối liên hệ mật thiết của ông với tù nhân trong ngục tù Sơn La. Thực dân Pháp không ngờ rằng, trong lúc giải Nguyễn Khang ra Côn Đảo, lợi dụng sơ hở của địch, ông đã tìm cách trốn thoát, tìm về Xứ ủy Bắc Kỳ và được Xứ ủy đưa về hoạt động bí mật. Tháng 3 năm 1944, Nguyễn Khang tham dự hội nghị cán bộ của Xứ ủy Bắc Kỳ và được Xứ ủy cử giữ chức vụ Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách địa bàn Hà Đông - Sơn Tây - An toàn khu của Xứ ủy và làm biên tập viên Báo Cứu quốc, Báo Hồn nước. Ngày 11/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tình thế cách mạng chuyển biến tích cực, thời cơ cách mạng đã đến, Trung ương ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Với cương vị Chủ tịch Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, ông đã chủ động đánh giá, phân tích tình hình, thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ kịp thời ra quyết định vào thời điểm quan trọng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại các tỉnh trong địa bàn hoạt động của Xứ ủy. Ông trực tiếp vạch kế hoạch và chỉ huy cuộc đánh úp tước vũ khí của quân Pháp tại đồn Bản (Yên Nhân) làm cho kẻ địch hoảng loạn. Trong điều kiện mỏng về lực lượng, khó khăn về vũ khí, đạn dược nhưng với tinh thần dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, bám sát, nắm chắc tình hình, thời cơ cách mạng, ông vừa là chỉ huy cao nhất vừa là người trực tiếp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô thành công ngoài mong đợi, nổ phát súng tiêu diệt thành lũy của thực dân Pháp và các thế lực xâm lược ngoại bang, tạo tiền đề cho phong trào đấu tranh giành chính quyền ở các địa phương còn lại mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.
Hồi ký của đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, có đoạn viết: “Về đến Hà Nội mấy hôm sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, tôi đến ngay trụ sở Thành ủy nghe Ủy ban Khởi nghĩa (lúc ấy gọi là Ủy ban Quân sự cách mạng) báo cáo. Đồng chí Nguyễn Khang, Ủy viên Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa trình bày. Qua báo cáo tôi nhận thấy Thành ủy đã nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, của Bác, đã biết nắm chắc thời cơ, phân tích đúng tình hình, so sánh lực lượng, biết sử dụng sức mạnh áp đảo của quần chúng, buộc quân Nhật phải nhường bước cho cách mạng giành chính quyền... Lúc ra về, tôi nhìn một lượt các đồng chí trong Thành ủy, đều là những người ở lứa tuổi 20, đồng chí Nguyễn Khang khi ấy 26 tuổi. Cách mạng và tuổi trẻ đã hòa với nhau trong một mùa thu lịch sử và cách mạng đã làm cho cả dân tộc ta hồi sinh và trẻ lại”.
Bà Vũ Thị Hợi, Phó Giám đốc Bảo tàng Thái Bình
Năm 2009, Bảo tàng Thái Bình tiếp nhận một số tài liệu, hiện vật về đồng chí Nguyễn Khang, người con Thái Bình đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội. Đây là những hiện vật quý để Bảo tàng trưng bày, giới thiệu về thế hệ cách mạng tiền bối trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, niềm tự hào của nhân dân Thái Bình. Ông Trần Văn Phương, Bí thư Ðảng ủy xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương
Minh Hưng là xã có phong trào cách mạng từ rất sớm. Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, xã đã có tổ chức cơ sở đảng, làng Kênh Son có chi bộ đảng. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, lớp lớp thanh niên ưu tú của xã đã tìm đến với Đảng, tham gia hoạt động cách mạng và trưởng thành, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Khang. Hiện toàn xã có 39 người được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu lão thành cách mạng, 13 bà mẹ được phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Tấm gương cống hiến hết mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân của đồng chí Nguyễn Khang sẽ mãi mãi là niềm tự hào của quê hương chúng tôi. Ông Nguyễn Văn Nam, cựu chiến binh, cháu ruột đồng chí Nguyễn Khang
Tôi được biết bác Nguyễn Khang tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, 26 tuổi đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa quy mô lớn ở Hà Nội. Là con cháu của bác Nguyễn Khang, chúng tôi tiếp tục phát huy truyền thống của gia đình, giáo dục cháu con tiếp nối truyền thống cách mạng, góp sức xây dựng quê hương Minh Hưng ngày càng giàu đẹp. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Cả nước đã hỗ trợ xóa gần 209.000 nhà tạm, nhà dột nát
- Dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn