Thứ 6, 09/05/2025, 12:46[GMT+7]

Người anh hùng mang hai án tử hình

Thứ 3, 16/08/2016 | 08:02:58
6,918 lượt xem
Bị thực dân Pháp đưa ra tòa án binh, nhận hai án tử hình nhưng trước giờ hy sinh Trần Bình vẫn giữ vững khí phách hiên ngang, quả cảm của người chiến sĩ công an cách mạng.

Đội “Hành động” thuộc Công an quận 6, thành phố Hà Nội.

Một ngày mùa thu tháng Tám, chúng tôi tìm về thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai (Vũ Thư), tới thăm gia đình ông Trần Ngọc Doãn, em họ, cũng là người chăm lo mảnh đất hương hỏa và thờ cúng liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Bình. Nâng niu lần mở những kỷ vật của người anh, ông Doãn bảo đã nhiều người đến thăm nhưng lần nào mở những kỷ vật này ra ông đều không tránh được cảm xúc bồi hồi thương nhớ và tự hào về anh. Khi ông Doãn sinh ra, anh hùng Trần Bình đã hy sinh nhưng qua lời kể của người trong làng và đồng đội anh hùng Trần Bình, ông thuộc nằm lòng từng mẩu chuyện về cuộc đời kiên cường của anh mình.

Liệt sĩ Trần Bình tên thật là Trần Văn Tích, sinh năm 1928 tại thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư). Xuất thân trong một gia đình nghèo, tuy không được đi học nhưng Trần Bình sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1946, mới 18 tuổi, ông đã tham gia đội "Hành động" thuộc Công an quận 6, thành phố Hà Nội.

Đầu tháng 10/1947, quân Pháp liên tục mở nhiều cuộc hành quân lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Ở Hà Nội, chúng dùng lực lượng quân sự kết hợp với bọn phản động nhằm phá vỡ cơ sở cách mạng. Ngày 10/10/1947, đội "Hành động" Công an quận 6 nhận lệnh của Thành ủy và Ủy ban Kháng chiến thành phố Hà Nội phải trừ khử tên việt gian Trương Đình Tri, chủ tịch hội đồng an dân Bắc Việt. Tri là tên việt gian đầu sỏ, chuyên chỉ điểm cho thực dân Pháp phá nhiều cơ sở, bắt giữ nhiều chiến sĩ cách mạng của ta. Nhiệm vụ thi hành bản án tên việt gian đầu sỏ lần này được giao đích danh cho đồng chí Đặng Đình Kỳ và Trần Bình. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, cả hai đồng chí đều đã tập luyện kỹ lưỡng các tình huống ném lựu đạn, bắn súng và tìm hiểu quy luật hoạt động của Trương Đình Tri. Khó khăn đặt ra là tên này được bọn cận vệ canh gác rất cẩn mật, đi lại bằng ô tô và có sự giám sát đặc biệt. Trước giờ thi hành nhiệm vụ, Trần Bình và Đặng Đình Kỳ nghiêm trang đứng trước quốc kỳ của Tổ quốc, thề quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ dù cho phải hy sinh. Giờ hành động đã đến. Đúng 15 giờ ngày 10/10/1947, từ nhà riêng tại 98 phố Hàng Mã, Trương Đình Tri bước lên xe chuẩn bị ra tòa thị chính. Tên cận vệ của Tri nhìn trước, nhìn sau không thấy gì bèn chui vào ô tô mà không đóng cửa kính. Trần Bình và Đặng Đình Kỳ nhanh như cắt cùng một lúc ném hai quả lựu đạn vào trong xe. Chiếc xe nổ tung, cả hai người rút lui an toàn. Sáng hôm sau, tin Trương Đình Tri bị sát hại được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quân Pháp treo giải thưởng lớn cho người bắt được hai thanh niên đã sát hại Trương Đình Tri.

Ông Trần Ngọc Doãn cẩn trọng lưu giữ những tư liệu, kỷ vật về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Bình.

Sau chiến công đó, Trần Bình được cấp trên tin tưởng giao tiếp nhiệm vụ cùng Nguyễn Văn Thuận trừ khử tên chánh thám liên bang Buốc-ních. Hắn là tên thực dân cáo già, quỷ quyệt, đã giết hại nhiều cán bộ cách mạng của ta. Hai ngày cuối tháng 12/1947, Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận mật phục ở một cơ sở đối diện nhà riêng của Buốc-ních mà không thấy động tĩnh gì. Đoán là kế hoạch bị lộ, hai chiến sĩ công an lập tức viết báo cáo gửi về xin ý kiến cấp trên nhưng chưa kịp gửi thì lính Pháp bất ngờ ập đến, Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận bị bắt cùng vũ khí và bản báo cáo chưa kịp hủy. Tại cơ quan mật thám Pháp, mặc dù bị chúng dùng mọi cực hình tra tấn rất dã man nhưng Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận chỉ nhận vào nội thành để giết tên Buốc-ních chứ tuyệt nhiên không một lời khai báo cơ sở cách mạng. Chính tay Buốc-ních đã ra nhiều ngón đòn tra tấn. Riêng Trần Bình, chúng biết ông là người đã trừ khử Trương Đình Tri nên càng tra tấn dã man hơn. Chúng trói ông giật cánh khuỷu, ròng dây kéo lên trần nhà rồi hun lửa đốt từ đầu gối tới bụng. Nỗi đau đớn khi bị thiêu sống lên đến cùng cực nhưng chẳng làm nhụt ý chí người chiến sĩ công an quê lúa. Quân Pháp đành chuyển Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận sang nhà tù Hỏa Lò, nhốt vào khu nguy hiểm. Trần Bình hàng ngày vẫn phải chịu những trận đòn khốc liệt nhất, bị đóng đinh vào các đầu ngón chân, ngón tay nhưng ông vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn tranh thủ nhờ đồng đội Nguyễn Văn Thuận dạy viết chữ.

Nửa năm sau ngày bị bắt, ngày 21/6/1948, Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận bị thực dân Pháp đưa ra tòa án binh, cả hai bị kết án tử hình vì mưu sát Buốc-ních, riêng Trần Bình nhận hai án tử hình vì thêm tội giết Trương Đình Tri. Đúng đêm ngày 18/5/1949, khi Trần Bình và Nguyễn Văn Thuận đang bàn nhau xem ngày mai nên tổ chức sinh nhật Bác ở trong tù thế nào cho thật ý nghĩa thì nhận được lệnh ra pháp trường. Nguyễn Văn Thuận may mắn thoát tội chết nhưng Trần Bình thì bị hai án tử nên chúng không tha. Trước giờ ra pháp trường, Trần Bình vẫn bình thản, hiên ngang đón nhận cái chết. Khi cai ngục chỉ tay về tên cha đạo nói "Cha Lạc sẽ rửa tội cho anh", Trần Bình lắc đầu đáp: "Tôi không có tội và cũng không theo đạo của các ông". Rồi ông yêu cầu được gặp riêng đồng đội Nguyễn Văn Thuận trước khi chết. Còn lại hai người, Trần Bình chạy đến ôm chầm lấy Nguyễn Văn Thuận xúc động: "Thuận! Thuận ơi! Sao Thuận lại khóc? Cứng rắn lên! Bình chỉ giận mình chết sớm quá, chưa cống hiến được bao nhiêu cho cách mạng!" và không quên dặn dò Nguyễn Văn Thuận gửi lời từ biệt bố mẹ, gia đình rồi cởi chiếc áo sơ mi đang mặc dúi vào tay đồng đội, bảo: "Thuận giữ lấy làm kỷ niệm, Thuận cầm lấy! Không chúng bắn thủng, phí lắm!". Anh ôm chặt người đồng chí của mình lần nữa rồi ung dung mặc áo tử tù bình thản tiến ra pháp trường ở bên kia cầu Đuống. Người chiến sĩ công an cách mạng Trần Bình anh dũng hy sinh khi mới tròn 21 tuổi.

Ngày 3/6/1948, Trần Bình và Đặng Đình Kỳ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất vì có thành tích trừ khử tên việt gian Trương Đình Tri. Sau này, liệt sĩ công an nhân dân Trần Bình vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Máu xương của ông đổ xuống nơi trái tim của cả nước, hòa cùng máu xương của đồng bào, đồng chí để Tổ quốc ta mãi trường tồn. Hiện nay, 18 chiếc đinh thực dân Pháp đóng vào ngón chân, ngón tay của ông cũng như bộ quần áo ông từng mặc vẫn được trân trọng lưu giữ tại các bảo tàng trung ương và Bảo tàng tỉnh.

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày