Thứ 5, 25/07/2024, 04:20[GMT+7]

Nhớ về mùa thu ấy

Thứ 5, 18/08/2016 | 08:25:44
873 lượt xem
71 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh về những ngày sục sôi đấu tranh giành chính quyền của cán bộ, đảng viên và nhân dân Đình Phùng (Kiến Xương) mùa thu năm 1945 vẫn còn in đậm tới hôm nay.

Nhà thờ họ Phạm Phúc, cách đây 71 năm là nơi tập luyện võ của đội dân binh chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Cụ Vũ Đông, 85 tuổi ở thôn Cao Bạt Nang hào hứng khi nói về thành công của Cách mạng Tháng Tám trên quê hương mình. Cụ kể: Lúc đó, tôi tham gia Đội nhi đồng cứu quốc của xã. Để cổ vũ cách mạng và nhân dân đứng lên giành chính quyền, Đội của chúng tôi có khoảng 60 người làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động. Mỗi người một chiếc quạt mo cuộn lại làm loa, đi dọc các trục đường trong xã hô vang các khẩu hiệu: "Vô sản đóng đanh tư bản"; "Đả đảo phong kiến, đả đảo đế quốc"; "Hoan hô chính phủ lâm thời, hoan hô kháng chiến, hoan hô Cụ Hồ Chí Minh". Vừa hô vang khẩu hiệu chúng tôi vừa khua gõ chậu thau, mâm, nồi niêu xoong, chảo tạo nên một không khí tưng bừng khắp làng trên, xóm dưới.

Cụ Nguyễn Sơn, cụ Vũ Nhật, cụ Vợi, cụ Liễn ngày ấy cũng tham gia Đội nhi đồng cứu quốc của xã, các cụ phấn khởi kể: Lớp dân nghèo cam chịu đủ thứ hà hiếp, bóc lột, chưa bao giờ được lên tiếng hôm ấy hả hê và khí khái xuống đường đấu tranh, làm cách mạng. Đoàn cổ động đi đến đâu là ầm vang tới đó và được tiếp thêm người dài mãi. Ở hai bên đường tổ chức cách mạng đặt các khẩu hiệu được viết bằng vôi trắng hoặc than đen lên mặt chiếc nong, chiếc nia treo trên dậu tre. Ngày đi giành chính quyền, lực lượng dân binh tay cầm giáo, mác, mã tấu đi trước, các đoàn thể như phụ lão, nông dân, thanh niên, nhi đồng đi sau cổ động vang trời khiến cho bọn cường hào, ác bá run sợ, co cụm lại chạy trốn về phía thị xã Thái Bình và lẩn ra các đồn bốt của địch.

Người dân Đình Phùng hôm nay luôn tự hào về truyền thống anh dũng của quê hương, là cái nôi của phong trào cách mạng có đồng chí Phạm Quang Lịch ở thôn Nam Huân, người cộng sản kiên trung, Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Thái Bình. Khi mới 26 tuổi, Phạm Quang Lịch đã tìm đến và tham gia tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội tại trường Minh Thành. Năm 1929, khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Thái Bình, đồng chí được cử về thành lập chi bộ đảng ở Nam Huân. Năm 1930, đồng chí lãnh đạo nhân dân vùng dậy đấu tranh đòi vay thóc của địa chủ chia cho dân nghèo. Chỉ trong vòng 4 năm (1930 - 1933), đồng chí Phạm Quang Lịch đã bị địch bắt 3 lần, cả 3 lần đều bị kết án với tổng mức án gần 41 năm tù. Năm 1937, sau 4 năm bị giam cầm, đày ải tại nhà tù Sơn La, sức khỏe đồng chí yếu dần và đến ngày 30/3/1937, đồng chí Phạm Quang Lịch đã trút hơi thở cuối cùng trong chốn lao tù khi mới 36 tuổi.

Khi đưa chúng tôi đến thăm ngôi nhà của cụ Phạm Quang Lịch, ông Phạm Duy Tinh (cháu gọi cụ Phạm Quang Lịch bằng bác) hiện là Phó ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đình Phùng chia sẻ: Qua nghe các cụ lão thành cách mạng kể lại, nhà cụ Phạm Quang Lịch là nơi tổ chức in ấn tài liệu tuyên truyền chuẩn bị khởi nghĩa. Đây cũng là nơi cụ tập hợp và thành lập đội dân binh làm lực lượng nòng cốt để đấu tranh giành chính quyền.

Khi Đình Phùng có đội dân binh, cụ Phạm Kim Tôn (sau này là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến đầu tiên của huyện Kiến Xương), cụ Phạm Thuần là người giỏi võ nghệ đã tự nguyện đứng ra dạy võ cho anh em. Binh khí để tập luyện gồm: giáo, mác, mã tấu, kiếm được đặt rèn ở Cao Bạt. Đêm đêm, đội dân binh tập luyện bí mật ở sân nhà thờ họ Phạm Phúc và sân chợ Nang cũ, ban ngày nghỉ và vũ khí được giấu trong vườn và dưới mái nhà lợp bằng rạ. Nổi tiếng giỏi võ trong đội dân binh và chiến đấu gan dạ với bọn phát xít Nhật phải kể đến các cụ: Phạm Vi, Phạm Lợi, Phạm Xiển, Giáo Đích, Vũ Kỷ, Nhì Lan, Ngô Đắc, Hào Huề, Phạm Trừng, lúc bấy giờ được mang những cái tên: Quần, Áo, Khăn, Khố, Mũ, Nón… để tránh địch phát hiện, truy tìm.

Cho đến hôm nay, người dân Đình Phùng vẫn còn kể cho nhau nghe mãi về huyền thoại cụ Phạm Trừng một mình tả xung hữu đột chiến đấu với lính Nhật. Trước khi bị bọn chúng bắn chết, chặt đầu, xách thủ cấp đi dọc làng hòng làm lung lạc tinh thần các chiến sĩ cộng sản và nhân dân, cụ còn kịp giết chết một số tên phát xít hung ác. Hay câu chuyện kể về cụ Vũ Kỷ đi rải truyền đơn bị bọn tay sai phát xít bắt, cụ đã cãi lý giỏi để thoát chết. Cụ Vũ Kỷ tẩm ướt tờ truyền đơn rồi rải ra đường để tránh gió bay; khi bị bắt, cụ đưa ra lý lẽ là người đi đường nhặt được tờ truyền đơn của ai đó đã rải trong đêm vì những tờ giấy này đã ướt do sương đêm thấm vào.

Mặc dù nạn đói năm Ất Dậu đã làm cho hơn 1/3 người dân Đình Phùng chết đói nhưng dưới sự dẫn dắt của những người cộng sản như Phạm Quang Lịch, Phạm Xiển, Phạm Kim Tôn và một số chiến sĩ trung kiên khác, ngày 21/8/1945, nhân dân Đình Phùng đã nhất tề đứng lên đấu tranh. Tất cả người dân già, trẻ, gái, trai từ làng trên đến xóm dưới đều đổ ra đường tạo thành biển người rồi tập trung tại chợ Nang, sân đình Nam Cao Xã Hội mít tinh, cổ động và làm cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân. Người dân bao đời sống cảnh lầm than đã lần đầu tiên được nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió do chi bộ đảng treo trên ngọn cây bàng tại chợ Nang và trước sân nhà thờ họ Phạm Phúc.

Nhớ về Cách mạng Tháng Tám, cụ Vũ Đông xúc động cho biết: Ơn Đảng, ơn Cụ Hồ đã cởi trói cho dân tộc, cho nhân dân khỏi ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến. Ngắm lá cờ Tổ quốc bay trên cao, ai cũng rưng rưng hạnh phúc vì từ đây người dân được sống kiếp con người.

Khắc Duẩn

  • Từ khóa