Thứ 4, 24/07/2024, 16:34[GMT+7]

Đông Mỹ - Miền quê cách mạng

Thứ 5, 18/08/2016 | 08:30:09
5,288 lượt xem
Cách đây 71 năm, hòa chung không khí cách mạng sục sôi của cả nước, dưới sự chỉ đạo của ban lãnh đạo Việt Minh huyện Thái Ninh (cũ), quân và dân xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) đã đoàn kết giương cao lá cờ đỏ sao vàng, quyết tâm vùng dậy giành chính quyền. 71 năm sau, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Đông Mỹ đang ra sức thi đua, quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới.

Diện mạo làng quê Đông Mỹ hôm nay.

Trước Cách mạng Tháng Tám, Đông Mỹ là một bộ phận của tổng Trực Nội, phủ Thái Ninh, sau Cách mạng là xã Tống Lễ thuộc huyện Đông Quan. Cũng giống như các miền quê khác trước Cách mạng, dưới sự bóc lột tàn bạo của thực dân, phong kiến, địa chủ, cường hào, hầu hết người dân Tống Lễ sống trong nghèo đói, phải đi làm thuê, làm mướn, mò cua, bắt ốc để sinh sống. Bất mãn với chế độ cai trị, năm 1937, một bộ phận thanh niên xã Tống Lễ đã đứng ra thành lập Hội tập thiện và dân đinh đứng lên đấu tranh đòi bãi bỏ hà lạm sưu thuế và giành thắng lợi. Nạn đói năm 1945 khiến nhiều người dân trong xã chết đói càng làm dấy lên sự căm phẫn của nhân dân và nung nấu thêm ý chí quyết tâm đánh đổ thực dân phong kiến, giành độc lập tự do để đến ngày 19/8/1945 hàng trăm người dân Tống Lễ cùng các xã lân cận đã vùng lên cướp chính quyền ở phủ Thái Ninh. Trực tiếp tham gia cướp chính quyền cách đây 71 năm, cụ Nguyễn Văn Lượt ở thôn An Lễ, năm nay đã 89 tuổi vẫn còn nhớ không khí cách mạng sôi nổi của quê hương trong ngày lịch sử: Sau khi quan tri phủ Thái Ninh đầu hàng giao ấn tín cho quân khởi nghĩa, khắp trong và ngoài làng, nhân dân vô cùng phấn khởi, dựng cổng chào, băng biển, khẩu hiệu ủng hộ cách mạng. Tất cả mọi người từ các cụ già đến các cháu nhỏ đều theo lá cờ đỏ sao vàng nô nức kéo nhau ra đình làng nghe đại diện chính quyền cách mạng tuyên bố cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, chính thức xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến. Cũng tại đây, trước sự chứng kiến của toàn thể dân làng, lý trưởng Khổng Vũ Phủng đã bàn giao triện đồng (con dấu) cho đại diện chính quyền cách mạng.

Cũng theo lời kể của cụ Lượt, khi nhân dân trong làng đang vui mừng, phấn khởi trước thắng lợi của Cách mạng thì ngày 21/8/1945 nước lũ tràn về do đê Thanh Nga bị vỡ. Trong hoàn cảnh khó khăn song nhân dân vẫn dùng thuyền giương cao lá cờ đỏ sao vàng đi khắp xã tuyên truyền chính sách ủng hộ Việt Minh, bắt lý trưởng nộp ấn tín rồi thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời xã. Theo chỉ đạo của tỉnh, tháng 4/1947, xã Tống Lễ được thành lập trên cơ sở liên hiệp 4 làng: An Lễ, Gia Lễ, Tống Thỏ, Tống Khê. Đến tháng 2/1948, chi bộ đảng đầu tiên của xã được thành lập. Sau khi thành lập, Chi bộ tập trung xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể vững mạnh; lãnh đạo nhân dân thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống, xây dựng hũ gạo kháng chiến, mở các lớp bình dân học vụ xóa mù chữ cho người dân và xây dựng lực lượng vũ trang sẵn sàng tham gia chiến đấu. Cụ Phạm Văn Cát, 95 tuổi ở thôn Tống Thỏ, nguyên là xã đội phó phụ trách huấn luyện đội du kích của xã trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhớ lại: Đầu năm 1950, thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Thái Bình. Là cửa ngõ của thị xã, cũng là cơ sở đầu mối giao liên của tỉnh, xác định Tống Lễ sẽ là một trong những trọng điểm đánh chiếm của địch, Chi bộ đã quán triệt tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sẵn sàng chiến đấu. Trước đó, xã đã nhanh chóng thành lập 4 trung đội du kích, 1 trung đội trung kiên; vận động nhân dân tập trung xây dựng làng kháng chiến Tống Thỏ dài 1.800m. Ngoài ra, các thôn còn vận động nhân dân rào xung quanh làng bằng tre buộc đan xít vào nhau, các lối ra vào khi địch đến gim mìn, đặt chông, mở các đường đi luồn lách trong thôn xóm… Tham gia hầu hết các trận đánh song trận đánh để lại ấn tượng sâu đậm nhất với cụ Cát đó là trận bốt cầu Sa Cát tháng 3/1951. Dù địch có hơn 2.000 tên, lại được pháo binh và xe tăng yểm trợ đánh thẳng vào Tống Lễ nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường, dân quân du kích xã đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt 34 tên.

Bia chiến thắng trên địa bàn xã Đông Mỹ.

Ngoài trận bốt cầu Sa Cát, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang xã Tống Lễ còn trực tiếp chiến đấu và phối hợp với bộ đội chủ lực đánh 31 trận, bắt sống, gọi hàng, tiêu diệt 153 tên địch, thu 2 đại bác, 12 xe cơ giới và nhiều vũ khí; diệt và cải tạo hàng chục tên phản động, phá vỡ tổ chức Quốc dân đảng, phá 2 bốt. Toàn xã có 158 thanh niên tòng quân đánh giặc, 200 dân công tải gạo ra chiến trường, 1 đại đội dân công hỏa tuyến tải đạn từ chiến trường về, xây dựng hũ gạo kháng chiến với 1.500kg và kho lương thực 10.000kg phục vụ chiến đấu; 42 người con của xã đã anh dũng hy sinh, góp phần cùng cả nước đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, cuối năm 2014, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Mỹ (tức Tống Lễ) đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Đi qua thời đạn bom, khói lửa, diện mạo của Đông Mỹ hôm nay đang khởi sắc từng ngày. Những ngôi nhà cao tầng san sát theo các trục đường bê tông rộng rãi, bằng phẳng. Đồng chí Khổng Thị Lý, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Mỹ không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 6 tháng đầu năm 2016, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã, địa phương cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Kinh tế tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 69 tỷ đồng, đạt 53,1% kế hoạch năm. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, thể thao được duy trì và phát triển. An sinh xã hội được bảo đảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ được chỉ đạo thực hiện tốt, hoàn thành chỉ tiêu giao quân. Trong công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Hiện nay, cả hệ thống chính trị cùng nhân dân trong xã đang tập trung cao cho mục tiêu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2016.

Đào Quyên - Thùy Dung

  • Từ khóa