Thứ 3, 30/07/2024, 09:24[GMT+7]

Lá thư nhuộm màu cờ Tổ quốc

Thứ 2, 29/08/2016 | 09:27:52
1,623 lượt xem
Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 của quân dân miền Nam, làn sóng phản đối chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới lên cao, tác động lớn đến tình hình chính trị của Mỹ. Ngày 18/1/1970, Tổng thống Hoa Kỳ Nixon quyết định thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, rút dần quân đội Mỹ ở chiến trường miền Nam, tăng viện trợ cho quân đội chính quyền Sài Gòn. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban bố lệnh tổng động viên nhằ

Làng Lai Vy, nơi sinh ra và dung dưỡng anh hùng liệt sĩ Đặng Tiến Lợi.

Anh hùng liệt sĩ Ðặng Tiến Lợi sinh năm 1953 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Lai Vy, xã Quang Minh, huyện Kiến Xương. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 1/1971, Ðặng Tiến Lợi xếp bút nghiên lên đường tòng quân. Sau 12 tháng huấn luyện đặc công ở Cát Hải (Hải Phòng), ngày 18/12/1971, Ðặng Tiến Lợi được điều động vào miền Nam, phiên chế về trung đội đặc công nước thuộc Ðại đội 2, Tiểu đoàn 471, Quân khu V (địa bàn tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng), thực hiện nhiệm vụ tiếp cận và tiêu diệt các mục tiêu của địch như hệ thống cầu, phà giao thông quan trọng, các trạm ra-đa trên biển. Nhiệm vụ đặc công vốn dĩ luôn khó khăn, nguy hiểm nhưng nhiệm vụ đặc công nước càng khó khăn, nguy hiểm gấp nhiều lần, đòi hỏi tinh thần dũng cảm, mưu trí và trách nhiệm. Ðặng Tiến Lợi đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt, liên tục lập công vang dội.

Năm 1972, Ðặng Tiến Lợi được giao chức vụ trung đội phó trực tiếp chỉ huy đội đặc công đánh 4 trận thì cả 4 trận đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phá sập 3 cầu lớn, một khu trung tâm ra-đa, diệt 20 tên địch. Trong chiến công chung của đồng đội, Ðặng Tiến Lợi âm thầm phá sập hai cây cầu dài hơn 100 mét là cầu Liên Chiểu trên đường số 1 (đoạn Ðà Nẵng đi đèo Hải Vân) vào ngày 10/5/1972 và cầu Thủy Tú (huyện Hòa Vang) vào ngày 14/5/1972. Ðây là hai cây cầu có vị trí trọng yếu trong hệ thống giao thông quân sự của địch, do vậy chúng canh gác hết sức nghiêm ngặt, cẩn mật. Các trụ cầu đèn điện thắp sáng suốt đêm. Quân địch luôn có một tiểu đội gác cầu, chúng thường xuyên ném lựu đạn và xả đạn xuống sông nhằm uy hiếp đối phương. Vì vậy, không có một bóng dáng con thuyền hay một mảng lục bình trôi dạt nào đến được gần cầu. Ðể phá hủy được cầu của địch, Ðặng Tiến Lợi và đồng đội đã tiến hành trinh sát kỹ địa hình, cách thức canh phòng và di biến động của địch trong nhiều ngày. Sau khi đã nắm chắc sơ đồ, di biến động của chúng, Ðặng Tiến Lợi lên kế hoạch hành động. Anh tính toán kỹ lộ trình di chuyển từ nơi tập kết đến chân cầu dưới sự canh phòng nghiêm ngặt của địch, đồng thời phải mang theo 80kg bộc phá - nặng hơn cả trọng lượng cơ thể anh và rất khó khăn khi phải di chuyển dưới nước.

Khoảng cách từ nơi tập kết đến chân cầu khá xa. Không may cho anh, khi đưa 80kg bộc phá đến gần chân cầu Liên Chiểu thì bị mắc cạn, địch nghi ngờ bắn loạn xạ lên hai bờ sông và xả đạn dữ dội xuống nước. Bình tĩnh, dũng cảm và mưu trí, có đồng đội yểm trợ, Ðặng Tiến Lợi vừa tìm cách tránh đạn của địch vừa đưa khối bộc phá đến sát chân cầu. Những ngày luyện quân khắt khe ở Hải Phòng đã cho anh bản lĩnh và niềm tin vào chính nghĩa, giúp anh vượt qua thử thách khắc nghiệt có thể làm anh mất mạng chỉ trong tích tắc. Ít phút sau, một tiếng nổ long trời lở đất, cột khói bốc lên cao, trụ cầu bị đánh sập. Ðồng đội lo lắng không biết có chuyện gì xảy ra với anh không. Nhưng rồi Ðặng Tiến Lợi đã trở về. Từ dưới sông bước lên, miệng anh nở nụ cười chiến thắng. Bốn ngày sau, anh lại ẵm bộc phá đến cầu Thủy Tú trên dòng sông Cu Ðê. Lần này không chỉ là 80kg mà là 100kg, khó khăn gấp nhiều lần. Quân địch tăng cường cảnh vệ sau vụ Việt cộng đánh sập cầu Liên Chiểu, mọi phương tiện qua lại đều bị kiểm soát kỹ. Làm sao có thể tiếp cận cầu vì lần này cấp trên giao nhiệm vụ phải đánh sập ba nhịp cầu dài 150 mét. Muốn tiếp cận cầu anh phải lặn một đoạn sông dài. Ðây là công việc hết sức khó khăn khi phải vừa lặn sâu vừa kéo theo khối bộc phá nặng… một tạ dưới nước. Cuối cùng, với sự mưu trí và dũng cảm cộng với sự yểm trợ của đồng đội, anh đã gài được bộc phá vào trụ cầu rồi lặng lẽ rút lui. Một lát sau, tiếng nổ rung chuyển mặt đất, 150 mét cầu bị đánh sập. Quân địch một lần nữa bị bất ngờ, chúng hô hoán, kêu la, xả đạn dữ dội xuống sông. Giao thông trên đường số 1 hoàn toàn bị tê liệt. Ðồng đội lại đón anh trở về, trên môi anh vẫn tươi rói nụ cười chiến thắng. Sau hai chiến công vang dội khiến quân địch thất điên bát đảo, cấp trên tin tưởng và tiếp tục giao cho anh nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: đánh tan khu trung tâm ra-đa của địch ở bán đảo Sơn Trà (Ðà Nẵng). Từ đất liền ra bán đảo không có con đường nào khác là bơi và lặn. Ðặng Tiến Lợi tự nhủ: Ðặc công nước mà! Anh hội ý với đồng đội rồi cùng anh em trong tổ trinh sát quyết định bơi hàng chục ki-lô-mét trên biển để tiếp cận mục tiêu. Sau hàng loạt các vụ đánh bộc phá của đặc công Việt cộng, địch tăng cường bảo vệ các mục tiêu quân sự quan trọng. Trung tâm ra-đa trên bán đảo Sơn Trà được canh gác cẩn mật. Ðường vào bán đảo địch bố trí nhiều vọng gác, tổ chức tuần tra ngày đêm. Khó khăn, gian khổ, hiểm nguy rình rập, Ðặng Tiến Lợi cùng đồng đội đã phải ăn gạo rang, ngâm mình dưới nước gần một tháng trời để trinh sát và tiếp cận mục tiêu. Nắm vững sơ đồ, anh quay trở lại đất liền báo cáo kế hoạch hành động với cấp trên. Do ngâm mình dưới nước lâu ngày trong điều kiện kham khổ nên sức khỏe của anh sa sút, cấp trên quyết định cho anh an dưỡng. Nhưng anh nằng nặc xin cấp trên để mình trực tiếp chỉ huy đánh trận bởi anh cho rằng đồng đội đi thay anh không nắm chắc địa bàn và quy luật hoạt động của địch nên dễ xảy ra thương vong. Không còn cách nào khác, cấp trên đành cử anh cùng tổ trinh sát tiếp cận mục tiêu. Lúc bơi ra bán đảo, bất ngờ gặp bão, anh cùng đồng đội phải nấp tránh bão trong vòng bốn ngày. Sau khi ra đến bán đảo và gài được mìn quanh mục tiêu, anh ra lệnh cho anh em rút khỏi hiện trường rồi bấm nút. Trung tâm ra-đa của địch bị phá hủy. Các anh trở về an toàn. Sau đó ít ngày, đồng đội chỉ còn nhìn thấy Ðặng Tiến Lợi cười và vẫy tay chào tạm biệt lần cuối trước khi dìm mình xuống sông Cu Ðê đánh sập cầu Thủy Tú lần hai. Lần này, quân địch phát hiện ra anh đang gài bộc phá, chúng bắn dữ dội. Biết không thể trở về với đồng đội, anh gắng sức ôm gói bộc phá đặt vào trụ cầu rồi giật chốt kích nổ. Cầu Thủy Tú bị phá sập hoàn toàn nhưng người chiến sĩ đặc công dũng cảm đã mãi mãi ra đi.

Trong di cảo để lại của liệt sĩ Ðặng Tiến Lợi trước lúc hy sinh có những dòng thư thấm đẫm tinh thần tiến công cách mạng của người con trung hiếu. Anh viết thư gửi thầy mẹ tại chiến trường, lời thư nhuộm màu cờ Tổ quốc: "…Mới ngày nào con còn là một học sinh chân yếu tay mềm, nay con trưởng thành là một chiến sĩ tin cậy của Ðảng và đương nhiên đã là một chú giải phóng quân, sự trưởng thành này là nhờ công lao nuôi nấng, dạy bảo trời biển của thầy mẹ và sự giáo dục của Ðảng, công ơn này con không bao giờ quên được".

Liệt sĩ Ðặng Tiến Lợi đã được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng" năm 1973.

Ông Lê Văn Hường, Bí thư Ðảng ủy xã Quang Minh

Ðảng bộ và nhân dân Quang Minh luôn tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, tự hào về anh hùng liệt sĩ Ðặng Tiến Lợi, người con trung hiếu đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Quang Minh có 32 lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa; 129 liệt sĩ; 15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện hai mẹ còn sống. Ðảng bộ và chính quyền xã luôn phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, thường xuyên quan tâm chăm sóc người và gia đình có công với cách mạng.

Ông Ðặng Văn Chung, Trưởng thôn Lai Vy, xã Quang Minh

Từ khi còn học phổ thông, tôi đã được nghe kể về tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của liệt sĩ Ðặng Tiến Lợi. Tôi rất tự hào về quê hương Lai Vy đã sinh ra và nuôi dưỡng người anh hùng, anh là người tô thắm truyền thống cách mạng của quê hương tôi.

 Anh Ðặng Văn Công, cháu ruột liệt sĩ Ðặng Tiến Lợi

Là lớp người trẻ tuổi sinh ra sau chiến tranh, được thừa hưởng truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình, dòng tộc, tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn nữa để góp phần xây dựng quê hương Quang Minh ngày thêm giàu đẹp.

Quang Viện

  • Từ khóa