Thứ 4, 16/07/2025, 16:37[GMT+7]

Làng Hú - địa chỉ đỏ cách mạng

Thứ 5, 01/09/2016 | 09:55:14
2,208 lượt xem
Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp trở về làng Hú, xã Hòa Tiến (Hưng Hà) nghe các bậc cao niên kể chuyện một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, địa chỉ đỏ của phong trào đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cổng đình làng Hú.

Ðịa chỉ đỏ cách mạng

Đầu thế kỷ thứ I, năm 40 - 43, bốn người con của làng đã dựng cờ dấy binh từ phủ Khoái Châu đến phủ Tân Hưng đánh nhau với quân Tô Định hơn 20 trận bách thắng, được Hai Bà Trưng phong đẳng cấp, ban phát vàng bạc, châu báu, lụa là, đất đai, lập hành cung tôn thờ. Đến thời các vua Trần đã phong cho làng 4 chữ "Vạn cổ phúc thần". Tại đây có quần thể đình, đền, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân mà còn là nơi nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến. Làng Hú có tổ chức hoạt động cách mạng đầu tiên ở Hưng Nhân (Hưng Hà), người đầu tiên giác ngộ cách mạng là ông Nguyễn Xuân Kiểm, ngày 15/8/1932 đã thành lập Hội đồng lợi, còn gọi là Hội cùng đinh, tuyên thề đồng tâm nhất trí bênh vực nhau, thương yêu, coi nhau như ruột thịt, chống lại sự bất công, không ai được làm trái; thực hiện đấu tranh cách mạng, bảo vệ cách mạng, bảo vệ người hoạt động cách mạng của Đảng. Từ đó, Hội đồng lợi tổ chức 10 cuộc đấu tranh với chính quyền thực dân Pháp. Những năm 1936 - 1940, các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Ngô Duy Đông, Già Đồi, Trần Độ đã giả trang làm tự chùa, thường xuyên đi lại, làm việc tại đình, chùa làng Hú. Nơi đây đã đào hầm bí mật từ chùa sang đình, từ đình ra ngoài và từ ngoài vào trong chùa bảo đảm hoạt động an toàn. Năm 1941, thực hiện nghị quyết của Đảng đã tổ chức canh coi, bảo vệ để 4 người trực tiếp kéo lá cờ cách mạng trên ngọn cây gạo to nhất vùng phía trước đình làng Hú vào đêm ngày 30, rạng sáng ngày mùng một tết Tân Tỵ, quan quân huyện Hưng Nhân ập tới đàn áp, bắt 3 người về giam, tra hỏi, đánh chết ông Nguyễn Văn Khâm - liệt sĩ đầu tiên của huyện. Lá cờ cách mạng vẫn tung bay trên ngọn cây gạo. Chặng đường cách mạng 1939 - 1945, trong gian khổ, ác liệt, giữa cái sống và cái chết liền kề, dân làng Hú vẫn lập nhiều kỳ tích, được Đảng, Nhà nước tặng bằng có công với nước, lịch sử Đảng bộ tỉnh ghi trang sử vẻ vang: "Làng Hú - địa chỉ đỏ cách mạng"; người dân Hưng Nhân được ghi nhận là cội nguồn của cách mạng là từ ánh cờ sao làng Hú tung bay. Nơi đây 10 người được công nhận là lão thành cách mạng. Cũng chính từ cái nôi cách mạng này, những năm 1945 - 1975, người dân làng Hú lại rào làng kháng chiến, lập ấp phá tề, mặc dù bị thực dân Pháp bắn phá, đốt làng nhưng bà con vẫn kiên cường không theo giặc, quyết tâm nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, bộ đội đóng quân ngay trong làng đồng thời là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến đánh Mỹ. Một làng nhỏ mà có 99 gia đình rào làng kháng chiến, gần 99% lượt người trẻ tuổi ra chiến trường, 22 người đã anh dũng hy sinh, 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 10 lão thành cách mạng, 228 người được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến, 45 bằng Tổ quốc ghi công - thật đáng tự hào!

Người dân làng Hú thu hoạch dưa lê vụ hè.

Vững bước trên con đường đổi mới

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, cán bộ, đảng viên và nhân dân làng Hú gương mẫu trong công cuộc đổi mới, tích cực đổi mới tư duy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác; tổ chức quy vùng diện tích đất canh tác để luân canh 4 vụ: lúa xuân sớm, cây màu hè, cây màu hè thu và cây vụ đông, giá trị thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Cùng với phát triển nông nghiệp, làng Hú còn đa dạng hóa các ngành nghề như sửa chữa máy móc, mộc, may khăn xuất khẩu, làm long nhãn..., tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương theo phương châm "Ly nông bất ly hương", thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm, nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Những phong tục, tập quán tốt đẹp, nếp sống gia phong kính trên nhường dưới, lấy chữ hòa hiếu làm thước đo được phát huy, tình làng nghĩa xóm gắn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất; gần 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 5/7 dòng họ đạt dòng họ văn hóa, 3 dòng họ khuyến học; mỗi năm có 3 - 5 cháu thi đỗ đại học, 10 - 15 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Để cổ vũ, động viên phong trào và giữ gìn truyền thống quê hương, vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, nhân kỷ niệm ngày sinh tứ vị đại vương của làng, làng tổ chức khen thưởng các cháu học sinh có thành tích cao trong học tập.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cán bộ, đảng viên và nhân dân làng Hú đã góp công, góp của, mỗi khẩu hiến 15m2 đất cơ bản bằng 16 triệu đồng/người, đối ứng gần 3 tỷ đồng và tiếp nhận xi măng hỗ trợ của tỉnh làm 4 trục đường thôn và ngõ xóm dài gần 2km, 2,5km đường giao thông nội đồng; nhiều gia đình đã cho thôn vay tiền để làm các công trình bảo đảm tiến độ. Đạt được kết quả trên là do làng đã thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Bài học về phát huy dân chủ, công khai, minh bạch với nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền áp dụng và phát huy hiệu quả trong thực tế.

Hôm nay, đi trên con đường rộng rãi, khang trang được làm lên bởi sự hòa hợp của ý Đảng lòng dân, càng cảm nhận rõ sự đổi thay của quê hương càng thấy mình cần phải phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang của một vùng quê yêu nước, cách mạng.

Trúc Lành
(Đài TTTH Hưng Hà)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày