Thứ 5, 25/07/2024, 23:14[GMT+7]

Xứng danh họ Trần

Chủ nhật, 11/09/2016 | 19:23:20
3,181 lượt xem
Nằm trong Khu công nghiệp Tiền Hải có ba nhà máy sản xuất thuộc Công ty Sứ Đông Lâm với 450 lao động. Doanh thu của Công ty hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng, chỉ tính 8 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu đạt trên 50 tỷ đồng. Ít người biết rằng, hơn 30 năm trước, chủ doanh nghiệp Trần Văn Dũng đã không tham dự kỳ thi đại học mà lựa chọn làm công nhân kỹ thuật của Công ty Sứ Thái Bình. 10 năm sau, chàng thanh niên ngày ấy lại cương quyết rời bỏ công việc ổn định ở doanh nghiệp nhà nước để t

Chủ tịch Hội họ Trần huyện Tiền Hải Trần Trung Mô và Tổng giám đốc Trần Văn Dũng kiểm tra sản phẩm sứ dân dụng xuất khẩu tại Công ty Sứ Đông Lâm.

Doanh nhân Trần Văn Dũng chia sẻ: Tôi vinh dự mang họ Trần và tự hào được sinh ra, trưởng thành trên miền quê Tiền Hải, quê hương của tiếng trống năm 30 hào hùng. Mỗi lần thất bại, tôi luôn thấy vang lên lời dạy của bậc tiền nhân Đức Hoằng Nghị Đại Vương - Húy danh Trần Thủ Huy - Thượng đẳng phúc thần: "Hãy nghĩ đến điều chưa ai nghĩ tới. Hãy làm những việc chưa ai làm được".

Ở xã Đông Hoàng (Tiền Hải) có người con dòng họ Trần được bà con trong xã, ngoài làng khâm phục và gọi bằng cái tên thân mật, trìu mến: Nghĩa "máy cấy". Anh nông dân Trần Đại Nghĩa xuất phát từ lòng thương cảm, sẻ chia với nỗi vất vả, cực nhọc của người nông dân mà tự mày mò, học hỏi chế tạo thành công chiếc máy cấy vận hành bằng sức kéo (không động cơ), nguyên liệu chủ yếu bằng thép hộp nên rất nhẹ. Máy cấy có giá thành phù hợp với túi tiền của bà con nông dân, giảm sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất nên không chỉ có nông dân của xã Đông Hoàng, mà nông dân cả tỉnh, thậm chí nhiều địa phương khác cũng tìm đến để mua.

Không chỉ anh Dũng, anh Nghĩa mà hàng nghìn con em họ Trần ở Tiền Hải đã và đang tiếp nối truyền thống "Hào khí Đông A" rèn văn, luyện võ góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Ông Trần Trung Mô, Chủ tịch Hội họ Trần Việt Nam huyện Tiền Hải cho biết: Do đặc thù làm nghề chài lưới nên họ Trần có mặt tại hầu hết các xã ven biển huyện Tiền Hải, sau đó phát triển ra toàn huyện. Từ kỳ Đại hội lần thứ nhất vào năm 2004, đến nay họ Trần huyện Tiền Hải có trên 8.800 hội viên sinh hoạt ở 320 chi tộc thuộc 30/35 xã, thị trấn. Để thu hút, tập hợp các dòng họ, chi họ và các gia đình họ Trần về dưới một mái nhà chung, các địa phương tổ chức chi hội theo khu dân cư thôn, khu phố hoặc tổ chức chi hội theo dòng họ, chi họ. Qua đó góp phần thể hiện tính cộng đồng đầm ấm trong thôn làng. Bên cạnh đó, đội ngũ trưởng chi, chủ tịch hội họ Trần Việt Nam các xã luôn tâm huyết và năng động trong đẩy mạnh các hoạt động của Hội sao cho sát và phù hợp với thực tế, mang lại tình đoàn kết và lợi ích thiết thực cho các hội viên.

Sau khi thành lập, Hội xúc tiến việc tìm hiểu, bổ sung, xây dựng gia phả, tộc phả, lập phả đồ dòng họ. Các chi tộc, họ tộc tiến hành sửa sang, tôn tạo, xây cất từ đường, nhà thờ nhằm tri ân tổ tiên và giáo dục truyền thống cho con cháu. Nhiều con cháu của dòng họ làm ăn sinh sống thành đạt ở trong nước, ngoài nước với tấm lòng thành kính tri ân tổ tiên đã công đức, tài trợ từ 20 - 200 triệu đồng vào việc tôn tạo xây dựng lăng mộ, từ đường. Tiêu biểu như các xã: Nam Thịnh, Nam Hưng, Đông Long, Đông Xuyên... Việc sưu tầm những chứng tích như câu đối, đại tự, văn bia, sắc phong, các từ đường là di tích lịch sử văn hóa… cũng được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Toàn huyện hiện có 225 từ đường, trong đó có 5 từ đường được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Riêng xã Đông Xuyên có 34 từ đường, xã Nam Hải có 27 ngôi, nơi nào cũng có gia huy Trần tộc, bài ca họ Trần. Hàng năm, hội họ Trần nhiều xã tổ chức họp mặt truyền thống ngày giỗ tổ trong không khí cung kính, trang nghiêm, thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân.

Cùng với các hoạt động trên, họ Trần huyện Tiền Hải luôn tích cực tham gia hoạt động xã hội ở địa phương nhất là trong các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư"; "Xóa đói giảm nghèo"; "Đền ơn đáp nghĩa"; "Tuổi cao gương sáng"; "Xây dựng nông thôn mới"... Đặc biệt, cùng với đẩy lùi các tệ nạn trong từng gia đình, họ Trần huyện Tiền Hải còn vận động con em không tham gia tụ tập khiếu kiện đông người, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tiêu biểu trong các hoạt động này là các hội họ Trần xã Đông Xuyên, Nam Hưng, Nam Thịnh, Nam Phú, Tây Giang, Bắc Hải, An Ninh… Các thành viên của hội thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ việc hiếu, hỷ, qua đó tăng cường tình đoàn kết thương yêu trong cộng đồng dân cư. Phong trào khuyến học, khuyến tài trong dòng họ được đẩy mạnh với việc xây dựng "Dòng họ khuyến học", "Gia đình hiếu học"… Hàng năm, hội họ Trần các xã, thị trấn đều tổ chức khen thưởng các cháu học sinh đạt thành tích trong học tập, thi đỗ vào các trường THPT, đại học với điểm số cao, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Nhiều hội họ Trần các xã, thị trấn có quỹ khuyến học thường xuyên với số dư từ 10 triệu đồng trở lên như các xã: An Ninh, Tây Giang, Bắc Hải, Vũ Lăng, Đông Xuyên, Đông Lâm, Nam Thịnh, Nam Phú... Năm 2015, họ Trần huyện Tiền Hải có 160 học sinh đỗ đại học, cao đẳng; 350 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, 131 cháu đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Việc xây dựng quỹ hội họ ở cơ sở và Hội huyện luôn được hội viên hưởng ứng nhiệt tình. Việc thu, chi quỹ hội được hạch toán minh bạnh, chi đúng mục đích có hiệu quả, qua đó đã tạo được niềm tin tưởng đối với các hội viên.

Với những hoạt động thiết thực, Hội họ Trần huyện Tiền Hải đã góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương tạo sự đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra. Đây cũng chính là phương châm hoạt động của họ Trần mà Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen, Chủ tịch họ Trần Việt Nam đã khẳng định: "Đoàn kết - đồng thuận và đổi mới" vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Phan Lợi - Mai Thư

  • Từ khóa