Thứ 2, 29/07/2024, 21:18[GMT+7]

Trở thành triệu phú nhờ nuôi lợn sinh sản

Thứ 5, 22/09/2016 | 09:26:24
527 lượt xem
Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, gia đình chị Tạ Thị Mai ở thôn Trình Nguyên (xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, gia đình chị thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm và trở thành nhà nông triệu phú trên quê hương.

Từ mô hình chăn nuôi lợn nái, gia đình chị Tạ Thị Mai thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng mỗi năm.

 

Trước năm 2004, nguồn thu chính của gia đình chị Mai chỉ trông vào mấy sào ruộng cộng với chăn nuôi nhỏ lẻ nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm giàu, gia đình chị Mai đã mạnh dạn vay vốn xây dựng chuồng trại đưa vào chăn nuôi 20 con lợn nái. Những năm đầu, do khó khăn về vốn, thiếu kinh nghiệm nên việc chăn nuôi chưa thực sự hiệu quả, nhưng không vì thế làm chị nản lòng, chị Mai vẫn kiên trì, chịu khó tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức để học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt năm 2012, chị được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho tham gia lớp học chăn nuôi thú y tại Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình với thời gian 9 tháng. Luôn tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất cùng với những kiến thức đã học được ở trường, chị Mai đã từng bước làm chủ kỹ thuật chăn nuôi, mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại, đưa vào nuôi thêm 30 lợn nái, nâng tổng đàn lợn lên 50 con. Để chủ động được nguồn giống trong chăn nuôi, gia đình chị còn đầu tư 80 triệu đồng mua hai con lợn đực để phối giống.

 

Hiện nay, khuôn viên trang trại của gia đình chị Mai rộng 2.500m2, trong đó xây dựng hai dãy chuồng rộng gần 500m2 để nuôi lợn nái, diện tích còn lại là ao nuôi thả các giống cá truyền thống. Bình quân một năm gia đình chị có khoảng 1.000 con lợn sữa giống siêu nạc. Mỗi con lợn sữa bán ra thị trường có giá khoảng 1,6 triệu đồng, được thương lái và người dân các nơi trực tiếp đến thu mua. Mỗi năm, trừ các chi phí, trang trại cho thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, chị Mai cho biết: Trong quá trình nuôi lợn nái, gia đình tôi luôn chú trọng tiêm vắc-xin phòng, chống các loại dịch bệnh cho đàn lợn. Thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại, máng ăn sạch sẽ, chú ý giữ nhiệt độ phù hợp đối với những chuồng nuôi lợn con mới sinh. Chế độ ăn của lợn mẹ và lợn con mới sinh phải bảo đảm nguồn dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý cho từng thời kỳ.

 

Không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, gia đình chị Mai đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn nái cho hiệu quả kinh tế cao. Giờ đây, trang trại của gia đình chị không chỉ là địa chỉ tin cậy để bà con nông dân khắp nơi đến mua lợn giống mà còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm về biện pháp chăm sóc, phòng bệnh và các kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cho nhiều hộ gia đình cùng thực hiện. Tâm sự với chúng tôi về định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, chị Mai cho biết: Gia đình tôi dự định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, đưa vào nuôi lợn nái với quy mô, số lượng lớn hơn nữa để cung cấp lợn giống, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân các địa phương.

 

Thanh Huyền

  • Từ khóa