Thứ 4, 24/07/2024, 04:23[GMT+7]

Những cô gái “Ba đảm đang” (Tiếp theo và hết)

Thứ 2, 24/10/2016 | 08:30:25
1,165 lượt xem
Những cải tiến về kỹ thuật, kết quả của việc sản xuất, lao động giỏi và sức mạnh, tình yêu, khát vọng về cuộc sống hòa bình của phụ nữ Thái Bình nói riêng, miền Bắc nói chung khi ấy đã góp phần tạo ra những cánh đồng 5 tấn/ha kỳ diệu ngay trong những năm tháng khó khăn nhất.

Câu chuyện của cô giáo Hoàng Thị Thanh Mai là minh chứng cho nghị lực phi thường của phụ nữ Việt Nam.

Cô chủ nhiệm được nhận Huy hiệu Bác Hồ

Chúng tôi có dịp gặp bà Phạm Thị Nậng, 71 tuổi ở thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) tại nhà riêng. Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng không khí sôi nổi, khẩn trương của phong trào “Ba đảm đang” hòa chung với tinh thần cả nước cùng đánh Mỹ ngày ấy vẫn in đậm trong trí nhớ của cô chủ nhiệm làng Bương Hạ.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình, năm 1967, được sự tín nhiệm của dân làng, Phạm Thị Nậng về làm Chủ nhiệm HTXNN Minh Thành (sau là Bương Hạ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ). Thời kỳ đó, đàn ông trẻ khỏe trong thôn người đi chiến đấu người thì công tác xa nên phụ nữ trở thành lực lượng lao động chính. Ðược cử đi học các lớp về khoa học kỹ thuật, cô mạnh dạn áp dụng tại địa phương. Khi tiếp thu phương thức sản xuất mới, nhiều khâu công việc từ trước tới nay chị em chưa từng làm, thậm chí nhiều người còn tỏ ra bỡ ngỡ, cô đã chủ động đứng ra làm trước để chị em học hỏi theo sau. Trâu, bò thời ấy chưa có nhiều, cô tự mình kéo cày, lấy sức người thay sức trâu; chủ động đăng ký ngày công, nhận thêm giờ, làm thêm việc. Những kỹ thuật học được, cô nhân rộng cho chị em, từ chở thuyền, đào mai, gieo mạ đến đắp bờ vùng, bờ thửa, xây dựng các trạm bơm dã chiến. Ðể tạo chất màu cho lúa, cô lấy bùn từ ao, ngòi, sông đưa vào ruộng, phát động phong trào “điền thanh mô”, ủ bèo hoa dâu làm phân… Ðể tập cấy thẳng hàng không cần dây, ban ngày khi ở nhà đun bếp nấu cơm cô lấy rơm cắm vào tro bếp, ra HTX họp thì tập tiếp tại sân. Chị em thấy vậy làm theo, dần dần từ một người cấy, hai người chăng dây chị em đã biết tự mình cấy sao cho ngay lối, thẳng hàng, giảm bớt công lao động. Thực hiện chống “mạ úa, lúa mộng”, chống “rong công, phóng điểm”, cô phát động nâng cao ý thức của xã viên trong lao động sản xuất hàng ngày…

Hình ảnh Phạm Thị Nậng (người bên phải) tràn ngập trên  các mặt báo thời bấy giờ như một tấm gương điển hình, đại diện cho phụ nữ lao động, sản xuất giỏi.

Nhờ nhạy bén và sự kiên nhẫn, bền bỉ gây dựng phong trào của cô chủ nhiệm mà cánh đồng làng Bương Hạ đạt năng suất lúa cao, từ hơn 3 tấn/ha vụ đầu tiên sang đến vụ thứ hai đã thu hoạch được hơn 6 tấn/ha, đưa HTX trở thành một trong những điển hình dẫn đầu huyện. Niềm vui nhân đôi khi hình ảnh cô Nậng sản xuất giỏi tràn ngập các mặt báo. Sau khi đọc Báo Nhân Dân có nêu gương cô Nậng, Bác Hồ đã tự tay cắt tấm ảnh của cô từ tờ báo, cho người về kiểm tra người thật, việc thật. Xác nhận thành tích của cô, Bác gửi tặng Huy hiệu về cho người con gái quê lúa đảm đang. Ngày nhận Huy hiệu của Bác, Phạm Thị Nậng cùng dân làng Bương Hạ như vỡ òa trong niềm vui sướng.

Bà Nậng bảo với chúng tôi: Ðó là công lao của toàn thể chị em phụ nữ trong HTX và nhân dân làng Bương Hạ chứ không phải của riêng mình tôi. Sau này, bà được điều chuyển giữ những chức vụ công tác cao hơn: Chính trị viên xã đội, Bí thư Ðảng ủy xã rồi Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy nhưng kỷ niệm về một thời “Ba đảm đang” chống Mỹ, góp sức chi viện cho tiền tuyến mãi mãi không bao giờ phai nhòa trong ký ức. Với bà, đó là lời khẳng định người phụ nữ có thể chiến đấu và chiến thắng trên mọi mặt trận.

Bà Phạm Thị Nậng (người bên phải) tại nhà riêng.

Từ “bàn tay napan” trở thành Anh hùng Lao động

Không chỉ thay nam giới làm chủ đồng ruộng, trực tiếp cầm súng chiến đấu, những người phụ nữ còn làm tốt công tác phục vụ chiến đấu tại địa phương. Một trong số đó phải kể đến các cô giáo mầm non làm công việc dạy dỗ, chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ cho những đứa trẻ trong thôn, trong xã để bố mẹ các em “chắc tay súng, vững tay cày”.

Về thôn Ðồng Hàn, xã Hồng Lĩnh (Hưng Hà), chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Thanh Mai, 80 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Lĩnh. Nhìn bà tưới cây trước sân, đôi bàn tay dù bị co quắp bởi bom napan vẫn nhanh nhẹn múc từng gáo nước chúng tôi cảm nhận được ở người phụ nữ ấy luôn ẩn chứa một nghị lực phi thường.

Năm 1954, thất bại nặng nề trên chiến trường, giặc Pháp điên cuồng bắn phá, rải bom khắp nơi như những hành động bất lực cuối cùng. Không may mắn, bà Mai trở thành một trong những nạn nhân của sự điên cuồng đó. Quả bom napan đã làm nổ tung căn nhà còn bà thì bị bỏng nặng ở mặt và hỏng hai bàn tay. Khi ấy, bà mới vừa tròn 18 tuổi. Không từ bỏ đam mê với nghề dạy học, bà tham gia Ðoàn Thanh niên rồi dạy lớp vỡ lòng của thôn.

Ðầu những năm 1960, giặc Mỹ hướng mũi tiến công ra miền Bắc nhằm phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa đồng thời ngăn chặn chi viện cho miền Nam. Thời đó, nam giới lên đường chiến đấu, phụ nữ thi đua lao động, sản xuất trên đồng ruộng và trong các xí nghiệp, trẻ em ở nhà không có bố mẹ coi, thường tự chơi với nhau. Sẵn lòng yêu mến con trẻ, niềm đam mê với nghề dạy học, cũng là để bảo đảm an toàn cho các em, bà Mai đã gạt đi mặc cảm, tự ti về ngoại hình, chủ động xin mở lớp. Thời bấy giờ, không mấy người biết đến lớp mẫu giáo. Ðể chính quyền mở lớp mẫu giáo cho các cháu, hàng ngày bà lên UBND xã tuyên truyền, vận động. Sau khi được UBND xã ra quyết định mở lớp và giao đảm nhiệm cương vị chủ nhiệm lớp vào năm 1967, bà lại đến nhà dân để tuyên truyền, vận động họ cho con em đi học. Nhớ về thời kỳ đó, bà Mai cho biết: Hồng Lĩnh là xã đầu tiên của huyện có lớp mẫu giáo. Lớp đầu tiên mở ra có 45 cháu độ tuổi từ 3 - 7. Ngày dạy học, chăm sóc các cháu, tối đến bà lại cùng đồng nghiệp và người dân đan mũ rơm, đóng tre làm hầm kèo. Bàn tay tật nguyền bị co quắp bởi bom napan trở thành bàn tay dẻo dai, múa hay, viết đẹp, lao động giỏi. Hoạt động có hiệu quả, bà tiếp tục phát triển đội ngũ giáo viên, mở thêm lớp, nhân rộng phong trào giáo dục mầm non, góp phần đưa Hồng Lĩnh từ xã có phong trào toàn diện lên thành xã trọng điểm của huyện.

Với những đóng góp của mình, 22 năm liền bà được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp; trong một lần đi dự đại hội tại Thủ đô Hà Nội, bà được nhận phần thưởng của Bác Hồ. Năm 1985, bà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu và tham gia sản xuất của các bà, các mẹ, các chị trong phong trào “Ba đảm đang” là bài học, là câu chuyện xúc động ở hậu phương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những cải tiến về kỹ thuật, kết quả của việc sản xuất, lao động giỏi và sức mạnh, tình yêu, khát vọng về cuộc sống hòa bình của phụ nữ Thái Bình nói riêng, miền Bắc nói chung khi ấy đã góp phần tạo ra những cánh đồng 5 tấn/ha kỳ diệu ngay trong những năm tháng khó khăn nhất. Sức mạnh, tình yêu của họ đã đi vào thơ ca, là tấm gương, là bài học cho thế hệ mai sau.

Phương Chi - Thùy Dung

  • Từ khóa