Thứ 4, 05/02/2025, 23:01[GMT+7]

Nặng lòng với báo Đảng

Thứ 2, 24/10/2016 | 08:55:20
634 lượt xem
Dù không còn công tác trong lĩnh vực báo chí nhưng gần 15 năm nay, ông Phạm Kim Nguyên ở thôn Đồn Xá, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) vẫn không thể bỏ được thói quen đọc báo Đảng hàng ngày. Ông quan niệm, đọc báo Đảng là “rèn luyện thể thao cho cái đầu”.

Mỗi khi nhớ nghề, ông Phạm Kim Nguyên hay tìm đến chiếc máy đánh chữ đã cùng ông gây dựng tên tuổi trong làng báo.

Về Ðồn Xá hỏi thăm nhà ông Phạm Kim Nguyên, người dân trong thôn ai cũng biết bởi họ thích nghe ông ngâm thơ, đọc những tác phẩm do ông viết. Mọi người thường gọi ông bằng cái tên thân mật: Ông “phó thường dân”.

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 20 tuổi, chàng thanh niên Phạm Kim Nguyên hăng hái lên đường nhập ngũ. Với năng khiếu viết văn, làm thơ, nói chuyện dí dỏm, hài hước, ông được giao nhiệm vụ chuyên viết tin, bài tại Bộ Tư lệnh Công binh. Phục vụ trong quân ngũ 18 năm thì 10 năm ông làm phóng viên Báo Công binh. Nhà báo Phạm Kim Nguyên có rất nhiều bài viết, thơ, truyện đăng trên các báo, trong đó nhiều bài đăng trên Báo Thái Bình Tiến lên (tiền thân của Báo Thái Bình ngày nay).

Ông Nguyên chia sẻ: Khi bước chân vào làm báo, tôi được phát một chiếc máy ảnh hiệu Pờ-ra-tích-ka (hãng sản xuất máy ảnh nổi tiếng của CHDC Ðức cũ) cùng một chiếc xe đạp để đi tìm tư liệu phục vụ việc viết tin, bài. Cứ thế tôi đi khắp các ngả đường Hà Nội, sang cả những tỉnh lân cận như Hải Dương, Hòa Bình... Các bài viết của tôi chủ yếu viết về đề tài đời sống chiến sĩ, cuộc sống người dân ở hậu phương, ca ngợi tinh thần anh dũng, quả cảm của những người lính nơi chiến trường. Tháng 7/1982, Phạm Kim Nguyên chuyển ngành về làm cán bộ tổng hợp Văn phòng Huyện ủy Quỳnh Phụ, sau đó làm Chủ nhiệm Quốc doanh phát hành sách của huyện. Dù chuyển ngành sang lĩnh vực nào nhưng ông vẫn đam mê văn chương, viết báo, làm thơ. “Một ngày xa cây bút, quyển vở tựa như cả năm không ăn cơm vậy” - ông tâm sự. Ðể thỏa nỗi nhớ nghề, ông xin làm cộng tác viên cho nhiều báo như Báo Thái Bình, Báo Hải Dương, Báo Nam Ðịnh... 75 tuổi đời, hơn 30 năm cầm bút, ông đã có rất nhiều bài viết chất lượng gây dựng nên “thương hiệu” Kim Nguyên (hay Anh Nguyên) như: “Người chiến sĩ đón xuân trên trọng điểm lửa” hoặc những câu từ đậm chất suy tư khiến bạn đọc phải hoài niệm, suy nghĩ như “Bọn trẻ cũng dửng dưng với những quả thị vàng thơm ngát thấm đậm huyền thoại, cổ tích ấy” - trích tản văn “Tuổi thơ với mùa thị chín” không chỉ đăng trên Báo Văn nghệ Bình Dương mà hơn 10 tờ báo khác đã đăng lại bài viết này..., tạo dựng trong lòng người đọc ấn tượng về một cây bút sắc, một con người có tâm, có tầm với nghề.

Với Phạm Kim Nguyên, ông luôn coi việc đọc báo Ðảng, nghe đài, xem tin tức thời sự là việc hàng ngày, cơm có thể không ăn nhưng nghe đài, đọc báo là việc không thể bỏ. Từ ngày Báo Thái Bình ra số đầu tiên, ông thường hay mượn báo của những người bạn để đọc. Khi mưa nắng hoặc ốm đau, ông thường nhờ con trai  mở mạng internet xem Báo Thái Bình hôm nay có tin tức gì, ông coi việc đọc báo Ðảng như một phần cuộc sống của mình. Nhâm nhi chén nước vối, ông khoe với tôi cuốn sách được ông sưu tầm hơn 30 năm qua, những bài viết của ông được đăng trên các báo, ông xin về cắt, dán cẩn thận thành cuốn sách dày, trân trọng cất giữ ở riêng một ô tủ sách. Ông cắt cẩn thận, ép plastic và đưa vào giữa quyển để tránh tiếp xúc với tường, gây ẩm mốc. Trong căn phòng khách rộng chừng hơn 20m2 chỉ có chiếc bàn làm việc, hai chiếc ghế để ngồi và chiếc máy đánh chữ hiệu Ro-bo-tron 24 đã hơn 20 năm gắn bó là tài sản giá trị nhất của ông. Cuộc sống của ông bình dị là thế. Hàng ngày, ông thường hay lôi chiếc máy đánh chữ ra lau chùi. Vì được giữ gìn cẩn thận nên chiếc máy đánh chữ vẫn dùng tốt lắm, tiếng máy đanh, mực in vẫn đậm, vẫn thay cho đôi tay người lính già viết lên những áng văn đầy cảm xúc. Có khi ruy băng khô thì ông phải nhờ người lên thành phố để tìm mua giúp mực tàu, dầu nhờn đem về pha chế mực in cho máy, mọi công đoạn ông đều cẩn thận, tỷ mỷ từng chút một.

Những năm tháng cống hiến, nặng lòng với báo Ðảng, bằng nhiệt huyết, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, nhà báo Phạm Kim Nguyên đã đưa người đọc đến với những cung bậc của cảm xúc, trở về quá khứ, nắm rõ thực tại. Lối viết văn giàu cung bậc cảm xúc của ông luôn cuốn hút và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Tiến Đạt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày