Thứ 6, 02/08/2024, 19:15[GMT+7]

Làm giàu trên vùng đất trũng

Thứ 2, 31/10/2016 | 08:53:09
821 lượt xem
Đang buôn bán thuận lợi, anh Trần Văn Phương ở thôn Lương Cầu (xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ) bỗng dưng bỏ nghề về quê đấu thầu mảnh đất trũng cấy lúa kém hiệu quả, đầu tư hàng tỷ đồng cải tạo đất đai, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Việc làm của anh ban đầu không được các thành viên trong gia đình ủng hộ nhưng với quyết tâm cao anh đã thành công và thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ chăn nuôi, gia đình anh Trần Văn Phương thu lãi từ 300 - 350 triệu đồng mỗi năm.

Trước năm 2012, kinh tế gia đình anh Phương chỉ trông vào mấy sào ruộng. Để tăng nguồn thu nhập cho gia đình, anh làm thêm nghề phụ đó là đi thu mua lợn thịt ở các trang trại, gia trại để cung cấp cho các cơ sở chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Được đi nhiều nơi, anh có cơ hội học hỏi các mô hình chăn nuôi của bà con, từ đó hình thành ý tưởng xây dựng một gia trại chăn nuôi quy mô lớn ngay tại quê nhà. Thấy chính quyền địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình sản xuất cho nguồn thu cao hơn, anh bàn với gia đình đăng ký ra vùng chuyển đổi để phát triển kinh tế. Nghĩ rằng công việc buôn bán đang thuận lợi, cuộc sống gia đình ổn định mà chồng lại bỏ nghề, vay tiền đầu tư vào vùng đất bỏ hoang mà không biết hiệu quả ra sao nên chị Lương Thị Quyên (vợ anh Phương) đã động viên chồng nên gắn bó với công việc đang làm. Nhưng với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, sau một thời gian thuyết phục gia đình, việc làm của anh Phương đã được mọi người ủng hộ.

Bắt đầu cho hành trình làm giàu, anh chị đấu thầu mảnh đất rộng hơn 3.000m2, vay mượn từ bạn bè, người thân, thế chấp vay vốn ưu đãi qua các ngân hàng với số tiền hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại với quy mô khép kín. Thời gian đầu chưa có vốn và kinh nghiệm chăn nuôi, anh chị chỉ nuôi 10 con lợn nái ngoại rồi nâng dần số lượng đàn lợn qua các năm. Trong quá trình chăn nuôi, anh chị không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức qua các lớp tập huấn chăn nuôi thú y do xã tổ chức và qua các phương tiện truyền thông. Đến nay, trang trại nuôi 50 con lợn nái ngoại và thường xuyên nuôi khoảng 100 con lợn thịt. Bình quân mỗi năm đàn lợn nái sinh sản khoảng 1.200 lợn con. Sau khi bán lợn con, trừ các chi phí, một con lợn nái cho thu lãi từ 6 - 7 triệu đồng/năm. Như vậy, tổng đàn lợn nái cho gia đình anh chị thu lãi từ 300 - 350 triệu đồng/năm, chưa kể đến nguồn thu từ chăn nuôi lợn thịt. Để chủ động nguồn thức ăn cho chăn nuôi, anh chị còn mở đại lý kinh doanh cám công nghiệp vừa phục vụ trang trại của gia đình vừa đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi trong vùng. Năng động, sáng tạo trong chăn nuôi, anh Phương còn tự nghiên cứu và sáng chế ra hệ thống cho lợn ăn, uống tự động, phục vụ hiệu quả cho quá trình chăn nuôi, góp phần giảm thời gian và công sức lao động. Sáng chế của anh đã được nhiều người đến tham quan, học hỏi. Chăn nuôi quy mô lớn, anh chị đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường nên đã đầu tư xây dựng hệ thống hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi và tận dụng làm chất đốt phục vụ cuộc sống, đồng thời xây bể đựng vôi bột nhằm khử trùng, không để mầm bệnh lây từ bên ngoài vào khu vực chăn nuôi.

Qua mô hình chăn nuôi của anh chị, nhiều người dân trong vùng đã đến học hỏi và áp dụng xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi của gia đình mình. Từ những kiến thức của bản thân, anh chị không chỉ chia sẻ kinh nghiệm với mọi người mà còn sẵn sàng trực tiếp đến các gia đình hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật. Đặc biệt, hàng tháng, anh chị còn mở hội thảo tại nhà, thông báo cho anh em, bà con hàng xóm, những người có nhu cầu học hỏi đến nhà, sau đó mời cán bộ thú y của huyện, xã về tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng chống, chữa bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Việc làm của anh chị đã tác động tích cực đến lĩnh vực chăn nuôi của địa phương. Anh Phương, chị Quyên là tấm gương nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi để mọi người học tập.

Thanh Huyền

  • Từ khóa