Thứ 4, 03/07/2024, 08:20[GMT+7]

Ông Thuận và khúc sông lấp

Thứ 3, 01/11/2016 | 10:29:27
580 lượt xem
Do huyện quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, con sông Thương Binh đoạn chảy qua thôn An Đông, xã An Bồi (Kiến Xương) dài gần 2km không còn chức năng tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với nhiều nông dân, đoạn sông này chỉ chờ địa phương có kinh phí để lấp đi để canh tác nên thường gọi là sông lấp, nhưng với ông Hà Văn Thuận, thôn An Đông lại nhìn thấy cơ hội làm giàu. Thực tế sau 13 năm đấu thầu khúc sông nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cũng là 13 năm ông Thuận và gia đì

Thả cá kết hợp nuôi vịt không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn giảm bớt chi phí thức ăn cho cá.

 

Nhớ lại những ngày đầu ra giữa cánh đồng làm gia trại ở khúc sông lấp, ông Thuận chia sẻ: Khi biết tôi có ý định dồn đổi toàn bộ diện tích cấy lúa của gia đình và thuê thêm diện tích ở khúc sông này để chăn nuôi, mọi người trong gia đình đều can ngăn vì đây là khúc sông cỏ, bèo tây mọc dày đặc và là nơi trú ngụ của chuột, sâu bọ phá hoại rất khó canh tác; nhiều người trong thôn thì không tin tôi có thể làm ăn được giữa chốn đồng không mông quạnh này. Nhưng tôi nghĩ: Ở nơi cách xa khu dân cư, việc chăn nuôi sẽ không ảnh hưởng tới môi trường và hạn chế được nguồn dịch bệnh lây lan cho thủy sản và gia súc, gia cầm. Nghĩ thế, tôi kiên trì vận động vợ con đồng tâm, hợp sức thuê 1,2 mẫu cải tạo lại khúc sông để nuôi cá và chăn nuôi vịt.

 

Có hơn 40 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình trong nhiều năm, ông Thuận đầu tư thuê máy móc đào đắp làm ao và cải tạo mặt bằng làm lán trại, trồng cây màu. Ông chủ động học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ có mô hình kinh tế ở trong và ngoài xã; tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm do HTX và Hội Nông dân xã tổ chức. Ông cũng tham gia phường thủy sản trong xã gồm 15 người để hỗ trợ nhau về vốn và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng trang trại, gia trại.

 

 

Luân canh rau màu 4 - 5 vụ/năm cũng cho gia đình ông Thuận thêm thu nhập

 

Với 1 mẫu ao, ông Thuận nuôi thả cá gồm: trôi, chép, mè, chim trắng; tận dụng mặt nước ông nuôi 500 con vịt đẻ, 450 con vịt thương phẩm/lứa, xung quanh bờ ao ông cắm giàn trồng thanh long. Còn lại 2 sào vườn, ông Thuận luân canh 4 - 5 vụ/năm bằng các loại cây màu như: dưa lê, rau các loại và khoai tây. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nên đàn gia cầm, thủy sản luôn an toàn và phát triển tốt. Từ bán cá, trứng vịt, vịt thương phẩm và hoa màu, trừ mọi chi phí, mỗi năm, ông Thuận còn thu lãi gần 120 triệu đồng.

 

Cần cù, kiên trì, năng động và tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường thì việc chăn nuôi sẽ thành công, đó là kinh nghiệm rút ra của ông Thuận sau 13 năm làm gia trại. Là người thành công với mô hình kinh tế gia trại, ông Thuận luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong thôn để cùng làm giàu. Đến nay, 8 hộ trong thôn An Đông đã mạnh dạn đầu tư làm gia trại chăn nuôi tổng hợp có hiệu quả tốt và biến khúc sông lấp dài gần 2km thành mảnh đất màu mỡ cho giá trị kinh tế cao đạt 300 triệu đồng/ha/năm.

 

Ước mơ của ông Hà Văn Thuận là được thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng trọt và làm lán trại chăn nuôi lợn siêu nạc, nâng cao thu nhập cho gia đình. Và cũng giống như các hộ làm gia trại trên khúc sông lấp, ông Thuận mong địa phương đầu tư mở rộng, cứng hóa đường giao thông từ khu dân cư ra khu chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vận chuyển thức ăn chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

 

Khắc Duẩn

  • Từ khóa