Thứ 4, 21/05/2025, 12:37[GMT+7]

Thu lãi hơn nửa tỷ đồng mỗi năm từ chăn nuôi

Thứ 2, 12/12/2016 | 08:25:00
656 lượt xem
Chuyển đổi vùng đất cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi gà đẻ và lợn rừng, gia đình anh Hà Ðức Hạnh ở thôn Trung Nghĩa, xã Ðông Hòa (thành phố Thái Bình) thu lãi từ 600 - 700 triệu đồng mỗi năm từ mô hình này.

Từ chăn nuôi gà đẻ và sản xuất con giống, gia đình anh Hà Đức Hạnh thu lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

 

Từ năm 1998, gia đình anh Hạnh đã tận dụng diện tích đất thổ cư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà đẻ, tuy nhiên hiệu quả kinh tế chưa cao. Ðến năm 2001, khi địa phương có cơ chế khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển các mô hình mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn, anh Hạnh đã đăng ký chuyển đổi hơn 2.000m2 đất với mục đích xây dựng trang trại chăn nuôi gà đẻ theo quy mô lớn. Ngoài việc đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà đẻ, anh Hạnh còn đầu tư xây dựng khu ấp, nở gà con rộng 300m2 với 7 máy ấp, 3 máy nở. Trang trại thường xuyên nuôi 3.000 gà đẻ, mỗi ngày thu được khoảng 1.600 quả trứng, số trứng này được thu gom chuyển sang khu ấp, nở. Bình quân mỗi năm, gia đình cung cấp ra thị trường khoảng 300.000 gà con, trừ các chi phí cho thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Thành công với mô hình chăn nuôi gà đẻ, không dừng lại ở đó, năm 2010, anh Hạnh tiếp tục mở rộng chuồng trại đưa giống lợn rừng về chăn nuôi. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, anh chỉ nuôi 5 con lợn rừng giống. Sau đó học hỏi thêm kinh nghiệm qua báo, đài và các mô hình nuôi lợn rừng trong và ngoài tỉnh, anh nhân đàn lợn giống lên 12 con, đầu tư thêm 1 con lợn đực để gây giống. Ðàn lợn giống mỗi năm sinh sản khoảng 180 lợn con, nuôi gần 2 tháng, anh Hạnh bán ra thị trường 130 con giống với giá bình quân 1,3 triệu đồng/con. 50 con còn lại nuôi thành lợn thương phẩm, sau 6 - 8 tháng sẽ đạt cân nặng từ 25 - 30kg/con, số lợn này anh Hạnh cung cấp cho các cơ sở chế biến thực phẩm với giá bán 120.000 - 150.000 đồng/kg. Như vậy, trừ các khoản chi phí trong chăn nuôi, mỗi năm đàn lợn rừng cho gia đình anh thu lãi từ 300 - 350 triệu đồng.

Anh Hạnh chia sẻ: Lợn rừng là động vật hoang dã nên sức đề kháng cao, ít bị bệnh, nuôi không khó. Quan trọng nhất là khâu chọn giống, nên chọn giống lợn rừng có nguồn gốc từ Thái Lan, Lào. Thức ăn chủ yếu cho lợn rừng là bèo, thân cây chuối, các loại rau củ, quả, hạt, ngoài ra trộn bã bia, cám ngô, cám gạo đem ủ men khoảng một tuần rồi cho lợn ăn thêm để bổ sung chất dinh dưỡng.

Chăn nuôi với quy mô lớn, anh Hạnh đặc biệt chú ý tới khâu vệ sinh, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Anh thường xuyên sử dụng chế phẩm vi sinh trộn với vỏ trấu rồi trải đều trên nền chuồng trại để hạn chế vi khuẩn phát sinh và khử mùi trong khu vực chăn nuôi. Trang trại được Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; trước khi cung cấp con giống ra thị trường, trang trại đều thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm dịch vận chuyển. Do vậy, nhiều năm nay, trang trại là cơ sở uy tín được bà con trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi kinh nghiệm và mua con giống. Hiện trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Hạnh cho biết: Gia đình đã thuê thêm đất của bà con với diện tích 4.000m2 để mở rộng mô hình chăn nuôi, đang xây dựng chuồng trại chuyên chăn nuôi lợn rừng và nuôi lợn thịt thương phẩm để cung cấp lợn giống, thịt lợn sạch cho thị trường, đồng thời tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Nhiều năm liền gia đình anh Hà Ðức Hạnh là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Trang trại của gia đình anh thực sự là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu.

Thanh Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày