Thứ 2, 05/08/2024, 01:27[GMT+7]

Anh hùng Ðặng Ðình Khanh - Khối bộc phá sống

Thứ 2, 19/12/2016 | 16:36:04
8,424 lượt xem
Ở tuổi 23 tràn đầy thanh xuân và ước mơ nhưng trong thời khắc cam go năm ấy, chiến sĩ đặc công nước Ðặng Ðình Khanh đã biến mình thành khối bộc phá sống, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Gia đình ông Khánh thường xuyên giáo dục con cháu về tinh thần yêu nước của Anh hùng liệt sĩ Đặng Đình Khanh.

 

Từ trung tâm xã Xuân Hòa (Vũ Thư), vượt qua những cánh đồng lúa xanh mướt, chúng tôi tìm về thôn Phương Tảo 2, nơi Anh hùng liệt sĩ Ðặng Ðình Khanh sinh ra và lớn lên. Làng quê nhỏ ven sông Trà Lý đã có nhiều đổi thay so với nửa thế kỷ trước nhưng vẫn giữ khung cảnh thanh tĩnh, yên bình. Ông Ðặng Ðình Khánh, em trai Anh hùng liệt sĩ Ðặng Ðình Khanh kể lại: Nhà cạnh sông nên từ nhỏ anh Khanh đã bơi lội rất giỏi; anh có sức khỏe hơn người, năm 16 tuổi đã gánh trên vai hơn 1 tạ thóc mỗi lượt. Anh Khanh vốn hiền lành, ít nói nhưng lại rất kiên quyết, gan dạ và “lỳ lợm”.

 

Năm 1965, vừa tròn 18 tuổi, Khanh hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ban đầu, Khanh được nhận vào đơn vị quân dù, thuộc Quân chủng Không quân. Sau đó, đơn vị biết Khanh bơi lội giỏi đã chuyển Khanh sang đơn vị bộ đội đặc công nước. Anh say mê luyện tập theo chiến thuật của Binh chủng Ðặc công. Ðược chọn đi B, anh nhanh chóng rèn luyện trở thành đảng viên rồi Ðại đội phó Ðại đội 6 đặc công - đơn vị đặc công nước nổi tiếng vùng Cà Mau.

 

Năm 1969 - 1970, Mỹ xây dựng một căn cứ lớn ở sông Năm Căn (Cà Mau) nhằm yểm trợ cho vùng quân sự quan trọng ở cực Nam. Căn cứ này dài 300m, rộng 100m gồm nhiều sà lan lớn ghép lại thành các tiểu pháo hạm, hai trận địa pháo (75 ly và 125 ly) và một sân bay lên thẳng. Xung quanh căn cứ, địch bố trí hệ thống đèn pha sáng trưng, đặt nhiều chất nổ và chướng ngại vật ở dọc hai bên mép nước; dưới sông chúng đặt máy thu tiếng động, dùng sà lan chặn ngang dòng nước để tạo ra nước xoáy ngăn cản đặc công ta tiến đến gần; trên bờ chúng tuần tra canh gác cẩn mật, liên tục bắn súng và ném lựu đạn xuống xung quanh căn cứ. Nhiều lần Ðặng Ðình Khanh cùng đồng đội đã đi điều nghiên nhưng chưa thành công. Không nản chí, Khanh đã dũng cảm, mưu trí nhiều lần vượt mọi hiểm nguy, bơi 5 - 6 tiếng đồng hồ vào gần khu vực căn cứ để trinh sát tình hình, lập kế hoạch tổ chức đánh địch. Mặc dù có hệ thống phòng ngự cực kỳ kỹ lưỡng và hiện đại nhưng từ cuối năm 1969 - 1970, căn cứ Năm Căn đã 3 lần bị Khanh và đồng đội đưa thuốc nổ đánh chìm 3 tiểu pháo hạm, tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều vũ khí của giặc khiến chúng phải kinh hoàng.

 

Ngày 18/8/1970, bộ đội ta nhận được tin báo Mỹ, ngụy vừa đưa vào căn cứ nổi Năm Căn hai tàu vận tải lớn, mỗi tàu chở 18.000 tấn vũ khí, đạn dược. Nếu số vũ khí này được vận chuyển lên bờ thì chúng sẽ gây tổn thất lớn cho quân và dân ta. Ðặng Ðình Khanh và Ðại đội 6 đặc công nước được giao nhiệm vụ đánh ngay căn cứ quân sự này của địch. Khó khăn là địch đã tăng cường phòng ngự dày đặc hơn trước, chúng cử thêm 50 người nhái có kỹ thuật cao để tiêu diệt đặc công của ta và thay đổi quy luật tuần tra, bố trí nhiều bãi mìn dưới lòng sông và cứ 10 phút lại ném lựu đạn xuống sông. Xác định được trận chiến cam go, lần này, cấp trên chỉ lựa chọn Khanh và Quách, hai chiến sĩ đặc công tinh nhuệ, mưu trí, dũng cảm đi thực hiện nhiệm vụ, vừa để bảo đảm thành công vừa nhằm giảm thiểu thiệt hại về người.

 

Ðể bảo đảm an toàn, Khanh và Quách dìu khối bộc phá lớn và quyết định bơi hơn 10km từ cửa biển vào cửa sông Năm Căn. Mới bơi được hơn 2km, Khanh và Quách bất ngờ gặp cá sấu tấn công. Khanh đã dùng dao găm chiến đấu, thoát được cá sấu nhưng bị thương nhẹ. Tiếp tục bơi đến gần căn cứ của Mỹ, thấy làn sóng lạ, đề phòng người nhái của địch, Khanh cùng Quách trú tạm vào một chiếc tàu hỏng nửa chìm nửa nổi rồi Khanh bảo Quách: “Cậu đưa bộc phá cho mình và trở về chỗ đơn vị đón sẵn đi”. Thấy Quách không chịu trở về mà một mực đòi hai anh em cùng sống chết có nhau, Khanh ra lệnh: “Ðây là mệnh lệnh chiến đấu, đồng chí hãy trở về. Cuộc chiến đấu còn dài...”. Nói rồi Khanh ôm chặt Quách, gửi lời chào đồng chí, anh em và ôm khối bộc phá bơi về phía tàu địch.

 

Mưu trí, dũng cảm, Khanh đã vượt qua hàng rào bảo vệ vòng ngoài để tiến sát khu căn cứ của địch. Nhưng vừa lúc đó bọn người nhái đã phát hiện ra anh, chúng kéo còi báo động, ném lựu đạn và xả súng bắn không ngớt xuống sông, 32 tàu chiến bảo vệ xung quanh và các vũ khí, máy bay lên thẳng của địch đã nổ máy sẵn sàng phòng thủ, chiến đấu. Nhận thấy tình hình nguy cấp, nếu chờ đến giờ đã hẹn để khối bộc phá phát nổ thì địch sẽ sơ tán hết, vốn bản tính gan dạ và “lỳ lợm”, Khanh không run sợ mà suy nghĩ trong giây lát rồi quyết định cắn giật kíp nổ. Một tiếng nổ long trời lở đất ngay sau đó kéo theo 36.000 tấn vũ khí, 32 tàu chiến đậu xung quanh, hai trận địa pháo, một máy bay lên thẳng của địch nổ tan tành, một tàu chiến đậu dưới sông bị hất tung đè vào nhà cảnh sát làm chết 140 tên địch. Quách đang bơi trở về, nghe tiếng nổ quay lại nhìn phía xa, thấy cột lửa cao hàng trăm mét khói đen ngòm, anh đau xót biết rằng Ðại đội phó Ðặng Ðình Khanh cũng đang tan theo ngọn lửa ấy. Hôm sau, địch phải mò vớt xác và thừa nhận tổng số 637 tên Mỹ, ngụy trong đó 140 cảnh sát, 150 nhân viên kỹ thuật đã bị tiêu diệt trong trận bộc phá của Ðặng Ðình Khanh, căn cứ vững chắc của Mỹ, ngụy ở Năm Căn bị phá hủy gần hết. Sau trận đánh này, địch đã hoảng sợ, cạn kiệt vũ khí đạn dược, phải kêu gọi binh lính bắn dè đạn và tuyên bố hủy bỏ trận càn rừng U Minh vì hết vũ khí. Bộ đội và nhân dân tránh được những tổn thất vô cùng lớn. Ở tuổi 23, Ðặng Ðình Khanh đã nằm lại Năm Căn, nơi cực Nam của Tổ quốc.

 

 

Cuốn nhật ký và lá thư gửi mẹ khi ở chiến trường của Anh hùng liệt sĩ Đặng Đình Khanh đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

 

Ghi nhận sự mưu trí, dũng cảm tạo ra chiến công lớn, liệt sĩ Ðặng Ðình Khanh được truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba và 2 Huân chương chiến công hạng Nhì. Ngày 23/9/1973, chiến sĩ đặc công nước Ðặng Ðình Khanh vinh dự được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

 

Ông Ðặng Ngọc Cấp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Hòa (Vũ Thư)

 

Là những người lính từng xông pha chiến trận, chúng tôi rất khâm phục và tự hào về sự gan dạ, mưu trí của Anh hùng liệt sĩ Ðặng Ðình Khanh. Chúng tôi luôn lấy tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Ðặng Ðình Khanh để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ Xuân Hòa ngày nay.

 

Ông Ðặng Ðình Khánh, em trai Anh hùng liệt sĩ Ðặng Ðình Khanh

 

Anh Khanh hy sinh trên sông nước, ngay cả một phần mộ cũng không có. Thương anh nhưng kinh tế khó khăn nên tôi mới vào Cà Mau thăm nom, hương khói cho anh được một lần. Gia đình, dòng họ tôi từ lâu rất mong mỏi các cấp, các ngành xem xét hỗ trợ gia đình xây dựng một nhà tưởng niệm anh tại quê hương để con cháu tiện việc hương khói cho anh, đồng thời cũng để nhắc nhở, giáo dục cho thế hệ trẻ sau này về người anh hùng của quê hương.

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa