Người xây biển
Dáng dấp con nhà võ nhưng mái tóc của ông Kiên đã bạc bởi không ít năm phải mất ăn mất ngủ vì sự nghiệp lấn biển. Ông bảo, ngày đó chẳng ai tin việc ông làm, ai cũng bảo đầu óc ông có vấn đề. Cũng đúng thôi, vì có ai làm chuyện đó đâu, ông là người duy nhất làm việc này. Ông không chịu được khi nhìn thấy cảnh cồn Đen trơ trụi, xơ xác bị biển lấn không còn gì khác ngoài 217 cây phi lao. Ông tự hỏi mình mới rời quê hương có 30 năm mà sao cảnh quan rừng phi lao bát ngát hàng nghìn héc-ta thơ mộng, huyền ảo đã không còn. Cái cảnh ngày còn bé ông chuyên đi chăn trâu cắt cỏ, ngắm sóng biển, tắm biển ở vùng này giờ chỉ còn trong hoài niệm. Ý tưởng phải giữ lấy cồn, lấy lại màu xanh của biển và phải lấn ngược lại biển đã thôi thúc ông. Năm 2005, ông Kiên bàn với vợ con, xin ý kiến chính quyền địa phương xây lại cồn Đen. Bắt tay vào làm không phải chuyện dễ, ông Kiên phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Người trong nhà cho rằng ném tiền ra biển, hoang phí, không đồng tình để ông mang tiền ra đầu tư nơi đầu sóng ngọn gió; chính quyền địa phương lúc đầu cũng không tin tưởng nhiều, người dân quanh vùng nghĩ ông không bình thường. Nhưng với ông Kiên, tình yêu dành cho biển là hơn tất cả, hơn cả bản thân vì thế bao nhiêu vốn liếng ông vẫn quyết “ném” ra biển. Tài sản đổ ra biển không phải ít, số vốn đầu tư lúc đầu là khoảng 70 tỷ đồng. Thế nhưng trăn trở về vốn rồi cũng được giải tỏa khi ông lặn lội đi mượn được sổ đỏ của hàng chục người nhà, bạn bè để thế chấp ngân hàng. Ông bảo: May mắn nhất là còn nhiều người tin tưởng cho ông mượn sổ đỏ để chồng chất cao hơn cái bàn uống nước. Ông cho rằng cái duyên với sông nước của ông khiến nhiều người đồng ý cho vay tiền và sổ đỏ. Có người lúc đầu còn do dự, song rồi lại cho vay vì họ tin vào ý tưởng của ông, tin rằng ông sẽ làm được. Việc khó nhất là nguồn vốn được giải quyết, ông Kiên tính đến kinh nghiệm, kỹ thuật và nhân lực. Ông phải thuê chuyên gia từ Trung Quốc, Đài Loan về trợ giúp. Công việc đầu tiên là phải quai đê lấn biển để giữ cho nước khỏi tràn vào, đầu tư máy móc thiết bị vận chuyển đá đưa ra biển. Ngày đó chỉ tính riêng việc kè đá ông Kiên phải huy động tới hàng trăm người, lúc cao điểm có tới 500 công nhân. Công việc vận chuyển đá hết sức công phu, biển cạn thuyền to không vào được, đường bộ nhỏ ô tô không đi được nên đành phải vận chuyển bằng thuyền nhỏ đi đường sông, bốc bằng tay từng viên đá khiến chi phí đội lên gấp 3 lần. Công trình lấn biển rầm rộ cả tỉnh, hàng nghìn người kéo đến xem kè đá, gãy cả cầu tre. Khó khăn chồng chất khó khăn, cứ vất hòn đá nào xuống biển lại bị sóng đánh lún xuống sâu hơn, làm cũng như không, rồi phải tính đến việc hạ bi chống lún mới đổ được đá, làm nền bê tông và trồng cây. Nhiều hôm cứ làm đến đâu sóng cuốn đi mất đến đó, lại phải làm lại từ đầu, nhất là cây xanh. Công đoạn nào cũng gian khổ, ông Kiên còn phải đổ hàng vạn khối đất và cát để nâng độ cao của cồn lên 2 - 3m và trồng hàng nghìn cây bần, vẹt, phi lao để giữ cồn. Trước biển cả bao la, ngay cả chỗ ăn chỗ ngủ cho công nhân cũng không ít gian truân. Khi chưa xây dựng công trình ăn ngủ kiên cố thì ngay trong những buổi đầu tất cả đồ đạc, quần áo, lương thực, giày dép… của hàng trăm công nhân đã bị sóng biển đánh trôi, cuốn sạch cả. Sau 8 tháng, khi kè đá tạm ổn định ông mới xây được nhà sàn kiên cố cho công nhân ở. Với quan điểm của người lính Cụ Hồ thì mọi việc đều phải có thất bại mới có thành công, bởi vậy trải qua bao lần sóng vỗ, điêu đứng cả thể xác lẫn tinh thần ông Kiên vẫn không ngừng nghỉ, vẫn đứng vững trước bão táp phong ba của biển cả. Tính đến nay ông Kiên đã đầu tư khoảng 700 tỷ đồng để quai đê lấn biển, kè đá, xây đường, khuôn viên, công viên, hồ bơi nhân tạo, khách sạn 3 sao, nhà hàng, cầu tre, bến du thuyền, đưa cồn Đen sống lại với đúng vẻ đẹp hoang sơ của nó.
Khu du lịch sinh thái cồn Đen. Ảnh: Việt Hùng.
Để duy trì được dự án lớn này ông Kiên đã phải thực hiện theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. 30 năm phục vụ trong quân đội ông đã học hỏi được kỹ thuật sản xuất nước mắm để mở xưởng sản xuất trong gia đình. Khắp nơi trong cả nước chỗ nào cũng có vết chân ông đi nghiên cứu phương pháp làm nước mắm để truyền lại bí quyết cho người vợ ở quê sản xuất. Nước mắm Minh Phú ngày đó không mạnh nhưng sản phẩm không bao giờ ế. Cùng với đó ông phát triển nghề thu mua chế biến hải sản từ Nam ra Bắc cũng là mạnh nhất Diêm Điền lúc bấy giờ. Đây là hai lĩnh vực tiền đề để phát triển cho dự án cồn Đen của ông Kiên mai sau. Cũng trong thời đó ông Kiên đã đóng 5 tàu vận tải đi nước ngoài với hàng chục tỷ đồng/tàu và cũng là người đầu tiên ở Diêm Điền dám đầu tư nguồn vốn lớn như thế. Trước khi bắt tay vào xây dựng phát triển khu du lịch sinh thái cồn Đen, ông Kiên còn đầu tư xây dựng trại hải sản giống 20ha gồm ngao, tôm, cá vừa để rút kinh nghiệm về kỹ thuật cho địa bàn quanh vùng vừa phục vụ cho nuôi trồng của chính Công ty. Ngoài ra, ông Kiên còn phát triển thêm mô hình nuôi ngao thương phẩm với quy mô 100ha. Nhờ hoạt động trên nhiều lĩnh vực đã giúp ông Kiên luôn có đủ khả năng về tài chính để đầu tư xây cồn.
Theo ông Kiên, có được cơ ngơi như hôm nay là có sự đồng thuận giúp đỡ của chính quyền địa phương, bạn bè, người thân và điều quan trọng nhất là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đến nay, từ người dân đến chính quyền địa phương đều nhận định nếu không có người giữ cồn như ông Kiên thì chắc giờ đây chẳng có cồn, cũng không ai biết đến cồn Đen hay sự tồn tại của nó. Mơ ước biến cồn Đen trở thành hòn ngọc của khu vực đã dần trở thành hiện thực. Đến cồn Đen du khách sẽ thấy tràn ngập màu xanh của hoa lá, cây cối, được ngắm biển, tắm biển và được hòa mình vào thiên nhiên với cảnh quan lãng mạn, một không gian sống động với hệ thống nhà hàng, khách sạn để tổ chức hội nghị, hội thảo, đám cưới, tạo cho du khách cảm hứng đặc biệt chỉ muốn đến, không muốn về.
Đức Cảnh
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả