“Khắc” nỗi niềm vào gỗ
Ba cái “lạ”
Chiều cuối năm, tôi hẹn gặp ông tại nhà riêng. Căn nhà nhỏ được bài trí rất gần gũi với thiên nhiên, xung quanh là đá và cây. Khu chế tác của ông hệt như một xưởng mộc với nhiều gốc cây xù xì, thô kệch. Nhưng quan sát thật kỹ, tôi hiểu những gốc cây khô tưởng chừng chỉ là thứ củi đun bếp lại là thứ quý giá hơn cả tiền bạc với ông. Ông tỷ mẩn bóc mẽ, gọt giũa từng thớ gỗ để “thổi” vào đó một sức sống nghệ thuật mãnh liệt, giản dị mà tinh tế. Trong giới nghệ sĩ mỹ thuật của tỉnh Thái Bình, nhắc đến Kông Chuẩn người ta nghĩ ngay đến một nhà điêu khắc mang nhiều cái lạ. Cái “lạ” đầu tiên ở ông chính là sự thủy chung với người vợ quá cố. Khi vợ mất, Kông Chuẩn mới 40 tuổi. Ông đã chấp nhận hy sinh, dành quãng thời gian còn lại của đời mình để chăm sóc mẹ vợ, nuôi các con trưởng thành mà không chịu đi bước nữa. Ngay cả khi con cái đã có gia đình riêng, có ý tìm cho bố một người bạn đời nhưng ông đã từ chối. Có lẽ vì thế, đa phần tác phẩm của ông đều về hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Về đề tài phụ nữ, có lúc mềm mại, uyển chuyển trong tà áo dài truyền thống, có khi lại ảo thực như khát khao một tình yêu cháy bỏng mà không thô kệch, phản cảm. Xem tác phẩm của ông, người ta có thể cảm nhận được nét thoáng buồn ẩn dật, kìm nén, bó buộc như nỗi niềm riêng của tác giả. Kông Chuẩn tâm sự: Mỗi tác phẩm, tôi đều nghiên cứu rất tỉ mỉ, tôi dành thời gian để tìm đề tài, nội dung cho phù hợp. Đôi khi hoàn thiện rất nhanh nhưng có lúc phải suy xét rất kỹ trước khi chạm đục. Cái tinh tế của người đam mê điêu khắc là ở chỗ đó, biết nắm được thần thái, chuyển tải nỗi niềm của mình vào gỗ, đá thì tác phẩm mới coi thành công.
Cái “lạ” thứ hai của Kông Chuẩn với cái duyên được giải thưởng. Bất cứ cuộc triển lãm trong khu vực, ông đều có tác phẩm tham gia. Từ năm 1990 đến năm 1994, ông mang các tác phẩm điêu khắc gỗ “Tắm trăng”, “Đi dở ở thương”, “Đội tượng gỗ”, “Chí Phèo, Thị Nở” tham gia các cuộc triển lãm cấp khu vực sông Hồng, triển lãm mỹ thuật học sinh, sinh viên toàn quốc đều có giải. Đặc biệt, ông giành giải đặc biệt với tác phẩm “Chí Phèo, Thị Nở” trong cuộc triển lãm mỹ thuật học sinh, sinh viên toàn quốc năm 1994. Năm 2004, ông tiếp tục đạt huy chương đồng tại triển lãm cấp khu vực sông Hồng với tác phẩm “Cây đời”... Trong giai đoạn 1991 - 1996, ông được UBND tỉnh trao tặng giải văn học nghệ thuật Lê Quý Đôn. Dù là một nhà điêu khắc nghệ thuật có tiếng ở tỉnh trong những năm cuối thế kỷ trước đến nay nhưng Kông Chuẩn vẫn là một người sống giản dị, không “đánh bóng” thương hiệu, dựa vào thương hiệu để làm giàu cho bản thân mà cứ mãi đời thường như thế.
Hơn 200 tác phẩm điêu khắc, tạo hình trên các chất liệu gỗ, đá, đất sét… trong hơn 50 năm lao động sáng tạo không ngừng nghỉ được ông trân trọng, nâng niu, giữ gìn. Ông chỉ tặng bảo tàng, cho bạn bè mượn trưng bày chứ tuyệt nhiên không bán. Đã có nhiều người ngã giá các tác phẩm của ông với số tiền không hề nhỏ nhưng ông đã từ chối. Có thể xem đó là cái “lạ” thứ ba ở nhà điêu khắc Ngô Kông Chuẩn. Lý giải về điều này, ông mỉm cười rồi nói với tôi: Với tôi, tác phẩm là sự sống, là kỷ niệm và là nơi tôi gửi gắm tâm tư, nỗi lòng của mình. Với nhiều người nó có giá trị nhất định, còn với tôi, nó là vô giá. Số lương hưu cũng đủ để tôi sống thanh nhàn lúc tuổi già rồi.
“Chất” lính
15 năm phục vụ trong quân ngũ (1961 - 1975), Kông Chuẩn là chiến sĩ lái xe thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin. Công việc chính của ông là phụ trách xe điện ảnh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, phục vụ đường dây 559 (Binh đoàn Trường Sơn). Suốt quãng thời gian dài trong quân ngũ, ngoài thời gian ngồi sau vô lăng, Kông Chuẩn vẫn thường tranh thủ sáng tác, ký họa và vẽ tranh cổ động. Trong bom đạn, tài năng của ông càng được mài giũa đến “độ chín”. Sau ngày đất nước thống nhất, ông chuyển ngành về Xí nghiệp Dược Thái Bình. Ở nơi công tác mới, ngoài lái xe, ông còn trực tiếp vẽ nhãn thuốc cho Xí nghiệp… Trở về quê hương những tưởng hạnh phúc viên mãn, sẽ có nhiều thời gian chăm sóc gia đình nhưng trớ trêu, tai họa đã ập đến gia đình ông, người vợ ông hết mực yêu thương đã ra đi mãi mãi sau trận tai biến, để lại cho ông một mẹ già 80 tuổi và 3 đứa con thơ nheo nhóc. “Ngày ấy cuộc sống rất khó khăn, đồng lương eo hẹp, ai còn nghĩ đến chuyện lấy vợ khác. Tranh thủ khoảng thời gian ngoài giờ, tôi đi làm thêm để kiếm tiền nuôi con. Ai bảo gì làm nấy, có khi đi trang trí cho các đám hiếu, hỷ… Sống trong quân ngũ, từng là người lính từng vào sinh ra tử nơi chiến trường ác liệt đã giúp tôi đứng vững, vượt qua khó khăn để thực hiện di nguyện của vợ là chăm sóc mẹ già, nuôi các con khôn lớn”, Kông Chuẩn chia sẻ. Chất lính còn được thể hiện qua những tác phẩm của ông. Tác phẩm điêu khắc gỗ “Mười hai ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” là một trong những tác phẩm thành công nhất của Kông Chuẩn về đề tài chiến tranh. Từ một khúc gỗ đen đúa, qua cái nhìn của một người đi qua chiến tranh, cảm nhận được những tinh hoa của mảnh đất nghìn năm văn hiến, ông đã hoàn thiện tác phẩm đúng dịp triển lãm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội… Tác phẩm được Ban tổ chức triển lãm đánh giá rất cao.
Dường như sức trẻ trong con người Kông Chuẩn vẫn hừng hực, thể hiện qua cái nhìn dứt khoát, không nhíu mắt, qua những nét pháp uyển chuyển, mạch lạc. Bước sang tuổi 74 nhưng Kông Chuẩn vẫn đang “lạc” giữa những ngày đang yêu. Trước khi ra về, ông còn đọc cho tôi nghe mấy câu thơ của một người bạn tặng ông nhân dịp mừng thọ tuổi 70 của ông: “Tôn vinh “gà trống” khéo bồng con/Lên thác, xuống ghềnh, trèo núi non/Tích đức, tu tâm, từ thiện mỹ/…/Năm mới chúc mừng anh thượng thọ/Khang ninh sung mãn mãi còn son…”. Chỉ cần nghe ngần ấy đã giúp tôi hiểu thêm về cuộc đời, tính cách của Kông Chuẩn - một nghệ sĩ tài hoa.
Tất Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội