Thứ 4, 27/11/2024, 07:49[GMT+7]

Thu lãi hơn nửa tỷ đồng từ vùng đất bãi

Thứ 3, 21/02/2017 | 08:50:33
890 lượt xem
Tinh thần dám nghĩ dám làm cùng bản chất cần cù, chịu khó đã giúp ông Phạm Xuân Tường ở thôn Đồng Đại 3, xã Đồng Thanh (Vũ Thư) cải tạo thành công mảnh đất bãi ven sông thành trang trại chăn nuôi tổng hợp thu lãi hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.

Trang trại của gia đình ông Phạm Xuân Tường thu lãi trên 500 triệu đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu trang trại rộng 5 mẫu của gia đình, ông Tường kể về câu chuyện làm ăn của mình. Ở vùng quê thuần nông, kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, cũng như nhiều người dân trong xã, ông Tường đi làm xa quê với mong muốn tăng thêm thu nhập, tuy nhiên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng cũng chính vì đi làm nhiều nơi, có cơ hội tham quan, học hỏi nhiều mô hình phát triển kinh tế của nông dân các địa phương nên ông đã hình thành ý tưởng về quê phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Năm 2013, ông thuê 5 mẫu đất bãi ven sông Trà Lý để chuyển đổi sang trang trại chăn nuôi tổng hợp. Ông vay vốn đầu tư xây dựng hai dãy chuồng trại khép kín với diện tích gần 2.000m2, trang bị hệ thống máng ăn, máng uống tự động cùng hệ thống xử lý chất thải để chăn nuôi lợn nái và lợn thịt thương phẩm. Ông đặc biệt coi trọng khâu chọn giống, qua tham khảo sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, ông vào Bến Cát (Bình Dương) để chọn giống lợn nái ngoại được nhập từ Pháp bởi đây là giống lợn có nhiều ưu điểm như khả năng sinh sản cao, sức đề kháng tốt, cho giá trị kinh tế cao hơn so với các giống lợn khác.

Hiện tại, trang trại nuôi 110 con lợn nái, thường xuyên nuôi 50 lợn thịt thương phẩm. Bình quân mỗi năm đàn lợn nái sinh sản khoảng 3.000 lợn con nuôi khoảng một tháng bán ra thị trường với giá từ 1,1 - 1,7 triệu đồng/con; đàn lợn thịt cũng cho thu từ 5 - 7 tấn thịt thương phẩm mỗi năm. Cung cấp cho thị trường số lượng lớn con giống, mỗi năm trang trại của ông đều thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm dịch vận chuyển cũng như xin cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, do vậy là địa chỉ uy tín được nhiều người tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua con giống. Chăn nuôi với quy mô lớn, để tránh tình trạng giá cả thị trường thay đổi gây ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ cũng như nguồn thu của gia đình, ông Tường đã chủ động ký hợp đồng với một số cơ sở thu mua, chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh để ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất. Chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, ông Tường cho biết: Ðể bảo đảm cho đàn lợn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, bên cạnh việc cân bằng chế độ dinh dưỡng, giữ nhiệt độ chuồng nuôi phù hợp còn phải quan tâm đến công tác khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, người vào khu vực chăn nuôi phải sử dụng bảo hộ lao động đã được khử trùng để tránh lây mầm bệnh cho đàn gia súc.

Bên cạnh việc nuôi lợn nái, lợn thịt, trang trại còn có 2,3 mẫu ao nuôi thả cá thương phẩm như trắm, chép, mè, trôi; diện tích vườn được trồng nhiều loại cây ăn quả như mít, ổi, táo, chuối… Năm 2016, tổng nguồn thu từ trang trại đạt trên 3 tỷ đồng, trừ các chi phí cho thu lãi trên 500  triệu đồng. Ông Tường cho biết thêm: Trong năm nay, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng khu chăn nuôi, nuôi thêm lợn thịt với quy mô lớn, nâng số lượng đàn lợn thịt lên 500 con để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường, đồng thời tạo việc làm cho người lao động.

Ông Lương Quyết Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ðồng Thanh cho biết: Trên địa bàn xã có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, điển hình là mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Phạm Xuân Tường cho hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình chăn nuôi, ông Tường rất chịu khó tham gia các lớp tập huấn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, thú y do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức, từ đó mạnh dạn áp dụng vào mô hình của gia đình, giảm chi phí trong chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ðây là gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi để bà con nông dân học tập, làm theo.

 Thanh Huyền