Chủ nhật, 24/11/2024, 18:24[GMT+7]

Người Thái Bình sống trong lòng địch

Thứ 2, 24/04/2017 | 15:08:23
5,623 lượt xem
Nhắc đến những nhà tình báo nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngoài những cái tên như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Hoàng Minh Đạo… thì Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế, Năm U Som) là một trong những nhà tình báo được nhiều người biết đến. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông được đưa vào bộ phim “Biệt động Sài Gòn”, tác phẩm đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Ông Trần Văn Lai (người thứ hai từ trái qua phải) trong một lần đoàn tụ gia đình.

Một ngày giữa tháng 4, chúng tôi men theo con đường nhỏ qua cánh đồng Đón, thôn Quang Trung, xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) để tìm đến gia đình ông Trần Đức Bảo, em trai Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Trần Văn Lai. Ở tuổi 82 nhưng ông Bảo vẫn lanh lẹ, minh mẫn. Mỗi dịp tháng 4 về, ông vẫn thường kể cho con cháu nghe về cuộc đời anh trai mình như nhắc nhở cháu con luôn tự hào về truyền thống gia đình.

Mảnh đất ông cha để lại, nơi nuôi dưỡng những năm tháng tuổi thơ của ông Lai giờ đây đã trở thành nơi hương khói và là nơi lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật của người anh hùng sống trong lòng địch. Ông Bảo nhớ lại: Cuộc đời ông Lai lúc còn nhỏ cũng gian nan, vất vả lắm. Nhiều năm phải sang quê ngoại ở làng Bo (nay là phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) ở với ông bà ngoại. Năm 13 tuổi, anh ấy phải rời quê đi làm thuê, làm mướn. Dù hoạt động cách mạng xa quê hương nhưng Trần Văn Lai vẫn luôn hướng về đất mẹ. Ngay cả những ngày sau giải phóng, ông Lai còn làm một bài thơ dạy cho các con đọc thuộc lòng để sau này biết tìm về quê hương, nguồn cội.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai như một cuốn tiểu thuyết ly kỳ. Ý chí và lòng trung thành đã làm nên một Trần Văn Lai anh hùng giữa lòng địch. Đầu những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Lai tham gia vào các tổ chức tự vệ quyết tử, làm công tác vận động tài chính, phá hoại cơ sở hậu cứ địch. Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông được cấp trên giao nhiệm vụ nằm vùng trong lòng địch. Để có điều kiện hoạt động tại Sài Gòn, tổ chức sắp xếp cho ông một cuộc “hôn nhân” với bà Phạm Thị Phan Chính (thường gọi là Phạm Thị Chinh). Nhờ vậy, Trần Văn Lai nhanh chóng trở thành một nhân vật có vai vế trong giới tư sản Sài Gòn. Để che đậy hành tung của mình, ông vào vai dưới danh nghĩa doanh nhân Mai Hồng Quế. Ông được phép ra vào Dinh Độc Lập với vai trò đơn vị trang trí nội thất của Dinh. Bắt đầu từ đây, Trần Văn Lai vừa đóng tròn vai nhà thầu, ông vừa lo xây dựng nhà cửa, hầm bí mật tìm kiếm, giấu vũ khí, đưa đón cán bộ lãnh đạo quan trọng từ căn cứ về hoạt động tại nội thành Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân năm 1968. Ông Lai đã xây dựng cơ sở bảo đảm có khả năng cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật và nhiều quần chúng nòng cốt có thể giao nhiệm vụ...

Năm 1964, bà Phạm Thị Chinh mất bởi hệ quả của những trận đòn roi tra tấn của kẻ thù. Nói về bà Chinh, ông Trần Đức Bảo chia sẻ: Trên danh nghĩa là tổ chức tác hợp để anh Lai có cơ hội hoạt động trong nội thành nhưng hai người có tình cảm thực sự. Chị ấy bất chấp nguy hiểm để bảo lãnh cho cán bộ ta bị địch bắt được thả tự do. Dù bị tra khảo dữ dội, chị vẫn nhất định chỉ nhận là bảo lãnh hai người họ hàng theo lời dặn dò của mẹ. Sau khi chị Chinh mất, anh Lai vẫn tiếp tục hoạt động trong lòng địch, được tổ chức sắp xếp cuộc hôn nhân lần thứ hai với chị Thiệp (Đặng Thị Thiệp). Lạ một điều, mãi đến năm 1979, anh chị ấy mới chính thức kết hôn và 6 đứa con đều được khai sinh vào một ngày. Chiến tranh mà, chúng ta phải chấp nhận - ông Bảo ngậm ngùi.

Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông Lai tiếp tục ở lại nội đô Sài Gòn để củng cố lại cơ sở, gây dựng lại mạng lưới biệt động thành. Năm 1972, ông bị giặc bắt rồi tù đày cho tới năm 1975. Dù là thương binh hạng 1/4 nhưng ông vẫn cống hiến cho cách mạng tới ngày về hưu. Năm 2002, ông Lai trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng. Ghi nhận những đóng góp của ông Trần Văn Lai với sự nghiệp cách mạng, năm 2015, ông đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Nhờ ông Bảo, chúng tôi liên hệ được với bà Đặng Thị Thiệp, vợ Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai. Hiện nay, bà Thiệp cùng các con sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ở tuổi 77, sức đã yếu nên bà ít về quê chồng hơn. Bà Thiệp nhớ lại: Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả gia đình tôi mới được ra Bắc, về thăm quê nội trên chuyến tàu thống nhất Bắc Nam. Năm ấy, cả gia đình tôi ở lại Thái Bình ăn tết. Đó cũng là cái tết đầu tiên có đầy đủ cha con, chồng vợ. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông ấy cũng thăng trầm, sóng gió nhưng với bản lĩnh thép, ý chí kiên trung của người chiến sĩ cộng sản, ông ấy đã vượt qua được sự nghi ngờ của kẻ thù.

Hơn 40 năm đã trôi qua, dấu tích của một thời kỳ lịch sử đấu tranh khốc liệt cũng dần phai mờ, nhưng câu chuyện về những chiến sĩ biệt động Sài Gòn, trong đó có Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai vẫn được người dân nhắc tới và tự hào về một người con ưu tú của quê hương Thái Bình. Mỗi căn hầm chứa vũ khí phục vụ kháng chiến của người con quê lúa đã trở thành một trong những địa chỉ đỏ cách mạng về một thời hoa lửa hào hùng trên thành phố mang tên Bác.

Cuối năm 2016, ông Bảo là người đại diện cho gia đình Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai hiến tặng Bảo tàng Thái Bình nhiều kỷ vật, tư liệu vô giá. Đó là những thước phim tài liệu, những hình ảnh và cuốn sách viết về cuộc đời hoạt động cách mạng và những chiến công của ông Lai. Đặc biệt, kỷ vật thiêng liêng của những năm tháng hoạt động đưa đón cán bộ cách mạng là chiếc xe Volkswagen Beetle từng cùng ông vào sinh ra tử, gắn bó máu thịt nay được con cháu ông hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Thái Bình xem như hình bóng của ông từ nơi xa xôi hành trình nẻo về đất mẹ.


Ông Trần Đức Bảo, em ruột chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình

Anh tôi, Trần Văn Lai rời quê hương từ năm 13 tuổi, theo người lớn đi làm thuê kiếm sống rồi giác ngộ cách mạng. Trải qua bao nhiêu gian nan, cực khổ, anh tôi trưởng thành trong sự dìu dắt của cách mạng vì vậy anh tôi đã sống, chiến đấu kiên trung, bất khuất vì sự nghiệp cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Gia đình chúng tôi tự hào về anh Lai.

Ông Vũ Đức Thơm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh


Do điều kiện chiến tranh và nhiệm vụ cách mạng giao, ông Trần Văn Lai đã phải hóa trang, nhập vai để hoạt động. Những chiến công thầm lặng của ông cùng gia đình và đồng đội ông cống hiến cho cách mạng đã được khẳng định. Những kỷ vật gắn bó máu thịt với ông được gia đình ông hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Thái Bình là minh chứng hết sức trung thực và sinh động về cuộc chiến đấu của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Chị Nguyễn Thị Hằng, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình


Là lớp thanh niên sinh ra và lớn lên sau chiến tranh nhưng qua trang sử hào hùng của quê hương Vũ Đông trong đó có Anh hùng LLVT Trần Văn Lai chúng tôi càng vững vàng niềm tin vào tương lai đất nước, bởi truyền thống cách mạng của quê hương luôn tô thắm ý chí phấn đấu của lớp trẻ quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm tươi đẹp, xứng với công lao phấn đấu hy sinh của các thế hệ cha anh.



Quang Viện - Tất Đạt