Thứ 6, 22/11/2024, 03:52[GMT+7]

Thái Bình đánh thức tiềm năng

Thứ 6, 28/04/2017 | 18:00:56
1,346 lượt xem
Thái Bình nằm trên đồng đất trù phú, xanh bóng tre, dọc ngang với hàng trăm con sông lớn nhỏ đều xuôi ra biển. Mỗi dòng sông đều mang trong mình một kỳ tích vang lên trong ca khúc Bạch Đằng... Làng như bức tranh, vừa duyên dáng như cô gái, lại vừa thư thái điềm tĩnh như một lão nông từng trải.

Muốn đánh thức được tiềm năng để phát triển nông nghiệp sạch và công nghệ cao thích ứng với biến đổi môi trường thì phải hiểu được làng và con người Thái Bình, họ có cốt cách của “lưu dân” (người đi mở đất) vừa hào sảng, cần cù chung thủy “say thì say trọn” - “buồn thì buồn sâu” mỗi khi cạn chén “hồ trường”, nói đến tiềm năng Thái Bình là nói đến đất đai và con người nông dân.

Đảng bộ và nhân dân Thái Bình làm công nghiệp hóa cũng vì dân, tích tụ đất là đất đai vẫn trong tay nông dân, khác với thu hồi đất giao cho doanh nghiệp trước kia. Để người làng vẫn sống được, lao động phải đi đôi với đất đai. Nếu lao động mà không có đất thì lao động cũng trở thành vô nghĩa.

Người nông dân bằng lòng đưa đất cho doanh nghiệp để tổ chức sản xuất lớn. Họ biết chỉ có doanh nghiệp mới đủ khả năng sản xuất chế biến, nâng cao giá trị, kết hợp với thị trường. Nếu doanh nghiệp làm tốt đầu vào như mua bán vật tư giá rẻ, đưa khoa học công nghệ làm ra sản phẩm tốt. Có sản phẩm rồi biết cách đưa ra thị trường thế giới.

Muốn làm được nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, đâu chỉ có doanh nghiệp, phải có nông dân và sự quản lý nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng. 5 tổ chức ấy ngồi lại với nhau, để bàn nông nghiệp hữu cơ chắc chắn sẽ làm được.

Nông dân Thái Bình từng bước thực hiện ba không: không dùng hoóc môn tăng trưởng; không sử dụng kháng sinh trong sản phẩm cuối cùng; không sử dụng thuốc trừ sâu. Tiêu chuẩn ba không đã bắt đầu hình thành trong mỗi con người, trong mỗi hộ nông dân.

Để khẳng định được nó, từ việc chọn giống, tìm nguồn đất sạch, xử lý nguồn nước tưới, rồi đến thức ăn cũng phải tuân thủ ba không.

Người Châu Âu đã đi trước chúng ta hàng mấy thế kỷ về việc này.

Cuộc sống xanh, nông nghiệp hữu cơ, người Thái Bình đi theo con đường đó không ngại ngần do dự. Canh tác hữu cơ, sẽ bảo vệ được môi trường của thiên nhiên họ đang thụ hưởng.

Thái Bình những năm của kỷ nguyên trước. Nông dân đã làm nông nghiệp hữu cơ. Bèo hoa dâu, cây điền thanh. Đấy là phân đạm cho cây lúa.

Đảng bộ Thái Bình những năm đó đề ra khẩu hiệu, 1ha đi với hai con lợn. Chuồng lợn hai bậc để giữ lấy phân. Chỗ nào, nhà nào cũng ủ phân hữu cơ, bằng lá xoan cây điền thanh, trộn với phân chuồng, bùn ao, tạo ra phân hữu cơ bón lúa. Họ biết cách phơi ải, xếp ải. Đất khô sạch mới phát triển được vi sinh.

Muốn đất sạch ta phải trở về với cánh cửa của cha ông đã mở trước kia cho ta đi làm cây lúa nước.

Ông cha ta thông minh hơn ta nghĩ. Đừng lệ thuộc quá vào lí thuyết trong nông nghiệp. Nó tốn công, tốn của hơn nhiều.

Thái Bình kêu gọi đầu tư. Địa chỉ ấy vừa có tính hấp dẫn, lại rất đáng tin cậy cho các ông chủ lớn. Hãy về Thái Bình làm việc với “Kẻ lưu dân”, họ có cốt cách con người nền văn minh văn hóa lúa nước.

Kiến thức làm nông nghiệp dân gạo cội Thái Bình rất sâu đậm, tính thông minh, cần cù khoa học có sẵn của nông dân để làm ra cây lúa hạt gạo sạch hàng triệu năm nay. Cây lúa nước đồng hành cùng dân tộc.

Theo thư mời gọi đầu tư của Đảng Bộ chính quyền - Hội Đồng nhân dân Thái Bình đã nói: “Là một tỉnh có sự đoàn kết nhất trí cao trong Đảng. Luôn ổn định về chính trị. Đất có truyền thống làm nông nghiệp. Những người đứng đầu trong Đảng bộ biết lắng nghe”.

Vâng! Sự lắng nghe tâm tư của dân, của các doanh nghiệp đến tận cùng gan ruột mình, là biểu hiện cốt cách văn hóa của “kẻ lưu dân”.

Mới đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình tạo ra gương mặt mới bằng cuộc cách mạng xanh, nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Người nông dân trong tỉnh đang chuẩn bị những vùng đất sạch để chào đón các doanh nghiệp. Các tập đoàn lớn, các ông chủ tầm cỡ đang đến Thái Bình bởi sự hấp dẫn lời mời gọi. Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn TH đã nói “Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện dồn điền đổi thửa, loại bỏ dần những mảnh ruộng nhỏ, mong muốn để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo vùng sản xuất trên quy mô lớn. Đó là điều kiện tiên quyết để chúng tôi quyết định đầu tư ở đây”. Ông Vũ Văn Tiền, tập đoàn Geleximco sẽ đầu tư trồng lúa chất lượng cao, khu nuôi trồng thủy sản, hải sản, kết hợp với dịch vụ sinh thái… Ông lo phát triển khoa học công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cao chất lượng lao động, để nông dân trở thành công nhân trên cánh đồng của họ.

Nghe ra ý kiến này được người dân đồng tình đón nhận, bởi giao đất cho doanh nghiệp rồi, mình vẫn làm chủ đất đai. Tôi đã có những cuốc xe ôm đi rong ruổi trên con đường làng, đường huyện với tâm trạng của người nông dân mới thấy sự kỳ vĩ của các tuyến đường giao thông nội đồng do nông dân tạo lập trong thời kỳ xây dựng nông thôn mới. Họ đã nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước để đón nền công nghiệp sản xuất cao xuống đồng. Có đi điền dã bằng chiếc xe máy cà tàng bằng tâm hồn của người nông dân mới thấm sự đổi đời hôm nay.

Sau hòa bình, người công nhân Thái Bình lần đầu tiên làm ra cây cầu Thái Bình. Các kỹ sư, công nhân đóng búa, khoan nhồi xuống lòng sông, bằng những vật dụng thô sơ. Hàng ngày các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến động viên công nhân bằng những chiếc bánh mỳ ăn đêm… Ngày nay, cầu Tân Đệ như băng qua một biển lớn, cầu vượt sông Trà Lý vào thành phố Thái Bình, ba cầu liên huyện cầu Trà Giang, cầu Tịnh Xuyên, cầu Vũ Đông, Thái Bình đâu còn là một ốc đảo. Khách lãng du, hay các ông chủ lớn vượt cầu Tân Đệ vào Thái Bình, có thể trong một ngày bằng phương tiện hiện đại sẽ đi hết đất Thái Bình. Rồi dừng chân nhìn ngắm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình ở xã Mỹ Lộc (Thái Thụy) nay mai sẽ hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Có điện rồi giờ ngồi nhớ lại ánh lửa của những dòng khí, với lộ trình địa chất đã có hàng trăm chuyên gia Liên Xô vào tìm kiếm năm 1982 họ đã tìm ra mỏ khí ngầm. Ngày ấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng Đại sứ Liên Xô ở Việt Nam SapơLin về tận Tiền Hải xem xét, động viên. Như vậy, trên mảnh đất doanh điền Nguyễn Công Trứ khai khẩn tìm ra quê mới, sau hơn hai trăm năm con cháu cụ lại tìm ra dòng khí để cung cấp cho khu công nghiệp Tiền Hải.

Người Thái Bình đều muốn trở thành Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt làm nên việc lớn. Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng để giữ nước. Người nông dân đang tự mình hoàn thiện, tự đổi mới. Biết tiếp nhận cái mới là đặc điểm của nông dân Thái Bình. Phải nói chưa bao giờ nông dân có được những điều kiện thuận lợi như bây giờ để tiếp cận cuộc cách mạng xanh bằng giá trị sản phẩm công nghệ cao. Trong lúc này, nếu một ai chân đi “lạc dép” không tự đổi mới mình cùng dân tộc đi lên. Họ sẽ trở thành người lạc hậu.

Võ Bá Cường

 (Thành phố Thái Bình)