Thứ 6, 22/11/2024, 04:31[GMT+7]

Mảnh đất anh nằm súng nở hoa

Thứ 2, 22/05/2017 | 09:11:16
1,333 lượt xem
Người chỉ huy ấy bị giặc bắt, tra tấn hết sức dã man, trước lúc xả đạn vào người chiến sĩ kiên trung, bọn giặc hỏi: “Vũ khí mày để ở đâu?”, người thôn đội trưởng du kích hiên ngang trả lời: “Vũ khí là để giết lũ giặc cướp nước chứ không phải để nộp cho chúng mày”.

Ngôi nhà tình nghĩa chính quyền và nhân dân xã Đông Cường (Đông Hưng) xây tặng gia đình Liệt sĩ Đỗ Quý Lệ năm 2002 đang trong tình trạng xuống cấp.

60 tấn vũ khí gồm súng cối, tiểu liên, súng trường, lựu đạn và nhiều cơ số đạn của Trung đoàn 42, Đại đoàn Đồng bằng thuộc Quân khu Tả ngạn được thôn đội trưởng du kích Đỗ Quý Lệ (thôn Xuân Thọ xã Bắc Bình, huyện Đông Quan, nay là thôn Xuân Thọ, xã Đông Cường, huyện Đông Hưng) chia nhỏ, cất giấu ở nhiều địa điểm, tránh được sự lùng sục, truy sát gắt gao của giặc, bảo toàn được lực lượng cho cách mạng. Nhưng người chỉ huy ấy đã bị giặc bắt, tra tấn hết sức dã man, trước lúc xả đạn vào người chiến sĩ kiên trung, bọn giặc hỏi: “Vũ khí mày để ở đâu?”, người thôn đội trưởng du kích hiên ngang trả lời: “Vũ khí là để giết lũ giặc cướp nước chứ không phải để nộp cho chúng mày”.

Những giây phút cuối cùng của cuộc đời, thôn đội trưởng du kích Đỗ Quý Lệ vẫn kịp ghé vào tai người vợ trẻ tảo tần tay bồng con nhỏ thì thầm: “Lọ đạn, mã tấu tôi chôn ở gốc chuối, mẹ nó đưa cho anh Khổn để chiến đấu”. Người làng kéo ra phản đối giặc Pháp đưa Đỗ Quý Lệ về làng xử bắn nhằm uy hiếp tinh thần chiến đấu bảo vệ làng xã của du kích rất đông, người ta nghe thấy tiếng khóc thảm thương của chị Hướng, người vợ và đứa con trai bé bỏng chưa đầy bốn tuổi của anh Lệ khi nhìn thấy tấm thân tàn tạ, nhiều vết thương rỉ máu do những trận đòn tra tấn cực kỳ dã man của quân giặc, trước mũi súng đầy sát khí của giặc Pháp anh Lệ trừng mắt nói với vợ: “Mẹ thằng cu không phải khóc lóc, kêu van chúng nó, cố gắng nuôi con khôn lớn để trả thù cho tôi”.

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Quý Lệ sinh năm 1915 trong một gia đình rất nghèo. Từ tấm bé, nhà nghèo không đất ở lại đông anh em nên anh phải đi làm thuê, cuốc mướn kiếm miếng cơm qua ngày. Đảng ra đời đã soi sáng tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc cho anh, sớm giác ngộ cách mạng, Đỗ Quý Lệ tích cực tham gia phong trào cứu quốc ở địa phương. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Đỗ Quý Lệ tham gia vào đội Việt Minh giành chính quyền, đánh đổ bọn cường hào, hương lý trong Tổng Bình Cách thu được đồng triện, sổ sách lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân lao động ngay tại quê hương mình. 

Kể từ đó, cuộc đời người thanh niên đầy nhiệt huyết cách mạng Đỗ Quý Lệ bước sang trang mới. Anh được Ty Công an Thái Bình huấn luyện thành điệp báo viên. Vốn nhanh nhẹn, thông minh, Đỗ Quý Lệ nảy ra sáng kiến tiếp cận người thân của các phần tử phản cách mạng để lấy thông tin, tìm mọi cách bám sát mọi hoạt động của chúng, đêm tối lẻn vào những nơi bọn quốc dân đảng hội họp bí mật cung cấp nhiều tin tức quan trọng cho tổ chức, giúp cơ quan an ninh cấp trên phá tan âm mưu phản động của bọn quốc dân đảng tại xã Bắc Bình. 

Đầu năm 1947, Chi bộ Đảng Bắc Bình được thành lập có ba đảng viên, Đỗ Quý Lệ được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng dân quân du kích (DQDK) thôn Xuân Thọ. Với tài tổ chức và vận động quần chúng, chỉ trong hơn mười ngày, Đỗ Quý Lệ đã tập hợp được hơn 60 người, anh được tổ chức giao làm thôn đội trưởng chỉ huy đội DQDK. Điều kiện khó khăn, mới thành lập không có vũ khí chiến đấu, anh đã phát động anh em thu gom sắt thép lập lò rèn luyện được 53 con mã tấu, búp đa và hơn 30 bàn chông thép trang bị cho các đội viên du kích, ngoài ra còn hỗ trợ cho đội du kích các thôn Tào Xá, Phương Mai, Hoành Từ. 

Trong gần ba năm thực hiện chủ trương rào làng kháng chiến, đội du kích thôn Xuân Thọ dưới sự chỉ huy trực tiếp của thôn đội trưởng du kích Đỗ Quý Lệ đã đào được 5.000m hào, đắp được gần 2.000m lũy, trồng tre dày kín xung quanh làng, tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm ngặt đêm ngày, phòng gian bảo mật, động viên nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc và các phong trào “mùa đông binh sĩ”, “hũ gạo kháng chiến”. 

Tháng 2/1950, giặc Pháp nổ súng tấn công Thái Bình, chúng di chuyển từ Hải Dương qua sông Luộc, sông Hóa tiến ra đường 10 đánh chiếm huyện lỵ Phụ Dực, cầu Nghìn, một nhánh quân đánh chiếm huyện lỵ Quỳnh Côi tiến ra ngã ba Đọ rồi thẳng tiến xuống Bắc Bình chiếm đánh các thôn Xuân Thọ, Tào Xá làm bàn đạp đánh chiếm các vùng lân cận. Thôn đội trưởng du kích Đỗ Quý Lệ chỉ huy đội du kích đưa người già, phụ nữ, trẻ em đi sơ tán còn cả đội bám trụ chiến đấu. Đêm tối, anh Lệ cùng nhóm du kích trở vào làng mò súng cối 60 ly cất giấu dưới ao chùa lên lau chùi rồi bắn vào nơi trú quân của giặc Pháp làm một tên lính Pháp chết tại chỗ, bị thương một tên, phá hủy doanh trại của chúng. Giặc Pháp hoảng sợ, trời chưa sáng chúng lục đục rút quân, anh Lệ tiếp tục chỉ huy du kích bắn tiếp loạt đạn cối vào đội hình địch làm chết và bị thương 4 tên nữa. Trước thắng lợi ban đầu, Trưởng ban Phòng trừ Đỗ Văn Khổn khích lệ Đỗ Quý Lệ cùng hai du kích bám sát đội hình địch, trinh sát nắm tình hình địch chuẩn bị cho trận tập kích mới. Bị lộ, giặc Pháp vãi đạn vào tổ du kích, hai du kích hy sinh, thôn đội trưởng du kích Đỗ Quý Lệ vừa đánh trả vừa tìm cách đưa xác hai du kích ra ngoài làng chôn cất cẩn thận rồi tiếp tục quay lại trinh sát. Giặc Pháp tăng cường quân chiếm đóng 9 vị trí quan trọng của xã trong đó chúng xây dựng bốt Bảo Chính đoàn ở Đông Khê, mỗi điểm đóng quân chúng có hơn một trung đội từ 16 - 20 tay súng, chúng còn chiếm đình, chùa, nhà thờ làm nơi trú quân. Chúng huy động đội quân việt gian, phản động truy tìm bắt sống du kích, kích động gây chia rẽ lương giáo. Hơn 100 du kích, tự vệ các thôn đã bị bắt, bị tra tấn dã man, nhiều người không chịu nổi đã phản bội. Tổ chức đảng và du kích quân bị tổn thất nặng nề. Để củng cố niềm tin đối với nhân dân, Chi ủy chủ trương chỉ đạo tiêu diệt một số tên phản động, ác ôn có nợ máu với cách mạng. 

Ngày 29/5/1950, dưới sự chỉ huy trực tiếp của thôn đội trưởng du kích Đỗ Quý Lệ, tên ác ôn Cai Khiển đã bị trị tội. Hai ngày sau, cải trang thành người đi chợ sớm để phục bắt bọn phản động ác ôn, nợ máu, thôn đội trưởng du kích Đỗ Quý Lệ bị giặc Pháp mai phục bắt sống. Bị bất ngờ, chúng đè anh xuống bịt mồm nhưng Đỗ Quý Lệ vẫn kịp gồng mình chống trả và hô to: “Các đồng chí ơi, có giặc”. Tiếng hô của anh đã giúp các du kích còn lại kịp thời tránh được ổ mai phục của địch.

Từ lúc bị bắt giam, bị tra tấn dã man rồi bị dụ dỗ, mua chuộc chưa tròn 6 ngày, giặc Pháp quá khiếp sợ trước tấm gương anh dũng, phi thường - đặc biệt là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng và nhân dân của thôn đội trưởng du kích Đỗ Quý Lệ, chúng đã bắt hai người bạn tù dìu anh về làng xử bắn. Trước mũi súng quân thù, anh hiên ngang hô lớn: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm; Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm; Đả đảo đế quốc Pháp. Tên quan ba Pháp vội vàng đẩy ngã hai người tù ra và nã đạn vào người anh.


Ông Đỗ Văn Khổn, nguyên Thường vụ Chi ủy, Trưởng ban Phòng trừ xã Bắc Bình, nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Anh Đỗ Quý Lệ là điệp báo viên Ty Công an Thái Bình, thôn đội trưởng du kích thôn Xuân Thọ, được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 1948, là người anh cùng chiến hào chiến đấu với tôi trong những năm tháng dân tộc ta chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Anh là người nghiêm khắc, cẩn trọng trong hoạt động cách mạng và kiên cường trong chiến đấu. Giặc Pháp dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man với anh hòng làm lung lay ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta nhưng anh đã chấp nhận sự hy sinh để giữ vững phong trào, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả của cách mạng.


Ông Nguyễn Cao Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Cường, huyện Đông Hưng

Năm 1958, ông Lệ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ và đến năm 2001 ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đây là niềm tự hào vô cùng to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Đông Cường. Gia đình ông rất nghèo, không có đất ở, lúc hy sinh cũng không có nhà nương náu. Căn nhà tình nghĩa do chính quyền và bà con làng xóm xây dựng cho bà Hướng, vợ Liệt sĩ, Anh hùng Đỗ Quý Lệ sau năm 2001 làm nơi thờ cúng quá nhỏ bé và đang xuống cấp. Rất mong cấp có thẩm quyền tạo điều kiện hỗ trợ địa phương kiến thiết lại ngôi nhà thành nơi tưởng niệm người anh hùng kiên trung, bất khuất của địa phương.

Ông Đỗ Văn Chiến, con trai liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Quý Lệ

Lúc cha tôi bị giặc Pháp bắn tôi mới lẫm chẫm biết đi, bập bẹ biết gọi cha, mẹ tôi bế tôi gặp cha lần cuối, những ký ức đau thương khi giặc cướp đi người cha của tôi vẫn còn hằn sâu trong tâm trí. Hành động anh dũng, kiên cường, trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng, với nhân dân của cha luôn là tấm gương sáng cho tôi và con cháu noi theo.


Quang Viện