Thứ 6, 19/04/2024, 12:33[GMT+7]

Tâm bút cùng người lính hậu chiến

Thứ 2, 05/06/2017 | 09:22:19
3,637 lượt xem
Chặng đường hơn 30 năm viết ký hậu chiến, nhà văn, đạo diễn cao cấp, nghệ sĩ ưu tú Minh Chuyên dùng ngòi bút của mình nâng đỡ những số phận hẩm hiu, trong đó có đồng đội của anh. Văn của anh cũng vén bức màn số phận, gieo niềm tin vào những con người vô cảm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với nhà văn Minh Chuyên.

Tác phẩm văn học của Minh Chuyên đã “khóc thương” cho thân phận những người lính từ chiến trường khói lửa trở về phải chịu biết bao nỗi bất hạnh vì thương tật, vì oan trái và nhiều người đã sinh ra những “Đứa con màu da thú” vì bị nhiễm chất độc da cam. Nhà văn nhìn về chiến tranh và tội ác do chiến tranh gây ra trước hết bằng tấm lòng nhân ái sau rồi là cách ứng xử nhân văn nhìn cuộc chiến từ hai phía con tim.

Tôi có may mắn được làm việc cùng nhà văn Minh Chuyên một thời gian khá dài khi anh còn là phóng viên Báo Thái Bình. Là quân nhân từ chiến trường trở về, anh được chuyển ngành về Báo Thái Bình. Bản tính chuyên cần, anh lặn lội đi tìm đề tài, tìm những mảnh vỡ thời hậu chiến trôi dạt, những số phận bi ai… như là để trả mối ân tình cho những duyên nợ của cuộc sống. 

Sau cuộc chiến vĩ đại giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975, có bao nhiêu địa danh tỉnh, thành rộng lớn, có trang sử liệt oanh thậm chí hơn Thái Bình nhưng những địa danh ấy lại không có được một cây bút lăn lộn, tâm huyết và thành công với đề tài hậu chiến như Minh Chuyên. Ngoài sự tâm huyết, sẻ chia với số phận người lính trở về làng sau chiến tranh, nhà văn Minh Chuyên còn có con mắt “tinh đời” để nhìn thấu chính cuộc đời còn vương bao nỗi đau lấy ra những báu vật thiêng là những nhân vật điển hình của hậu chiến, điển hình đến dị biệt để khi những dòng bút ký của anh được công bố, người đọc mới giật mình bởi những số phận kém may mắn và dị biệt của anh hiện hữu ngay bên đời mà không ai nhìn thấy họ.

Đầu năm 2017, nhà văn, đạo diễn cao cấp, nghệ sĩ ưu tú Minh Chuyên - người con quê hương Minh Khai (Vũ Thư), nguyên phóng viên Báo Thái Bình bước lên đài vinh quang nhận “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” do Chủ tịch nước trao tặng. Khó có thể giãi bày hết niềm vui, niềm vinh dự, tự hào và tràn đầy xúc động khi nghe anh tâm sự có được vinh quang lớn lao ngày hôm nay phần lớn là do thời gian công tác tại Báo Thái Bình, nơi tạo điều kiện để anh tập trung viết về chủ đề người lính hậu chiến. 

Những bài bút ký đầu tiên của Minh Chuyên đăng trên Báo Thái Bình thời điểm nửa đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX đã giải thoát cho bao số phận, trong đó Trần Quyết Định là một trong những nhân vật điển hình, dị biệt sau 19 năm đội đơn đi làm thủ tục làm người… và Trần Quyết Định đã thực sự trở lại người còn sống sau nhiều năm được coi là đã hy sinh, anh được xếp hạng thương binh 2/4. 

Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu từng phải thốt lên: “Qua sự thật khủng khiếp của cuộc chiến tranh dội xuống xứ sở của chúng ta, làm biến dạng, hủy hoại, đau đớn, xót xa bao sinh mệnh của con người. Nhân vật Trần Quyết Định trong tác phẩm “Thủ tục để làm người còn sống” cực kỳ “bi đát” nếu không có bài ký của Minh Chuyên”… 

Những câu chuyện thời hậu chiến, những nhân vật trong tác phẩm của Minh Chuyên đều là nguyên mẫu có thực ngoài đời. Sau bút ký “Thủ tục để làm người còn sống” đến số phận nghiệt ngã của thương binh Nguyễn Đình Thúc, nhân vật chính của tác phẩm “Người không cô đơn” đã lay động hàng triệu con tim. Ngòi bút khắc họa của Minh Chuyên đã đưa nhân vật Nguyễn Đình Thúc trở thành hình tượng của văn học trong thể loại bút ký. Cũng chính nhân vật này đã trở thành linh hồn của nhiều vở kịch, chèo, cải lương, sân khấu, truyền hình và phim tài liệu. 

Tác phẩm “Người không cô đơn” đã mang về cho Minh Chuyên giải thưởng bút ký Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992. Khi nhắc đến những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Minh Chuyên viết về hậu chiến không thể không nhắc đến bộ phim tài liệu “Cha con người lính” do Minh Chuyên viết kịch bản và đạo diễn dựa trên bút ký cùng tên “Cha con người lính” của anh được chọn tham dự Liên hoan phim quốc tế ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên) tháng 9/2006 và giành Cúp vàng - giải thưởng quốc tế cao quý về phim tài liệu…

Những cống hiến của nhà văn, đạo diễn cao cấp, nghệ sĩ ưu tú Minh Chuyên đặc biệt ở hai thể loại bút ký văn học và phim tài liệu đều ảnh hưởng tích cực tới xã hội. Anh đi nhiều, viết nhiều, tài sản anh cống hiến cho đời là gần 30 tập sách, đầu sách chuyên về người lính và số phận của họ thời kỳ hậu chiến. 

Anh thường cười hồn hậu nói với tôi: “Cả cuộc đời lao động cật lực mình chỉ có sách và những tác phẩm bút ký báo chí hầu hết là đề tài hậu chiến với nhiều giải thưởng văn học, nghệ thuật và báo chí, nói chung là chữ nghĩa chứ không có thành tích và tài sản gì đáng kể”.


Ông Phạm Văn Bài, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tôi biết Minh Chuyên lúc đó là phóng viên Báo Thái Bình và hiểu Minh Chuyên thông qua tác phẩm “Thủ tục để làm người còn sống” mà tôi được đọc trên Báo Thái Bình, Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và tôi biết Minh Chuyên được chính nhân vật Trần Quyết Định “nhờ” đi làm thủ tục chứng minh là Định còn sống, nghĩa là không phải đã hy sinh như trong giấy báo tử. Từ câu chuyện người thật, việc thật cộng với sự lăn lộn thực tế khi đi lo thủ tục làm người cho Trần Quyết Định mà Minh Chuyên viết thành bút ký. Để viết được thành công bút ký “Thủ tục để làm người còn sống”, Minh Chuyên đã trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng chừng bi quan đến tuyệt vọng. Minh Chuyên là người có năng lực, sở trường viết về hậu chiến và cái quan trọng là Minh Chuyên có cái tâm của người lính cầm bút, nặng lòng với số phận người lính hậu chiến, đó cũng chính là yếu tố quyết định sự thành công của Minh Chuyên sau này với nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về người lính hậu chiến như: Người không cô đơn; Vào chùa gặp lại; Người lạc về đâu; Di họa chiến tranh; Cha con người lính…


Nghệ sĩ ưu tú Huy Tầm, nguyên Trưởng đoàn Ca múa kịch Thái Bình

Năm 1992 tôi là Trưởng đoàn Kịch nói Thái Bình, khi chuẩn bị vở diễn tham dự Liên hoan sân khấu miền duyên hải, tôi lên Hà Nội gặp đạo diễn Lê Hùng (Nhà hát kịch Việt Nam) để “xin” kịch bản dựng vở, đạo diễn Lê Hùng đưa cho tôi tập kịch bản “Người lang thang không cô đơn” vừa được chuyển thể từ bút ký “Người không cô đơn” của nhà văn Minh Chuyên. Lên xe khách về Thái Bình, tôi tranh thủ đọc kịch bản, đọc được trang đầu tôi đã khóc vì số phận nhân vật trong kịch bản quá thương tâm. Hành khách không hiểu sao tôi khóc. Khi dựng vở, tôi lại được đạo diễn Lê Hùng chọn đóng vai Thúc, nhân vật chính trong kịch bản. Vở diễn đã mang lại cho Đoàn Kịch nói Thái Bình giải xuất sắc Liên hoan và tôi được tặng huy chương vàng. Tiếp sau vở diễn đó, Đoàn Kịch nói Thái Bình tiếp tục dựng các vở: Người gặp trong mơ, Trở lại kiếp người… và cũng liên tục gặt hái được giải xuất sắc các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, bản thân tôi được tặng nhiều huy chương vàng, huy chương bạc.


Ông Tạ Xuân Lai, Chủ tịch Công đoàn Báo Thái Bình

Khi nhà văn Minh Chuyên viết “Thủ tục để làm người còn sống”, tôi được cùng anh rong ruổi nhiều nơi, từ Hà Nội, Thái Nguyên, Quân khu 3 đến tận Quảng Bình, Quảng Trị. Trong những chuyến đi thực tế ấy, tôi có cảm nhận sâu sắc về sự tâm huyết với số phận nhân vật người lính hậu chiến, với nghề báo, nghề văn và đặc biệt là sự chuyên cần, say sưa với công việc của anh. Nếu nói về nghề văn, nghề báo thì Minh Chuyên thực sự là tấm gương sáng, là hình mẫu tiêu biểu để các nhà văn, nhà báo trẻ noi theo.


Quang Viện