Thứ 7, 28/12/2024, 14:05[GMT+7]

Hạnh phúc bình dị của một gia đình nông dân

Thứ 3, 27/06/2017 | 10:23:46
1,182 lượt xem
Làm nông không thể nói là nhàn hạ nhưng đã vào tuổi ngũ tuần mà trông vợ chồng anh Phạm Ngọc Thuật và chị Phạm Thị Nhuận ở xã Thượng Hiền (Kiến Xương) vẫn trẻ trung và “phong độ”. Tuy ở trong xóm Đình khuất nẻo nhưng hạnh phúc bình dị của gia đình anh chị vẫn được nhiều người biết đến trầm trồ và mơ ước.

Ngôi nhà mới của vợ chồng anh Thuật chị Nhuận đang trong quá trình hoàn thiện.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh chị vào đúng lúc đang thu hoạch rộ lúa xuân. Đống thóc tám vàng ươm đã khô được đổ gọn gàng chiếm gần hết nền hai gian nhà mái bằng, bên chiếc máy chẻ mây sợi anh chị đang cần mẫn cho ra từng loạt sợi mây đều tăm tắp. Anh Thuật khẩn khoản: Được các anh đến thăm mừng quá, thế này không phải, mời các anh ra nhà mới còn chỗ ở cũ này bây giờ em chỉ để thóc lúa và chứa mây cây, mây sợi và làm nơi sản xuất chứ không ở nữa.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới xây hai tầng, kiến trúc kiểu dáng biệt thự bề thế khang trang cách nơi ở cũ không xa, anh Thuật vui vẻ cho biết: Ngôi nhà này do cháu trai thiết kế còn thi công em mượn một tốp thợ làng bên, làm từ cuối năm ngoái đến nay đã gần chín tháng chỉ còn vài hạng mục nhỏ nữa là hoàn tất. Hỏi về kinh phí xây dựng anh khiêm tốn: Trừ những cái gì mình làm lấy được còn chỉ hết chừng 1,2 tỷ đồng, đấy là kể cả tiền mua đất nhưng đều là tự có chứ không phải vay mượn gì cả, các cháu học đều mới ra trường chưa giúp được gì các anh ạ. 

Không giấu nổi sự khâm phục anh bạn tôi buột miệng bảo: Thật đáng nể, hai vợ chồng là nông dân với dăm sào ruộng nuôi hai con ăn học lại có cơ sở sản xuất với năm, bảy công nhân cùng vốn làm ăn mấy trăm triệu và ngôi nhà to đẹp thế này thì thật đáng nể.

Tâm sự với anh chị, chúng tôi được biết anh chị có hai cháu, một trai, một gái. Cháu trai lớn 28 tuổi tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội hiện đang làm việc tại phòng tư vấn thiết kế Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Hưng (Hà Nội). Cháu gái 24 tuổi tốt nghiệp hai bằng đại học loại giỏi Đại học Kinh tế quốc dân (năm 2015 tốt nghiệp khoa kinh tế quốc tế, năm 2016 tốt nghiệp khoa tài chính ngân hàng), hiện cháu đang làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội). Nhờ có chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần của Đảng và Nhà nước mà anh chị mới có điều kiện làm ăn để nuôi các cháu học đại học và kiến thiết được như bây giờ chứ còn trước đây cũng khó khăn lắm. 

Anh chị cho biết, các cháu biết thương bố mẹ vất vả, nhà còn khó khăn nên chăm ngoan, học giỏi, không đua đòi và rất tiết kiệm nên chi tiêu cả hai cháu học ở Hà Nội chỉ có trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Học xong các cháu đều tự tìm lấy việc làm. Sở dĩ có được như vậy một phần các cháu biết lo lắng và nỗ lực phấn đấu một phần có sự động viên, dạy dỗ rất chu đáo của gia đình trong việc đối nhân xử thế do vậy nơi các cháu đến thực tập lại chính là nơi đến xin các cháu về làm. Cháu gái thi công chức có 500 người dự thi, chỉ tiêu chỉ tuyển 5 người nhưng cháu lại là người có số điểm cao nhất trong 5 người trúng tuyển. Biết các cháu mới ra trường tiền lương còn phải chi tiêu nhiều thứ nên mặc dù các cháu có biếu ít nhiều để giúp bố mẹ làm nhà nhưng chúng em đều từ chối và còn cho thêm để các cháu sắm xe máy cùng các phương tiện phục vụ sinh hoạt và công tác.

Như đoán ra điều chúng tôi tâm tư là tại sao anh chị đạt được nhiều thứ như thế, anh Thuật phân trần: Cái mà chúng em có được thật ra không có gì gọi là may mắn cả mà theo em là do chính mình thôi các anh ạ. Ngay từ việc sinh đẻ, nhiều người bảo sao đẻ ít thế nhưng bài học nhỡn tiền đẻ nhiều từ bố mẹ chúng em đã thức tỉnh chúng em. Còn làm ăn thực ra chúng em cũng chỉ là người lao động chân chất, cần cù nhưng biết tính toán, chắc thì làm không chắc thi thôi chứ không làm liều. Sản xuất mây sợi thế này chúng em phải đem giao tận Chương Mỹ (Hà Tây cũ) cho những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có thực lực và uy tín nên rất an toàn và sòng phẳng. Mặt khác, cũng phải nói thêm với các anh là phải hết sức chắt chiu để nâng dần lên thì mới có được thu nhập lớn; vợ chồng em đồng thuận với nhau, thương nhau, biết vì nhau và làm gương cho con cái. Chưa thành đạt nhưng những cái có được bây giờ nhất là về con cái là “liều thuốc bổ” để chúng em sống khỏe, trẻ ra và được bà con lối xóm vị nể.

Phạm Xuân Nghiên

(Thượng Hiền, Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày