Anh Kiên “50 tấn”
Anh Kiên đầu tư máy cấy để tăng năng suất lao động.
Cánh đồng Ông Va, thôn Ô Mễ 1 ngày mùa rộn ràng như ngày hội, hàng trăm chị em, mải miết cấy trên những thửa ruộng của gia đình. Bên này dòng mương, anh Kiên cũng đang tập trung cao để cấy lúa mùa, chỉ khác là cả cánh đồng rộng 10,7ha nhưng có duy nhất một mình anh cấy. Tạm dừng để thay khay mạ vào máy cấy, anh cười bảo: Nhờ có chiếc máy này tôi đã biết cấy lúa, mà lại cấy siêu nhanh, trung bình khoảng 4 - 5 mẫu/ngày, gấp vài chục lần so với một phụ nữ cấy giỏi. Nhờ có máy cấy và các máy móc khác một mình tôi mới có thể sản xuất gần 11ha lúa như vậy.
Những năm trước đây, ngoài mấy sào ruộng của gia đình, anh Kiên đầu tư mua 2 máy cày công suất lớn để nhận dịch vụ làm đất nông nghiệp cho bà con trong thôn, xã. Năm 2016, địa phương khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Với lợi thế gia đình có 2 máy làm đất, thuận lợi cho sản xuất, anh Kiên mạnh dạn đề xuất với chính quyền xã và HTXNN Tân Phong thuê lại gần 11ha ruộng của bà con trên cánh đồng Ông Va để gieo cấy lúa. Đây là cánh đồng ghềnh, tuy nước tưới không thuận lợi nhưng chỉ có số ít hộ bỏ ruộng, còn lại bà con vẫn gieo cấy lúa nên việc vận động, thuyết phục bà con cho thuê ruộng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có sự vào cuộc tích cực của chính quyền từ xã đến thôn và HTXNN, hơn 100 gia đình đã đồng ý cho anh Kiên thuê ruộng trong 10 năm để sản xuất với mức phí thuê 60kg thóc/sào/năm, chỉ còn 2 hộ có ruộng xen kẹp chưa đồng thuận. Sợ anh vất vả, bố mẹ và vợ anh rất lo lắng, khuyên nhủ anh từ bỏ ý định tích tụ ruộng để làm nông nghiệp. Mặc dù vậy, vụ xuân năm 2017 anh Kiên vẫn quyết tâm bắt tay vào sản xuất vụ đầu tiên.
Ngoài 2 máy cày đã có từ trước, anh Kiên đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy cấy và gần 600 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp. Vụ xuân năm 2017, anh gieo cấy toàn bộ diện tích 10,7ha với hai giống lúa chủ yếu là Bắc thơm, nếp N87, trong đó 50% diện tích gieo thẳng, 50% diện tích còn lại anh sử dụng máy cấy để cấy. Việc sử dụng máy cấy và gieo mạ khay đòi hỏi kỹ thuật khá cao, anh phải mày mò tìm hiểu ở nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhưng nhờ nhạy bén và chịu khó học hỏi, ngay vụ đầu tiên, anh đã thành công trong việc sản xuất mạ khay và cấy lúa bằng máy. Việc chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, đánh bắt chuột bảo vệ gần 11ha lúa cũng đòi hỏi nhiều công sức, mỗi ngày anh đều thăm, kiểm tra đồng ruộng hai lượt và tiến hành bón phân, phun thuốc trừ sâu… kịp thời. Tuân thủ nghiêm quy trình, biện pháp kỹ thuật thâm canh nên trong vụ sản xuất đầu tiên, năng suất lúa đạt gần 2 tạ/sào, tổng sản lượng thu về hơn 50 tấn thóc, bán giá trung bình 7 triệu đồng/tấn, trừ chi phí đầu tư anh thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Hầu hết các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, gia đình anh Kiên đều có máy móc hỗ trợ nên khá thuận lợi, riêng khâu phơi thóc vẫn thực hiện thủ công. Anh Kiên cho biết: Vụ xuân vừa qua, khi anh thu hoạch lúa về, cả làng Mễ Sơn 1 ngập trong “biển” thóc. Gia đình anh phải tận dụng phơi thóc ở sân hội trường thôn, trường học, nhờ trên sân của một số gia đình… Có hôm trời đổ mưa đột ngột, họ hàng, bà con dân làng, bạn bè đều hăng hái “chạy” thóc giúp anh. Anh Kiên vui, cảm động nhưng vẫn mong muốn trong vụ sản xuất tới, các cấp, các ngành hỗ trợ thêm một phần kinh phí để gia đình anh đầu tư mua máy sấy thóc nhằm giảm sức lao động, thuận lợi hơn trong khâu phơi sấy, bảo quản thóc.
Ông Đồng Mạnh Huấn, Giám đốc HXTNN Tân Phong cho biết: Tuy tuổi còn trẻ nhưng Nguyễn Văn Kiên có tinh thần hăng say lao động và kỹ thuật thâm canh cây lúa tốt như một lão nông. Đặc biệt, anh nhanh nhạy áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất đã giảm chi phí đầu tư, sức lao động và tăng hiệu quả sản xuất. Để hỗ trợ anh tiếp tục thực hiện tốt việc tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa, HTXNN Tân Phong thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống mới. Điển hình là vụ mùa này anh Kiên là một trong hai hộ đầu tiên của huyện Vũ Thư đưa vào gieo cấy giống lúa Nhật TBJ3 dòng Japonica hứa hẹn cho năng suất cao hơn các giống lúa hiện tại ở địa phương; huyện đã hỗ trợ phân bón chất lượng cao để anh sản xuất.
Vượt khó sản xuất thành công, Nguyễn Văn Kiên không chỉ khai thác hiệu quả đồng đất quê hương để nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn góp phần làm thay đổi tư duy “khó làm giàu từ hạt lúa, củ khoai” của nhiều người hiện nay.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
Doanh nghiệp Thái Bình ứng phó thế nào với chính sách thuế quan mới của Mỹ ?
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
- Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy: Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ
- Tổng Bí thư Tô Lâm viếng đồng chí Khamtay Siphandone
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan
- Sinh hoạt chuyên đề "Phát huy tinh thần học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”
- Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam
- Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục tổ chức tốt Đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Armenia