Thứ 6, 22/11/2024, 13:04[GMT+7]

Anh hùng Trần Phước chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

Thứ 6, 14/07/2017 | 08:43:18
5,118 lượt xem
Bị trúng đạn, chân trái bị mất, chân phải bị gãy nhưng đại đội trưởng Trần Phước vẫn dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Anh đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập, tự do của nước ta, nước bạn Lào, cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Thế hệ trẻ địa phương thắp hương tại phần mộ Anh hùng Trần Phước.

Xuôi theo con đường 463, qua chùa Keo, chúng tôi tìm về thôn Văn Lâm, xã Duy Nhất (Vũ Thư), nơi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Phước (Trần Văn Phước) sinh ra và lớn lên. Làng quê nhiều đổi thay nhưng nhắc đến Trần Phước, ông Trần Văn Bính vẫn nhớ như in những kỷ niệm về người hàng xóm hiền lành, chân chất năm xưa. 

Ông Bính kể: Nhà tôi và nhà Phước cạnh nhau, Phước sinh năm 1942, kém tôi vài tuổi. Gia đình Phước có 6 anh chị em, giống như bao gia đình khác, khi ấy nhà Phước cũng túng thiếu, đói khổ. Tuy hiền lành, nhút nhát nhưng tinh thần yêu nước lại luôn sục sôi trong trái tim nhiệt huyết của Phước. Năm 1959, khi mới 17 tuổi, Phước giấu gia đình bí mật viết đơn tình nguyện nhập ngũ và “liều” khai tăng thêm 1 tuổi để sớm được lên đường tòng quân.

Ước nguyện thành hiện thực, Trần Phước được phân vào đơn vị đặc công thuộc Tiểu đoàn 27, Đoàn 305. Vừa rèn luyện tốt vừa gan dạ chiến đấu, Trần Phước nhanh chóng được đứng trong hàng ngũ của Đảng và giao trọng trách đại đội trưởng một đại đội đặc công thuộc Tiểu đoàn 27, Bộ Tư lệnh Đặc công. 

Năm 1970, để hỗ trợ cách mạng Lào, đơn vị của anh được cử đi làm nhiệm vụ ở nước bạn. Tháng 5/1970, đơn vị được lệnh tiến công vào điểm cao 1.510m thuộc vùng núi Sảm Thông, Lào. Đây là vùng rừng núi có địa hình hiểm trở, rất khó khăn khi di chuyển. Trần Phước đã trực tiếp đi trước trinh sát, lập phương án tác chiến tỉ mỉ, sau đó dẫn đầu đơn vị vào chiến đấu. Trong trận đánh này, bọn địch được trang bị vũ khí hiện đại, lại lợi dụng điểm cao ta khó tấn công nên đánh trả rất quyết liệt. Trần Phước chỉ huy anh em chiến đấu, anh mưu trí dẫn một mũi thọc sâu vào sở chỉ huy của chúng, phá hỏng trung tâm đầu não thông tin làm địch mất liên lạc và rối loạn. Tuy vậy, địch vẫn ngoan cố chống cự, đơn vị của Trần Phước phải chiến đấu suốt đêm mới giành phần thắng. Kết quả, anh cùng đồng đội tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn địch, bắt sống nhiều tù binh, thu toàn bộ vũ khí của địch. Ngoài chỉ huy trận đánh, Trần Phước còn chiến đấu, dùng súng ngắn tiêu diệt tên tiểu đoàn phó của địch và 1 tên lính.

Tháng 8/1970, Tiểu đoàn 27 được lệnh tiến đánh địch ở điểm cao 1.957m. Trận này, Trần Phước được giao nhiệm vụ chỉ huy một đơn vị dự bị. Bắt đầu vào trận chiến, mũi chủ công mới tiến vào đến hàng rào đã bị lộ, địch tập trung hỏa lực bắn ra rất dữ dội, quân ta không tiến lên được. Tiểu đoàn trưởng điều đơn vị dự bị của Trần Phước vào trận. Trần Phước dũng cảm, mưu trí dẫn đầu đơn vị vượt qua hàng rào địch, đánh thọc sâu vào rồi tỏa ra xung quanh, áp đảo quân địch, diệt nhiều hỏa điểm quan trọng, làm cho quân địch rối loạn, quân ta làm chủ trận địa. Trận chiến đang diễn ra thuận lợi thì Trần Phước bị trúng đạn cắt đứt chân trái, chân phải cũng bị gãy. Mặc dù vậy, Trần Phước vẫn chỉ huy đơn vị tiếp tục chiến đấu đến khi trận đánh thắng lợi, bản thân anh vẫn tiêu diệt thêm được 1 tên địch. Khi trận đánh kết thúc, biết mình không thể cầm cự thêm, trong hơi thở yếu ớt cuối cùng, Trần Phước vẫn đau đáu nghĩ về nhiệm vụ, cho gọi đồng chí đại đội phó đến dặn dò, giao nhiệm vụ và gửi lời chào từ biệt đồng đội, gia đình. Ra đi ở tuổi 32, Trần Phước đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho cách mạng.

Tinh thần mưu trí, dũng cảm, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của Trần Phước là tấm gương sáng cổ vũ toàn đơn vị chiến đấu, lập thêm nhiều chiến công hiển hách, đặc biệt là minh chứng khẳng định tình hữu nghị của hai nước Việt Nam - Lào. Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì. Ngày 1/10/1971, Trần Phước được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Phạm Ngọc Bùi, Bí thư Đảng ủy xã Duy Nhất cho biết: Cách đây mấy năm, gia đình Anh hùng Trần Phước phối hợp với chính quyền địa phương và bà con nhân dân đã tiến hành tìm kiếm tại chiến trường xưa, di dời phần mộ và tổ chức trọng thể lễ an táng hài cốt tại nghĩa trang liệt sĩ quê hương. Với tấm lòng biết ơn sâu sắc, cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đoàn viên thanh niên địa phương thường xuyên chăm sóc phần mộ; thăm hỏi, động viên thân nhân liệt sĩ Trần Phước. Sự hy sinh anh dũng của anh là tấm gương sáng để chúng tôi tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ địa phương về truyền thống yêu nước, cách mạng. Mặc dù là xã xa trung tâm, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, nhân dân Duy Nhất đang nỗ lực, quyết tâm phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2017, xứng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.

Hà Phương