Thứ 6, 22/11/2024, 04:36[GMT+7]

Liệt nữ Trần Thị Gái

Thứ 3, 25/07/2017 | 17:45:02
1,206 lượt xem
67 năm đã đi qua kể từ khi chị anh dũng hy sinh nhưng khí tiết và tinh thần của người chí sĩ cộng sản vẫn vang vọng, trao truyền lại cho thế hệ cùng thời và hôm nay trên quê hương cách mạng vẫn được thắp sáng, vẹn nguyên. Tấm gương liệt nữ đó là liệt sĩ Trần Thị Gái ở thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

Nơi thờ cúng liệt sĩ Trần Thị Gái là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

Chúng tôi tới thăm thân nhân liệt sĩ Trần Thị Gái vào một ngày tháng 7, trời mưa tầm tã khiến cho con đường ven đê biển dẫn về xã Nam Thịnh trở nên khó đi hơn vì ngập nước. Một ngôi nhà nhỏ nằm ven đê tuy đơn sơ nhưng thật ấm cúng bởi lúc nào cũng ngát mùi hương trầm. 

Ông Trần Văn Toản, chủ ngôi nhà cho biết: Ông là em con chú, con bác với liệt sĩ Trần Thị Gái. Hiện nay, ông đang thờ cúng 5 liệt sĩ và 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có liệt sĩ Gái và mẹ của liệt sĩ. Tuy sinh ra lúc chị Gái đã anh dũng hy sinh nhưng qua lời kể của người thân và các bậc cao niên trong làng, ông hiểu và luôn thành kính người chị của mình.

Sau nén hương thắp lên bàn thờ các liệt sĩ, ông Toản trầm ngâm kể: Đầu năm 1950, thực dân Pháp và bè lũ tay sai tấn công vào làng Hợp Châu - căn cứ cách mạng của xã Đông Hưng (xã Nam Thịnh và Nam Hưng ngày nay) của huyện Tiền Hải. Cả xã trở thành vùng tề, luôn bị bọn lính lệ xứ Trung Đồng (xã Nam Trung) lùng sục, truy tìm bắt bớ những người tham gia cách mạng. Trước sự chống trả quyết liệt của dân quân, du kích, bọn chúng càng điên cuồng đốt nhà, ra tay sát hại dã man những ai mà chúng nghi là cộng sản. Ngày 9 tháng Giêng năm 1950, chúng càn quét và bắt được chị Trần Thị Gái khi chị vừa ở xã Đông Minh (một căn cứ cách mạng chưa rơi vào vùng kiểm soát của thực dân) về nhà thăm chồng bị ốm. Chúng đưa chị về nhà thờ xứ Trung Đồng tra khảo, đánh đập tàn bạo nhằm khai thác thông tin từ chị về tổ chức cách mạng trong làng, trong xã. Dù chịu mọi cực hình nhưng chị Gái một mực không khai và còn mắng nhiếc lũ bán nước và cướp nước. Bất lực trước người phụ nữ mới chỉ 20 tuổi đầy khí phách anh hùng, chúng vội xử tử chị nhằm thị uy và lung lạc ý chí cách mạng của những người cộng sản. Đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12 tháng Giêng năm 1950, chúng bắt chị ra khu Gồ Ổi, Thanh Châu (xã Nam Thanh ngày nay) rồi cho người đào huyệt chôn sống chị.

Ông Trần Minh, sinh năm 1938, thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh cho biết: Khi chị Gái hy sinh, ông đang làm Đội trưởng Đội Nhi đồng của làng. Vì nhà ông là địa điểm thường xuyên diễn ra các cuộc họp của lực lượng dân quân, du kích nên ông nắm được nhiều thông tin và tham gia vào đội liên lạc, tuyên truyền cho tổ chức cách mạng. Chị Gái lúc đó 20 hoặc 21 tuổi vừa tham gia đội tuyên truyền, vừa đảm nhận chức Thôn đội phó thôn Cộng Hòa và trực tiếp làm quân báo nắm tình hình địch rồi thông tin cho lực lượng dân quân, du kích để lập kế hoạch chiến đấu. Quá trình hoạt động, lập được nhiều thành tích và có ý thức phấn đấu, đầu năm 1949 chị Trần Thị Gái được kết nạp vào Đảng. Dù bụng mang, dạ chửa đứa con đầu lòng mới 4 - 5 tháng tuổi nhưng chị không quản hiểm nguy và khôn khéo hoạt động cách mạng. Khi chị bị bắt, tra tấn và đem đi chôn sống, chị vẫn ung dung ngẩng cao đầu đối diện với cái chết và thét vào mặt bọn giặc: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”; “Bọn sát nhân chúng mày phải trả máu…” khiến cho những kẻ lang sói, máu lạnh rùng mình khiếp đảm.

Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tiền Hải, nơi yên nghỉ của liệt sĩ Trần Thị Gái và hàng trăm liệt sĩ các địa phương trong huyện.

Là người tham gia biên sử cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Nam Thịnh, ông Trần Đình Lục, sinh năm 1931, thôn Hợp Châu cho biết: Vào đêm xuân lạnh lẽo nơi Gò Ổi hoang vu, một người con gái tuổi mới đôi mươi đối diện với cái chết và mang theo một sinh linh bé bỏng trong bụng đi vào giấc ngủ ngàn thu; hẳn chị cũng buốt lòng vì không còn nỗi đau nào lớn hơn thế? Vậy nhưng, chị lại thanh thản ra đi và thể hiện khí tiết kiên trung của một chí sĩ cách mạng mà dõng dạc đối đáp với kẻ thù của mình: “Chúng mày hãy đào to chiếc huyệt để hai mẹ con tao nằm…” rồi khi chúng bắt chị nằm ngửa để chôn sống, chị lại thét vào mặt bọn chúng mà rằng: “Không cần. Tao nằm sấp để cát bụi không làm vẩn đục mắt tao! Tao nằm sấp để bảo vệ, che chở con tao đang nằm ngủ trong bụng tao”. Chị đã vùng dậy chống cự với những bàn tay của quỷ dữ để nằm sấp, duỗi dài như mẹ con chị đang ngủ mặc cho đất cát lấp lên và những nhát kiếm, nhát thuốn sắt nhọn xâm, chọc. Đó là câu chuyện về cái chết của liệt sĩ Trần Thị Gái được một người dân trong làng bị bắt ép đi đào huyệt chôn chị đã kể lại cho nhân dân làng Hợp Châu mà ông Lục còn nhớ mãi đến tận bây giờ.

Khi gặp gỡ và trao đổi với những nhân chứng lịch sử ở thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh - quê hương liệt sĩ Trần Thị Gái, tất cả họ đều chia sẻ: Chị Trần Thị Gái sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sau nạn đói năm 1945; chị là con duy nhất của mẹ Trần Thị Tẹo (được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng). Sau cái chết của chị Gái, vì quá đau buồn, chỉ sau một năm ngày chị Gái hy sinh, mẹ cũng đã ra đi, đoàn tụ với chồng, con, cháu nơi chín suối.



Ông Bùi Kiên Quyết, Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh (Tiền Hải)

Liệt sĩ Trần Thị Gái là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân xã Nam Thịnh đời đời ghi ơn, tưởng nhớ chị. Chúng tôi lấy đó là hình mẫu để tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân của quê hương noi theo, phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, xứng đáng với những hy sinh lớn lao của thế hệ tiền nhân.


Ông Trần Văn Toản, em họ liệt sĩ Trần Thị Gái

Sự anh dũng hy sinh của chị Gái và chú, bác tôi cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành tấm gương sáng, lý tưởng sống cao đẹp của anh, em trong gia đình tôi cũng như những người dân miền biển này nối bước tham gia vào các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho đất nước được nở hoa.


Ông Trần Quang Tứ, thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh (Tiền Hải)

Lúc còn sống và quá trình hoạt động cách mạng, chị Gái là người nết na, năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm với gia đình và nhiệm vụ của tổ chức cách mạng giao. Hình ảnh một chị Gái xinh đẹp, có giọng hát hay mỗi lần biểu diễn văn nghệ tuyên truyền cách mạng trong làng, trong xã vẫn còn in đậm trong thế hệ các bậc cao niên cùng thời trong làng. Chúng tôi vẫn thường kể những câu chuyện về liệt nữ Trần Thị Gái cho con, cháu để nhắc nhớ cho thế hệ hôm nay tự hào về tấm gương anh dũng của liệt sĩ và truyền thống cách mạng của quê hương.


Khắc Duẩn