Thứ 7, 28/12/2024, 13:32[GMT+7]

Một nhà hai mẹ Việt Nam anh hùng

Thứ 2, 31/07/2017 | 09:18:58
3,253 lượt xem
Làm dâu 10 năm, lần lượt chồng và em chồng lên đường chiến đấu và hy sinh, 20 năm sau người mẹ ấy lại nhận giấy báo tử của con trai. Nỗi đau này chưa nguôi nỗi đau khác đã đến nhưng mẹ vẫn gắng gượng vượt qua, nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Đó là mẹ Đoàn Thị Xuyến, thôn Lũ Phong, xã Tây Phong (Tiền Hải) - gia đình mẹ có hai người được truy tặng và phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Xuyến và người con trai thứ hai.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng mẹ Xuyến vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn, hiện mẹ đang sống trong căn nhà nhỏ cùng người con trai út. 

Mẹ Xuyến kể: Mẹ sinh ra và lớn lên tại xã Đông Lâm, ngoài 20 tuổi xây dựng gia đình với ông Lê Văn Thíu, xã Tây Phong. Làm dâu nhưng mẹ không có cơ hội biết mặt mẹ chồng bởi mẹ chồng của mẹ đã chết trong một trận càn của thực dân Pháp. Chồng và em chồng mẹ sống sót sau trận càn bởi trước đó đã được sơ tán khi mới vài tuổi. Năm 1966, ông Lê Văn Thíu xung phong nhập ngũ, đường chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Hai năm sau ngày ông nhập ngũ mẹ nhận được tin chồng hy sinh, để lại cho mẹ nỗi đau cùng sự vất vả chèo chống một thân một mình nuôi 5 con nhỏ. 

“Ông nhà tôi khi ấy là đảng viên, tính nghiêm lắm, ông bảo mình là đảng viên phải gương mẫu để người khác noi theo” - ánh mắt mẹ Xuyến sáng lên khi nói về người chồng đã khuất. 

Tiếp bước anh trai, năm 1971, em trai ông Thíu là Lê Mạnh Đằng cũng xung phong ra trận. Nhưng số phận nghiệt ngã của chiến tranh lại ập đến với gia đình, năm 1972 em chồng mẹ Xuyến cũng hy sinh. 

Nỗi đau mất chồng, em chồng chưa nguôi, 20 năm sau, người con trai thứ ba của mẹ Xuyến là Lê Xuân Tiếu cũng anh dũng hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. 

Mẹ kể: Tiếu gan dạ như bố nó, năm 1986 thấy địa phương tuyển nghĩa vụ quân sự nó đăng ký nhập ngũ, nó bảo mẹ để con đi chiến đấu trả thù cho bố và chú. Trong một lần đánh đuổi bọn gian phá hoại cánh rừng phía Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh nó bị trúng đạn và không về với mẹ nữa. 

Chỉ tay lên tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lê Xuân Tiếu, mắt mẹ ngấn lệ: Khi nó hy sinh tính ra chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là được ra quân về với mẹ và các anh, các em. 

Cho chúng tôi xem kỷ vật của từng liệt sĩ, là những tấm huân chương, huy chương, những tờ giấy khen hay những danh hiệu cao quý…, mẹ Xuyến như hồi tưởng lại những ký ức của từng người thân trong gia đình đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc: Những năm tháng chiến tranh, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, chồng, con lần lượt xung phong lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Là người vợ, người mẹ, khi ý chồng, con đã quyết, tôi chỉ biết động viên chồng, con lên đường và âm thầm cầu nguyện cho họ bình yên trở về. Sau khi chồng, em chồng và con hy sinh, tôi đã xác định người mất thì cũng không sống lại được, nếu cứ buồn, đau khổ thì ai sẽ nuôi con? Lúc nào khó khăn nhất tôi lại nhớ đến lời nói của chồng trước khi lên đường vào Nam chiến đấu: Bà ở nhà nhớ chăm sóc, nuôi dạy các con khôn lớn, gạt tất cả đau thương sang một bên để nuôi con và lo mọi việc trong gia đình. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình, các con tôi đều nỗ lực phấn đấu, có công việc ổn định và cùng tôi tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. 

Ghi nhớ công lao to lớn của những người mẹ, người vợ, năm 1994, mẹ Trần Thị Tý (mẹ chồng của mẹ Xuyến) được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 2013, vinh dự một lần nữa đến với gia đình khi mẹ Đoàn Thị Xuyến được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 

Giờ đây, mong muốn lớn nhất của mẹ Xuyến và con cháu trong gia đình là sớm tìm được phần mộ của người em chồng, liệt sĩ Lê Mạnh Đằng.

 “Phần mộ của chồng và con trai mẹ đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của địa phương nhưng hài cốt của chú ấy vẫn chưa tìm thấy, mẹ chỉ mong sớm có ngày tìm được để đưa chú ấy về với quê hương, đoàn tụ với anh trai và cháu là mẹ cảm thấy mãn nguyện” - mẹ Xuyến tâm sự. 

Nguyễn Cường 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày