Thứ 6, 22/11/2024, 05:10[GMT+7]

Ông Lương Xuân Bang - Người kể sử làng

Thứ 3, 08/08/2017 | 09:01:30
990 lượt xem
77 tuổi đời, 50 năm tuổi đảng, ông Lương Xuân Bang ở thôn Nho Lâm, xã Đông Lâm (Tiền Hải) vẫn giữ cho mình sức khỏe tốt, giọng nói ấm áp, trí nhớ mẫn tiệp để tiếp tục với niềm đam mê bất tận: kể sử làng.

Đổi mới trên quê hương Đông Lâm (Tiền Hải). Ảnh: Thành Tâm.

Khi được mệnh danh là “người kể sử làng”, đa số đều hình dung đó là một người cao tuổi, râu tóc bạc phơ, gắn bó cả đời, cùng thăng trầm với những biến cố của quê hương. Nhưng với ông Bang thì khác. Cái khác lớn nhất chính là ông đi công tác xa, trên khắp các chiến trường, không trực tiếp chứng kiến những sự kiện lịch sử của quê hương. Ấy vậy mà ông lại là người đang ngày đêm kể những câu chuyện làng, chuyện người, chuyện đời ở xã Đông Lâm trong những năm tháng đấu tranh chống kẻ thù, bảo vệ làng xã, xây dựng quê hương.

Vóc người thấp đậm, cử chỉ nhanh nhẹn, tiếng nói tiếng cười rõ ràng, sảng khoái, ông Bang không kể hết đã tiếp bao nhiêu đoàn nhà báo từ trung ương đến địa phương, bao nhiêu đoàn nghiên cứu văn hóa, bao nhiêu người con xa quê về hỏi chuyện làng. Cứ đến xã Đông Lâm hỏi chuyện làng chuyện xã, chuyện nông dân biểu tình năm 1930, chuyện Bác Hồ về thăm, chuyện mít tinh mừng Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 là y như rằng cán bộ địa phương lại giới thiệu khách đến gặp ông Bang, trưởng ban xây dựng làng văn hóa Nho Lâm, người trực tiếp trông coi di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Nho Lâm. 

Chỉ một cuộc điện thoại, một lời nhắn là thấy ông trên chiếc xe đạp quen thuộc băng băng trở về đền Nho Lâm với những tập tài liệu đã chuẩn bị sẵn. Bởi ông biết người gặp ông chắc chắn là hỏi chuyện làng, hỏi sử làng. 

Mở tập tài liệu, ông Bang say sưa kể, lần nào cũng hào hứng, phấn chấn như lần đầu. Mỗi trang tài liệu đều có trích dẫn. Thỉnh thoảng lại có nét bút viết tay đính chính lại những con số, những cái tên mà theo ông nhiều sách báo viết chưa đủ. 

Khi được hỏi tại sao không ở quê mà ông lại nắm rõ chuyện quê như vậy, ông chia sẻ: Dù học hành cũng không cao nhưng so với các cụ ở quê tôi là người đi nhiều, biết nhiều. Khi về địa phương, được các cụ cao niên trong làng nhiều lần đến tận nhà, tin tưởng nhờ cậy. Chính sự gửi gắm của các bậc tiền nhân mà tôi đã dày công nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, gặp gỡ nhân chứng để thu thập thông tin, sắp xếp lại thành hệ thống hoàn chỉnh. Ông kể, từ ngày này sang ngày khác, người này đến người khác, đến nỗi thành đam mê lúc nào không hay. Những tài liệu như Lịch sử Đảng bộ Thái Bình qua các thời kỳ, tài liệu về Bác Hồ, về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, về Cách mạng Tháng Tám ông đều nghiên cứu rất kỹ. Ông Bang còn có lợi thế khi tìm gặp các nhân chứng do từng có quá trình làm việc gần gũi với các đồng chí lãnh đạo ở trung ương. Những kiến thức thực tiễn, tài liệu nghiên cứu cùng lối nói chuyện gần gũi, thuyết phục đã khiến những câu chuyện của ông một khi đã bắt đầu thì rất khó để chấm dứt. Người nghe bị lôi kéo từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, từ nhân vật này sang nhân vật khác. Sau tất cả là một bức tranh tuyệt đẹp về lòng yêu nước, ý chí kiên cường, dũng cảm của mảnh đất và con người Đông Lâm trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mà gần gũi, giản dị, ấm áp.

Ông Bang có một triết lý nhân sinh theo Phật pháp không bao giờ thay đổi. Vì thế, theo ông, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay không hề khó. Đó là làm. Xắn tay vào mà làm. Dù có là việc nhỏ nhất như đổ rác đúng nơi quy định. Có lẽ chính vì tư tưởng ấy cộng với tinh thần, trí tuệ của một người đảng viên chân chính nên dù tuổi đã cao ông vẫn tiếp tục được dân làng tín nhiệm bầu làm trưởng ban xây dựng làng văn hóa Nho Lâm, người trực tiếp trông coi đền Nho Lâm, được lãnh đạo địa phương tin tưởng mỗi khi có người đến hỏi chuyện làng, chuyện xã.

Đỗ Hà
(Đài TTTH Tiền Hải)