Thứ 7, 28/12/2024, 14:02[GMT+7]

Cửa thiền làng Văn

Thứ 2, 14/08/2017 | 09:28:15
3,440 lượt xem
Thấm thoắt đã ngót bốn chục năm kể từ ngày bước chân vào chốn cửa thiền “ăn mày lộc Phật”, chị Bùi Thị Đoán (pháp danh Thích Đàm Đoán) quê xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà giờ đã là sư thầy trụ trì chùa Văn, một ngôi chùa nhỏ nằm khuất nẻo trong góc làng quê ven sông.

Chùa Văn, nơi chị Bùi Thị Đoán (pháp danh Thích Đàm Đoán), cựu thanh niên xung phong C895 tu hành Phật pháp.

Chiến tranh đã cướp đi cái quyền thiêng liêng được làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ ấy. Trở về làng sau những năm tháng phục vụ trong thanh niên xung phong thì cha mẹ đã mất, anh em mỗi người một phương, bản thân bị nhiễm chất độc hóa học lại thêm thương tật chiến tranh nên người chị gầy đen, nhỏ thó, mắt mờ, tai ù đặc, chị lang thang phiêu bạt từ làng nọ sang xã kia, bước chân xiêu vẹo dưới cái nắng mùa hè quay quắt đã đưa chị đến ngôi chùa nhỏ ven đê sông Hồng thuộc xã Phú Sơn nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà. Vị sư trụ trì chùa Vân lúc đó đã quá già yếu mở cửa từ bi đón chị vào…

Thấm thoắt đã ngót bốn chục năm kể từ ngày bước chân vào chốn cửa thiền “ăn mày lộc Phật”, chị Bùi Thị Đoán (pháp danh Thích Đàm Đoán) quê xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà giờ đã là sư thầy trụ trì chùa Văn, một ngôi chùa nhỏ nằm khuất nẻo trong góc làng quê ven sông. Cuộc đời chị thăng trầm muôn nỗi, từ một thiếu nữ xinh đẹp, nết na, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, không chịu “thua chị, kém em” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1965, chị đã đăng ký gia nhập thanh niên xung phong đi lấp hố bom, xây dựng cầu đường phục vụ chiến đấu. Chị bị thương và bị nhiễm chất độc hóa học nặng lại có thời gian công tác trong bệnh viện nên chị hiểu chị không nên lập gia đình vì hệ quả là rất nan giải.

Rời thanh niên xung phong được xếp hạng thương binh 4/4 cộng với tình trạng sức khỏe yếu do nhiễm chất độc hóa học chị Đoán được tạo điều kiện chuyển ngành về Phòng Y vụ của Bệnh viện Việt Bun (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Công việc không có gì vất vả nhưng do hậu quả nhiễm chất độc hóa học nên đầu óc chị cứ căng ra trời đất như tối sầm lại. Nhìn vào tập bệnh án mà chị cảm thấy những con chữ loằng ngoằng nhảy múa. Đôi khi đang làm việc chị bỗng sa sầm mặt mũi, người choáng váng, loạng choạng đứng không vững, ngã vật ra nền nhà. Đồng nghiệp có người biết bệnh sử của chị thì cảm thông, chia sẻ, có người không hiểu nhìn chị nguýt dài: Cái loại lười làm thích ăn chơi, giả vờ. Chị nghe thấy mà buồn tê tái. Chị đã khóc, khóc rất nhiều. Đêm nằm quạnh hiu trong gian phòng nhỏ khu tập thể bệnh viện, qua khe cửa, chị nhìn thấy những căn phòng kế bên lửa ấm tình yêu lứa đôi đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, chị thấy đau nhói trong tim. Thiên chức làm vợ, làm mẹ của chị đã bị giặc Mỹ cướp mất. Chị khao khát đến cồn cào. Nhưng, duyên phận chẳng chiều. Chị buông tiếng thở dài hàng đêm. 

Rồi một hôm, trong ca trực đêm đông giá lạnh, chị bỗng nghe thấy tiếng khóc yếu ớt của hài nhi phát ra từ góc cầu thang. Linh cảm mách bảo chị có điều chẳng lành, chị đi đến góc cầu thang và nhìn thấy một bọc vải nhỏ đang cựa quậy. Một sinh linh bé bỏng được quấn khăn vội vã, có một mảnh giấy chữ viết run rẩy: “Em còn rất trẻ, lỡ dại. Em không thể nuôi nổi cháu. Rất mong lòng hảo tâm của các bác sĩ. Mẹ nghìn lần xin lỗi con”. Chị nhìn quanh chợt thấy một cô gái còn rất trẻ nấp sau cánh cửa nhìn chị bế hài nhi lên rồi đột ngột bước nhanh vào màn đêm lạnh giá. Chị hiểu. Cuộc đời thật trớ trêu, người khao khát được làm mẹ thì lại bị tước mất quyền, kẻ được thiên chức ấy lại tìm cách chối bỏ. Chị bế cháu vào phòng trực gọi bác sĩ cùng các đồng nghiệp khác trong kíp trực thông báo vụ việc. Sau khi kiểm tra tình trạng sức khỏe của cháu bé, mọi người khuyên chị nên đưa cháu bé đến Khoa Sản nhi nuôi dưỡng. Chị khóc. Nước mắt của người phụ nữ muốn làm mẹ như ứa ra từ suối nguồn. Cảm thông tình cảnh chị, mọi người ôm lấy chị động viên, an ủi, còn chị, chị cứ để những giọt nước mắt xót xa, nóng hổi lăn dài trên gò má đã sớm cằn khô. Chị ôm chặt đứa con bị bỏ rơi vào lòng, ẵm về nuôi. Nhưng cháu bé quá yếu, chị lại không có sữa, điều kiện chăm sóc lúc bấy giờ cũng hết sức khó khăn nên chẳng bao lâu cháu bé đã bỏ chị ra đi. Quá buồn, chị xin nghỉ việc về quê. Nhưng số phận nghiệt ngã vẫn cứ bám riết lấy cuộc đời chị. Cha mẹ chị liền kề mấy năm “dắt díu ra đi khuất núi”. Anh em chị mỗi người một nơi. Chị bơ vơ một mình giữa chốn làng quê yên bình xưa kia gắn với tuổi thanh xuân đong đầy ước mơ, hoài bão và chị bỗng trở thành kẻ không nơi nương tựa, bấu víu. Chị bỏ nhà tìm đến cửa Phật nương nhờ. 

Chị đi, bước chân trần không dép ứa máu dẫn chị đến với sư trụ trì làng Đặng, một thời gian chị lại đến chùa Vân làm tiểu, nhà sư trụ trì chùa Vân thấy bên chùa Văn cụ chùa kiết già nên giới thiệu chị sang chùa Văn và từ đấy chị trao trọn số phận của mình chốn cửa thiền làng Văn. Chùa Văn nhỏ bé, xuống cấp nghiêm trọng do phong hóa và do chiến tranh tàn phá. Chị bắt tay xây dựng lại chùa, xắn tay áo tự đào đất, tự đóng gạch, tự nung vôi, đào cát quyết tâm xây lại nếp chùa. Ý chí quyết tâm của chị lay động lòng trắc ẩn của nhân dân trong làng, ngoài xóm, rồi như rết nhiều chân, người góp công, góp của cùng chị xây dựng nếp chùa nhỏ nhưng không kém phần khang trang, tôn kính.

Đã ngoại bảy mươi niên, cái tuổi “xưa nay hiếm” chị vẫn miệt mài đi trên con đường hạnh ngộ, ước mong giản dị cầu cho quốc thái dân an, đem điều thiện gieo lên mọi oán hờn. Chị nhủ thầm: “Hải đáo vô biên thiên thị ngạn/Sơn đăng tuyệt đỉnh tuyết vi phong”, nghĩa là: “Biển đến không bờ thì trời thành bến/Núi lên tận đỉnh thì tuyết biến thành nóc nhà”.




Sư thầy Thích Đàm Yên, trụ trì chùa Lê, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà

Năm 1990 tôi gặp sư thầy Thích Đàm Đoán lúc ấy vừa mới ở thanh niên xung phong chuyển ngành rồi về chùa Vân xin nhà chùa đi tu. Vì tôi cầu giới thanh văn trước nên được thầy chùa cho làm anh, Đoán làm em. Lúc đó Đoán gầy gò, nhỏ thó, nhìn rất thương. Được cái, Đoán chịu thương, chịu khó lại thông minh nên tiến bộ rất nhanh. Không lâu sau đó Đoán được thầy chùa giới thiệu đến chùa Văn, tôi cũng rời chùa Vân đến tu ở chùa Lê. Bây giờ Đoán đã lên chức sư thầy trụ trì chùa Văn. Thầy Đoán vốn là thanh niên xung phong chẳng may gặp cảnh khó nên theo đấng từ bi, tu hành khổ hạnh nhưng cảm nhận của nhà chùa là thầy Đoán vẫn luôn toát lên ý chí tự lực, tự cường, sống tốt đời, đẹp đạo.


Bà Nguyễn Thị Nhuần, Hội trưởng Phật giáo thôn Văn, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Thầy Đoán về chùa làng tôi cũng lâu lắm rồi, tôi không nhớ rõ năm nào chỉ biết rằng khi cụ chùa về nơi cực lạc thầy Đoán tiếp quản ngôi chùa đổ nát sau chiến tranh và thiên nhiên tàn phá. Thầy sống tằn tiện lắm, lương không có, chỉ có phụ cấp nhỏ nhoi. Ban ngày đào đất, đêm đêm thầy đóng gạch dưới ánh trăng, người gầy đen, nhỏ thó trông thương lắm. Dân làng chúng tôi thấy vậy cũng bảo nhau giúp thầy. Người có công giúp công, người có của giúp của, dân làng chúng tôi đùm bọc thầy Đoán xây dựng lại nếp chùa làng tuy nhỏ bé nhưng cũng khang trang.


Ông Đỗ Văn Tam, người làng Văn, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Tôi nay đã ngoài bảy mươi, trạc tuổi sư thầy Thích Đàm Đoán. Sư thầy cương trực, thẳng thắn nhưng cũng rất từ bi, hỉ xả. Sư thầy sống trong cảnh khó khăn lại nuôi thêm một cháu gái con một đồng đội bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin, cháu không được khôn nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Sức khỏe của sư thầy bị ảnh hưởng thương tật chiến tranh và chất độc hóa học nên cũng không được tốt lắm.


Quang Viện

Bùi Thành Hưng - 2 năm trước

Con là cháu của em bà đây là thằng Hưng con biết đc thì rất biết ơn bà và sư thầy còn chúc bà luôn mạnh khỏe và về thăm nhà mình nhiều hơn

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày