Chủ nhật, 24/11/2024, 20:21[GMT+7]

Minh Lãng - Vùng quê đổi mới

Thứ 3, 15/08/2017 | 08:48:39
3,131 lượt xem
Nằm bên dòng sông Trà Lý hiền hòa, mảnh đất Nội Lãng, Thư Trì xưa tựa như một cô gái đẹp nhưng sớm chịu cảnh đói rách, lầm than bởi sự giày xéo của phong kiến, thực dân. Nhờ giác ngộ cách mạng, một lòng kiên trung theo Đảng, diện mạo nông thôn Minh Lãng ngày nay đổi mới khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt.

Nghề thêu góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Minh Lãng.

Truyền thống bất khuất

Nội Lãng xưa, Minh Lãng nay là một trong những xã có phong trào cách mạng phát triển sớm của huyện Thư Trì. Năm 1929, tuy xã chưa có cơ sở đảng nhưng lần đầu tiên lá cờ Đảng đã tung bay trên cây đa thôn Lại Xá và cây quéo chùa Ông, thôn Trung Nha. Năm 1933, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Quang Lịch, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh và những người hoạt động cách mạng của xã Tân Hòa, Nông hội đỏ - tổ chức cách mạng đầu tiên của xã Nội Lãng đã được thành lập ở thôn Lại Xá do đồng chí Đỗ Thụy làm tổ trưởng. Với sự ra đời của Nông hội đỏ, hàng loạt hoạt động sôi nổi như kéo cờ, rải truyền đơn, tập hợp nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp, áp bức, bóc lột của quan lại phong kiến được tổ chức khiến địch điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng tại địa phương. Năm 1942 - 1943, tổ chức Việt Minh bí mật đầu tiên được thành lập ở thôn Thanh Trai, đến năm 1944 thêm một tổ Việt Minh ở thôn Nội Nha được thành lập, tổng số hai tổ có 14 người tham gia. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, phong trào cách mạng ở Minh Lãng diễn ra sôi nổi với các cuộc đấu tranh chống thực dân, phong kiến liên tục diễn ra trên diện rộng với nhiều hình thức khác nhau.

Được sống, chứng kiến những năm tháng đau thương của quê hương, ông Phạm Gia, 92 tuổi, lão thành cách mạng thôn Thanh Nội cho biết: Năm 1945, dưới ách áp bức bóc lột tàn bạo của phong kiến tay sai, thực dân Pháp và phát xít Nhật, đời sống của nhân dân Minh Lãng cùng cực, lầm than. Đặc biệt, nạn đói tháng 3/1945 đã cướp đi sinh mạng của 1.085 người dân địa phương, hàng chục gia đình chết không còn ai. Trong lúc đó, Nhật đảo chính Pháp, tạo thuận lợi cho phong trào cách mạng của ta. Lực lượng Việt Minh ở Minh Lãng âm thầm thành lập các đội tự vệ cứu quốc, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Giữa tháng 8/1945, khi nhân dân đang sục sôi khí thế cách mạng thì đê Mỹ Lộc (Việt Hùng) bị vỡ, cán bộ Việt Minh của xã Minh Lãng dùng thuyền lên Mỹ Lộc để nắm tình hình thì thấy lính Nhật đang hành hung, cướp thuyền của nhân dân liền dũng cảm đuổi bắt và giải về huyện. Sáng ngày 23/8, lệnh khởi nghĩa được truyền tới từng thôn, xóm. Đội tự vệ cứu quốc của Minh Lãng đã vận động quần chúng nhân dân cùng kéo nhau lên Tân Đệ giành chính quyền huyện. Sau khi chính quyền Thư Trì đã về tay nhân dân, lực lượng Việt Minh xã lãnh đạo bà con các thôn tiến hành bắt, xét xử công khai những tên cường hào gian ác, vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền ở từng thôn và thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời xã. Cuộc khởi nghĩa giành toàn thắng, cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp đường quê, ngõ xóm ở Minh Lãng. Tháng 10/1945, Chi bộ Nội Lãng (tiền thân của Đảng bộ xã Minh Lãng) được thành lập đã soi sáng con đường cách mạng của làng quê bên sông Trà Lý.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Minh Lãng đã đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm và là một trong những xã dẫn đầu huyện Thư Trì về số “cơ sở nổi” nuôi giấu hơn 1.000 cán bộ, bộ đội. Trong kháng chiến chống Mỹ, Minh Lãng có gần 2.600 thanh niên xung phong nhập ngũ; 161 người đã anh dũng hy sinh; 27 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm góp phần tích cực cùng quân và dân đánh thắng giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.

Vùng quê đổi mới

Kết thúc hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ xã Minh Lãng tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Những năm đầu thực hiện sự nghiệp đổi mới, xã chú trọng đổi mới hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, tập trung phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là nghề thêu ren truyền thống và từng bước mở rộng các ngành nghề thương mại, dịch vụ. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Những năm gần đây, xã chú trọng đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Xã tạo điều kiện và vận động nhân dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô, phát triển nghề thêu truyền thống. Đặc biệt, với lợi thế tuyến tỉnh lộ 454 chạy qua địa bàn, nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển nhiều loại hình thương mại, dịch vụ như xay xát, kinh doanh dịch vụ ăn uống, tiêu dùng, may mặc… Ngoài ra, xã phối hợp với các doanh nghiệp tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt người dân xuất khẩu lao động mang lại nguồn thu nhập cao cho các gia đình. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã đạt bình quân 10%/năm; tỷ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp chiếm 60%, thương mại, dịch vụ chiếm 22%, nông nghiệp giảm còn 18%; nghề thêu truyền thống tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 3.000 lao động trong và ngoài xã, doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Song song với phát triển kinh tế, Minh Lãng đầu tư mạnh mẽ thay đổi diện mạo quê hương. Đảng bộ xã lãnh đạo cán bộ, nhân dân 7/7 thôn chung sức đồng lòng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua, Minh Lãng đã tiếp nhận trên 2.000 tấn xi măng xây dựng gần 15km đường giao thông nông thôn và đường trục chính nội đồng; huy động tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 8 tỷ đồng và 25.000 ngày công, hoàn thành 100% tiêu chí, về đích nông thôn mới năm 2015. 100% các công trình: trạm y tế xã, trường học, nhà văn hóa thôn, sân thể thao... đã đạt chuẩn quốc gia, chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn Minh Lãng ngày càng khang trang, hiện đại. Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn đã sử dụng nước sạch, 98% số hộ có thiết bị nghe nhìn, xe máy; hàng trăm hộ có điều kiện mua sắm xe ô tô, xây dựng nhà cao tầng, biệt thự. Xã có 85% số hộ, 100% số khu dân cư đạt danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt.

Ông Phạm Mạnh Đảng, nguyên Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Minh Lãng giai đoạn 1948 - 1951 chia sẻ: Nếu trước Cách mạng Tháng Tám, Minh Lãng có hàng nghìn người chết đói, thậm chí thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ xã vẫn còn nhiều hộ đói ăn, túng thiếu, cực khổ, đời sống vật chất và tinh thần của hầu hết người dân còn khó khăn thì đến nay Minh Lãng đã vươn lên trở thành một trong những địa phương có kinh tế - xã hội phát triển thuộc tốp đầu của huyện. Có thể so sánh làng quê Minh Lãng trước kia là một bức tranh với một mảng màu tối bao trùm thì nay đã trở thành một bức tranh tươi sáng, giàu sức sống. Được chứng kiến quê hương đổi mới, văn minh, bản thân tôi rất tự hào và phấn khởi, càng ghi nhớ công ơn của Đảng, của cách mạng.

Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những xưởng thêu ren, sản xuất hàng may mặc nhộn nhịp, cửa hàng kinh doanh sầm uất không chỉ là diện mạo mới của nông thôn Minh Lãng ngày nay mà còn là minh chứng cho ý chí bền bỉ, tinh thần đoàn kết vươn lên dựng xây cuộc sống mới của cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây.

Quỳnh Lưu