Thứ 2, 25/11/2024, 01:50[GMT+7]

Gặp người đầu tiên chỉ huy bắn rơi B52 trên đất liền

Thứ 2, 23/10/2017 | 09:08:12
2,982 lượt xem
Đó là Trung tá, cựu chiến binh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 263 Nguyễn Văn Tích, năm nay đã 87 tuổi - một chỉ huy tên lửa xuất sắc bắn hạ nhiều pháo đài bay B52 và máy bay không người lái của giặc Mỹ, góp phần làm rạng danh bộ đội tên lửa anh hùng. Tôi gặp ông vào những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/2017, cũng đúng vào dịp ông được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi đảng.

​Các chiến sĩ Tiểu đoàn 44, Trung đoàn tên lửa 263 luyện tập.

15 tuổi tham gia cách mạng

Cách đây 72 năm, trên mảnh đất Kiến Xương, 15 tuổi, Nguyễn Văn Tích đã cùng đội quân cách mạng vào giành chính quyền phủ huyện rồi hăng hái tham gia đội nông dân cứu quốc, đội du kích xã.

Người cựu chiến binh cũng không thể nào quên, vào một buổi tối tháng 10/1950, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tích bí mật gia nhập Đại đội Đề Thám tỉnh Thái Bình, đêm đêm cùng đơn vị phục kích bốt địch ở khu vực bến đò Nhật Tảo, huyện Hưng Nhân để bảo vệ lực lượng chuyển thóc gạo vào chiến khu và đưa vũ khí về tỉnh.

67 năm đã đi qua, người chiến cựu binh vẫn nhớ như in lời hứa bằng thơ của xạ thủ Nguyễn Văn Tích với “người bạn súng máy”: “Súng máy, súng máy, súng máy/Anh với tôi đoàn kết chặt như thành/Khi ra trận tuyến ta cùng tiến/Cùng sát bên nhau lập chiến công”. Ông tâm sự, ông luôn quyết tâm, vâng lời Hồ Chủ tịch, kiên trì rèn luyện để trở thành Bộ đội Cụ Hồ sáng về phẩm chất, giỏi về kỹ chiến thuật.

Và ông đã hoàn thành xuất sắc lời hứa, hơn một năm quân ngũ, 22 tuổi đời, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp quân khu, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba và Huân chương Chiến sĩ hạng Hai. Đặc biệt, ông còn được nhận Huy hiệu của Bác Hồ.

Nhận lẵng hoa cuối cùng của Bác

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông chuyển sang lực lượng pháo binh và là Đại đội trưởng Đại đội 12, Lữ đoàn 368, được cử sang học tại Trung Quốc.

Mỹ đánh bom ác liệt miền Bắc, Lữ đoàn 368 giao cho ông phụ trách Tiểu đoàn pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội rồi chuyển sang làm tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn tên lửa 261. Và sự kiện dấu ấn, năm 1967, ông được sang Liên Xô học về tên lửa, trở về chỉ huy Tiểu đoàn tên lửa 56 bảo vệ Thủ đô.

Chiến công đầu tiên của Tiểu đoàn 56 là ngày 2/1/1969 bắn hạ 1 máy bay không người lái 147J của Mỹ khi vào thám thính Hà Nội. Và từ ngày 2/1 đến ngày 28/8/1969, Tiểu đoàn 56 đã ấn nút là tiêu diệt địch với 4 trận đánh xuất sắc bắn rơi 4 máy bay không người lái, góp phần bảo vệ Thủ đô. Trong cuốn lịch sử Trung đoàn có những dòng ấn tượng: “Kết quả rực rỡ đó làm cho Tiểu đoàn 56 trở thành đơn vị dẫn đầu trong bảng vàng chiến công đánh máy bay địch không người lái của Trung đoàn. Những kinh nghiệm quý báu của Tiểu đoàn 56 đã được Ban Tham mưu Trung đoàn tổng hợp, biên soạn thành tài liệu và phổ biến cho các đơn vị. Trung đoàn còn phát động phong trào “Học tập, thi đua lập thành tích đánh máy bay trinh sát với Tiểu đoàn 56”.

Người cựu chiến binh rất xúc động nhớ lại, dù đang trên giường bệnh, nghe tin bắn rơi máy bay trinh sát Mỹ, Hồ Chủ tịch vẫn gửi lẵng hoa động viên cán bộ, chiến sĩ. Ngày 30/8/1969, Sư đoàn phòng không 364 nhận lẵng hoa của Bác rồi chuyển xuống Tiểu đoàn 56. Cả Tiểu đoàn vui mừng khôn tả nhưng không ngờ đây cũng là lẵng hoa cuối cùng của Bác. Mấy ngày sau được tin Bác mất, cả Tiểu đoàn 56 đứng lặng trước lẵng hoa Bác tặng, nước mắt lưng tròng.

Bắn hạ nhiều pháo đài bay

Trước yêu cầu của chiến trường miền Nam, với tinh thần “hướng ra chiến trường”, Trung đoàn tên lửa 263 (lúc này ông Nguyễn Văn Tích là Trung đoàn phó) được lệnh cơ động vào Nghệ An. Trung đoàn đã đánh nhiều trận, có những trận rất ác liệt, bắn rơi nhiều máy bay phản lực Mỹ, bảo vệ an toàn các mục tiêu ở Vinh và sân bay Anh Sơn.

B52 là máy bay ném bom chiến lược có thể mang đến 30 tấn bom, bay liên tục 21 giờ, bay cao đến 20km, bay xa 20.000km không cần tiếp nhiên liệu, trang bị hiện đại và được coi là “bất khả chiến bại”. Mặc dù đã được học tập, huấn luyện đánh B52 từ nhiều năm trước nhưng thực tế những ngày đầu chiến đấu vẫn chưa hạ được B52. Nguyên nhân chủ yếu do nhiễu của B52 có cường độ rất lớn, rất khó phát hiện, chưa kể các lực lượng máy bay gây nhiễu bảo vệ vòng ngoài cho B52.

Nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, rút kinh nghiệm sâu sắc, kiên trì tìm ra những bí quyết từ thực tế chiến đấu ác liệt, ông đã cùng lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tên lửa 263 lập công xuất sắc, hạ gục nhiều máy bay Mỹ. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tích hào hứng nhớ lại những trận đánh thắng B52 liên tiếp của Trung đoàn tên lửa 263. Dưới mưa bom bão đạn của địch, 4 giờ ngày 12/10/1972, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Quảng trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 43 phóng 2 quả đạn vào tốp B52, bắn hạ 1 chiếc; 21 giờ 44 phút ngày 22/11/1972, được Đại đội 45, Trung đoàn ra-đa 291 bảo đảm thông tin tình báo, Trung đoàn phó Nguyễn Văn Tích cùng Phó Chính ủy Cù Sĩ Điện trực tiếp chỉ huy Trung đoàn đánh B52 khi chúng oanh tạc khu vực Đô Lương, Thanh Chương (Nghệ An). Nhận lệnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 44 Phan Huy Chung ra lệnh phóng 2 quả đạn vào tốp 157 có 3 chiếc B52 và đã bắn rơi 1 chiếc. Chỉ 4 phút sau, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Thôi Ba, Tiểu đoàn 43 phóng 2 quả tên lửa như xé trời hạ gục 1 pháo đài bay B52, buộc phía địch phải công nhận: “Một chiếc B52 đã bị tên lửa Bắc Việt bắn trúng và rơi xuống biên giới Lào - Thái Lan”. Như đánh giá trong cuốn lịch sử Trung đoàn tên lửa 263, đây là chiếc máy bay B52 bị bắn rơi trên đất liền đầu tiên của bộ đội tên lửa, là chiến công đặc biệt xuất sắc, sự kiện lịch sử huy hoàng nhất của Trung đoàn.

Ngay sau những chiến thắng giòn giã này, Bộ Tổng tư lệnh đã gửi điện khen Quân khu 4 đánh giỏi, liên tiếp đánh thắng, tiêu diệt nhiều máy bay và tàu chiến Mỹ..., đặc biệt đã bắn rơi 2 chiếc B52.

Vuốt mái tóc trắng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tích kể tiếp: Sau trận đánh, Trưởng ban Tác huấn tên lửa Sư đoàn 361 Hoàng Bảo đã trực tiếp điện cho Trung đoàn tên lửa 263 để nắm thêm các chi tiết như diễn biến trên màn hiện sóng, đặc điểm tín hiệu B52 trên nền nhiễu, thời cơ chuyển phương án điều khiển... Từ những thông tin quý giá này, cơ quan tham mưu tác chiến Sư đoàn đã nghiên cứu, bổ sung vào phương án đánh B52 bảo vệ Thủ đô Hà Nội, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy “Điện Biên Phủ trên không”.

Cũng sau thất bại cay đắng này, Mỹ huy động toàn bộ lực lượng không quân chiến thuật và máy bay B52 tiếp tục đánh phá ác liệt Quân khu 4. Trung đoàn phó Nguyễn Văn Tích cùng toàn Trung đoàn lại tiếp tục đánh B52, bảo vệ con đường huyết mạch chi viện cho miền Nam. Những chiến công lại nối tiếp, 4 giờ 34 phút ngày 4/1/1973, bằng quả đạn chính xác, Tiểu đoàn 41 đã vít cổ chiếc B52. 6 ngày sau, Tiểu đoàn 56 lại bắn rụng 1 chiếc B52 khác. Chưa dừng lại, 3 giờ 12 phút ngày 14/1, Tiểu đoàn 43 và Tiểu đoàn 56 tập trung hỏa lực tấn công tốp B52 và đã xóa sổ thêm 2 pháo đài bay. Đây cũng là 2 chiếc B52 bị bắn rơi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau chiến công này, Trung đoàn phó Nguyễn Văn Tích được bổ nhiệm Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 263.

Tham gia giải phóng miền Nam

Ngày 24/2/1975, Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Tích nhận lệnh đưa Trung đoàn tên lửa 263 hành quân vào Nam Lào, từ đó vào chiến trường miền Nam cùng các lực lượng sẵn sàng chiến đấu nếu không quân Mỹ can thiệp trở lại.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn tên lửa 263 theo hướng Bắc - Tây Bắc tiến công vào Sài Gòn. Người cựu chiến binh 87 tuổi không bao giờ quên, sáng sớm ngày 28/4 ông trịnh trọng phổ biến mệnh lệnh tổng công kích của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Ngày 30/4, khi Trung đoàn vượt sông Bé thì được tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ngày 1/5/1975, Trung đoàn đã có mặt ở tổng hành dinh của chính quyền Việt Nam cộng hòa.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tích tâm sự, dù không có thời cơ nổ súng nhưng lại vui vì sự có mặt của Trung đoàn tên lửa 263 - lực lượng phòng không hiện đại sẵn sàng đánh địch ở tầm cao và tầm xa tạo thêm sức mạnh cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 15/5/1975, Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Tích vinh dự được trên xe chỉ huy dẫn đầu Trung đoàn tên lửa tham gia diễu binh chào mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Người cựu chiến binh gương mẫu

Về hưu, 35 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tích liên tục tham gia Bí thư Chi bộ, Phó Bí thư Đảng ủy và hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vũ Quý.

Được biết, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Tích là gia đình cách mạng. Cha ông tham gia cách mạng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba cùng nhiều bằng khen; người em trai là liệt sĩ chống Pháp; người con trai lớn nhập ngũ năm 1968, 20 tuổi được kết nạp Đảng, năm 1971 hy sinh, được tặng thưởng 3 huân chương; người con trai út hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh thương mại tổng hợp Thắng Liên. Mấy năm trước, tình hình biển Đông căng thẳng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tích đã mang 30 triệu đồng từ tiền lương tiết kiệm lên Ủy ban MTTQ tỉnh để chia sẻ với các chiến sĩ hải quân. Ông cũng là một cựu chiến binh tích cực tham gia ủng hộ các phong trào như xây dựng nông thôn mới...

Vào phòng truyền thống của gia đình, nổi bật trên cao là khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cùng rất nhiều hình ảnh kỷ niệm trong hai cuộc kháng chiến của cựu chiến binh Nguyễn Văn Tích trong đó có hình ảnh quả đạn tên lửa vươn mình lên trời xanh - một hình ảnh biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của sức mạnh tinh thần cùng bản lĩnh, trí tuệ tuyệt vời của bộ đội tên lửa non trẻ, của quân đội nhân dân và dân tộc Việt Nam anh hùng.

Ngày 1/2/2002, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đoàn tên lửa 263; Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Tích vinh dự được tặng Huân chương Quân công hạng Ba, 9 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Lã Quý Hưng

Thành phố Thái Bình