Thứ 6, 22/11/2024, 15:29[GMT+7]

Cầu Bo qua phố (Kỳ 2)

Thứ 2, 23/10/2017 | 09:15:17
8,836 lượt xem
Ngày 4/2/1895, Kinh lược sứ Bắc Kỳ sáp nhập làng Kỳ Bá và Bồ Xuyên (làng lúa, làng hoa) vào phủ Kiến Xương, lập thị xã Thái Bình.

Một góc phố Lê Lợi, thị xã Thái Bình những năm cuối thế kỷ XX.

Kỳ 2: Đệ Nhất phố

Ngày 4/2/1895, Kinh lược sứ Bắc Kỳ sáp nhập làng Kỳ Bá và Bồ Xuyên (làng lúa, làng hoa) vào phủ Kiến Xương, lập thị xã Thái Bình. Ngày 20/1/1906, Thống sứ ra Nghị định hoạch định chu vi thị xã; ngày 20/10/1932 ra Nghị định điều chỉnh ba con đường cho thẳng phố Đệ Nhất nằm ở phía Bắc, người Tây gọi là Duyn-pic-kê, chạy qua cửa đền Mẫu, hay còn gọi là phố Mẫu (nay là phố Lê Lợi). Phố ấy nhiều cỏ cây, gió lá đầy vẻ suy tư bởi đền Mẫu lúc nào cũng hương khói mơ màng với tiếng đàn giọng hát. Phía Nam gọi là Đệ Nhị, Tây gọi là Ác-măng-rút-xô, có nhà Vọng Cung, nơi Nam Triều tế lễ vào các ngày sóc vọng. Cửa Vọng Cung có bụi tường vi, quanh năm hoa nở như những cụm mây màu hồng nhạt. Một vài gốc đào cuối tháng Giêng hoa chưa nở hết. Cây mơ đầu ngõ nhà Vọng quả non phơn phớt lông nhung khiến mấy cô gái dùng dằng không muốn cất bước xa…

Phố Đông mơ mộng nằm từ đền Trần Lãm (sau dinh Công Sứ) ra bờ mương dài 300 mét, gọi là phố Đệ Tam. Ở đấy, cạnh bờ sông bán nhiều tre nứa, còn gọi là phố Giá Nứa. Đệ Tam, phố vắng người thưa...

Từ năm 1954, phố Đệ Nhất đổi thành phố Lê Lợi, Đệ Nhị đổi thành Tô Hiệu, Đệ Tam đổi thành Đề Thám. Theo thông số về Thái Bình (1936), người Pháp khi mới lập tỉnh có 22 khẩu (kể cả vợ con), người Hoa đã có 251 khẩu, hầu hết ở phố Đệ Nhất, phố đó được mệnh danh là phố Khách. Phố Khách chạy từ cầu Bo cũ tới ngã tư gối đầu với phố Hai Bà, chỗ vườn hoa chéo.

Tòa sứ Pháp - Chánh sứ kho bạc - Lục Lộ - Sở Cẩm - Nhà Đoan - Nhà dây thép (Bưu điện) cũng nằm trên phố Lê Lợi. Người đi lễ vào đền hoặc ngồi hầu đồng, hát chầu văn, cầu phúc lộc thường ngâm ngợi câu thơ ai viết: “Mẫu ngồi gương mặt trầm tư thế/Khắc khoải nghìn năm đến bây giờ”. Ông Đào Huấn người Bồ Xuyên trông coi đền, con gái ông Huấn tên là Nga, ngày sóc vọng dẫn đầu đoàn lễ.

Phía tay trái đi từ cầu Bo vào là đền Tam Thánh, sau này cảnh sát Pháp chiếm giữ, rồi đến thời cách mạng công an ở. Trước cửa đền Mẫu và đền Tam Thánh, hàng ngày khách đến lễ thường gặp ông Đàn, người Nam Định, đeo kính đen với cái tráp then sơn ta ngồi trên chiếc chiếu hoa, hai tay lần giở trên hai tờ giấy “tiền” (trang kim) xem bói.

Ông xem “trúng” lắm. Người xem ngày càng đông. Sau năm 1945, có anh cán bộ đằng mình cho bắt ông Đàn vào nơi làm việc xem cho chính mình. Ông Đàn nói: “Tôi xem cho ông nếu không đúng ông cho người bắt tôi vào trại giam. Nếu đúng, ông tính sao”.

“Đồng chí” đó đồng ý. Ông Đàn xem đi xem lại, quả quyết rằng: “Ông chết vào năm 49 tuổi. Chết không trọn vẹn”. Người thị xã ngẫm lại, quả ông đó chết năm 49 tuổi và phải mổ vì bệnh tim. Phải nói ông Đàn là người biết trọng chữ tín, lại thật thà. Cái đó cũng từ văn hóa sống mà ra. Nghe chuyện ông Đàn, thấy sự hiểu biết của mình bằng mắt muỗi còn sự chưa biết như trời sao mênh mông...

*

*      *

Ba cửa hiệu buôn thuốc bắc Đức Mỹ - Đức Xương - Đức Hợp ở liền vách nhau. Chủ hiệu đều từ làng Đa Ngưu, Văn Giang, Hưng Yên chèo thuyền chạy lụt sang Thái Bình mở hiệu buôn thuốc sinh sống.

Những cửa hiệu lớn của người Tàu ở xen kẽ với các hiệu buôn lớn Tế Xương - Tiến Đức - Hàn Bản - Nghị Luận đều nằm trên phố Lê Lợi cùng với cửa hàng người Pháp Ba-rông (Baron) bán bia chai, nằm sát Trường Thành Chung - Trường Mẫu (Modele).

Theo cụ Đức Phúc, số nhà 527 phố Lý Bôn - con trai cả cụ Đức Mỹ người phố Lê Lợi, hồi nhà cụ chạy sang thị xã chưa có mấy người. Dân chủ yếu là người Tàu chạy loạn. Đất rộng, ai muốn ở đâu cắm cọc chăng dây dựng nhà mà ở, không phải tranh đoạt đất đai của nhau. Đất là thứ vô chủ, ai thích thế nào tùy ý. Dân Tàu đặt đòn gánh lên vai, hoặc bỏ đòn gánh xuống đều tìm cách mở hiệu. Vốn to sạp to, vốn nhỏ sạp nhỏ, không vốn đi bán hàng rong như pháo sáng, ô mai, nước thạch găng, kẹo… Có anh chỉ vài trăm hạt lạc rang, vài gói ô mai cũng mở cửa hàng hoặc khoác đi rong trên phố. Họ thạo việc, không chịu ngồi yên nên chỗ anh Tàu ở bao giờ cũng đông vui sầm uất, nhiều tiếng cười nói, đèn đuốc dập dìu.

Người ta nhớ, phía tay phải phố Lê Lợi có nhà buôn Quảng Nghĩa Hòa - nhà buôn Hậu Hưng - nhà Di Hưng Long (bán tạp hóa) - nhà Hiền Kí - hiệu Phúc Kiến - hiệu Kì Xưng Cư (hay gọi tửu lầu) - hiệu Vạn Phát Tường. Chỗ giáp đài truyền hình có nhà Tống Sáng buôn rượu rồi đến nhà tiệc Tàu. Trong phố có bà Dân Tàu ăn chơi nổi tiếng. Kế bên nhà Chấn Sinh Đường chuyên bán thuốc bắc, hiệu Cát Tường chuyên bán vải. Hiệu Lim Tan (người Phúc Kiến) bán đồ hộp, rượu tây. Hiệu Vạn Phát Tường chuyên làm bánh trung thu, nặn lợn bột nướng, kết đèn kéo quân.

Hàng của Vạn Phát Tường nổi tiếng, lan sang cả Nam Định, người ta biết đến ông Vạn Phát Tường đâu phải là môi lưỡi chào mời. Ông không mang thân xác của mình ra giễu cợt bằng sự giả dối với đời. Tiếng nói chất lượng là hàng hiệu. Ông Tường chết, bà vợ một tay chèo chống vẫn giữ được gia sản kếch sù cho tới lúc rời khỏi Thái Bình.

Mấy anh “Tàu vô sản” nghèo nhảy ra làm nghề phu kéo xe, nổi tiếng là Thọ Tàu, tính nết hiền lành, chăm chỉ, biết chăm lo cái đệm cho khách mỗi khi họ ngồi lên xe mình. Đệm dù có rách đôi ba miếng nhưng lúc nào cũng sạch, không hạt bụi.

Anh Phoóc Tàu ở cuối đường làm thủ môn bóng đá, các cuộc đấu ít khi anh để bẩn lưới.

Dân cư phố Đệ Nhất thường nhắc đến Tống Sáng. Ông ta từ Đống Năm chạy về mở cửa hàng rượu, hai vợ chồng đều trẻ đẹp, nghe đâu ông là con nghiện nặng, cũng là tay chơi đáo để. Căn nhà Tống Sáng nghe nói trước đẹp như cánh chim bay, sau này trở nên túng bấn xập xệ, đứng chơ vơ trong gió như cái tổ quạ ở sát vườn hoa chéo.

Thuốc Tống Sáng dùng vào loại tốt của người Tày từ ngược chuyển về. Họ Tống lúc nào cũng cầm quạt thong thả dạo chơi trong vườn rộng, đầy cây xanh. Ông ta mặc áo “xường xám”, đội mũ gấm đen, có quả bông đỏ trên chóp. Hàng ngày nắm tay vợ dắt vào thư phòng. Bà mặc quần thoa, áo đẹp, cổ đeo vòng bạc thường có con A Đẩu theo sau rập đầu nghe sai bảo. Cuộc sống sớm sớm hàn thực, tối tối nguyên tiêu, thoắt cái đã bước vào cảnh khốn khó. Những năm gia cảnh tiêu điều, ông vẫn ăn mặc như thế nhưng cái áo đã đổi màu, da mặt Tống Sáng đâu còn là “Tống Sáng”. Có mấy quả bầu nậm treo trên giàn ngoài sân, cứ sáng ra lão cắt xuống sai gia nhân cho vào nồi luộc, cả nhà xúm xít bốc chấm muối vừng ăn trừ bữa, không còn cảnh tối tối đưa ông lên giường, cởi áo ngủ, không còn cảnh bà Tống sớm sai bày rượu và món canh nóng tự thân bà đi vào thư phòng lên tiếng mời ông.

Lúc còn máu mặt, lão nằm kéo thuốc, chuột từ góc nhà chạy ra ngửi mùi thuốc rồi quen, chuột cũng nghiện. Có lúc nó tìm cách rúc vào người lão kêu rinh rích, đuổi không chạy. Lão bảo vợ con: “Chuột cười ta đấy!”. Trong nhà lão nuôi con sấu cá bạc má, cổ dài, mỏ nhọn. Họ Tống làm dáng cho con sấu bằng sợi dây vải lanh đỏ buộc ở cổ. Loại chim này mỗi vùng miền có tên gọi riêng, có nơi còn gọi là con cốc, “cốc mò cò ăn”.

Nhiều thuyền chài cũng nuôi sấu cá, nó là con vật gần gũi, trung thành với chủ. Chủ đi trước, với đôi chân cao ngẳng “tớ” dò dẫm theo sau. Chủ ngồi ăn cơm, “tớ” ngồi cạnh đớp ruồi. Ở Bến En (Thanh Hóa) hiện nay còn vài con sấu cá được vợ chồng lão chài nuôi cẩn thận.

Có người kể sông Ly thuộc Quế Lâm, Trung Quốc cũng có loại chim bắt cá. Nó chẳng khác gì sấu cá bên ta. Khi bắt được cá dưới sông nó không ăn. Chim bay lên đậu trên cành cây ngân hạnh, nhả cá xuống cho người đi qua. Ai nhặt được con cá đó coi là điều may mắn, gặp khách sang trọng nấu cá đãi đằng. Nên tài tử giai nhân các nơi đến đều muốn về Quế Lâm, mong được ăn cá sông Ly. Một lần được làm người sang trọng.

Sấu cá bao giờ cũng đỗ ở đầu thuyền, phóng mắt xuống nước sâu một vài mét. Khi phát hiện mồi nó như con cắt lao xuống dùng mỏ cặp cá bay lên. Con nhỏ ăn ngay, con lớn mang về cho chủ bởi trong cổ sấu cá có chiếc xương vòng tròn nên không nuốt được cá lớn. Loài chim này thường ở đầm hoang kiếm sống, khi bắt được cá to thường nhường cho bác cò trắng nên mới có câu ca trên để người đời nói về sự bất công trong xã hội.

Sấu cá Tống Sáng nuôi to con, màu đen, bạc má, chẳng bao giờ xa chủ. Nhiều bữa đồ đánh nhắm của Tống Sáng do sấu cá mò về, có hôm miệng sấu cá cặp cá bay tới đầu sân, con mèo định “cướp” nó liền vọt lên ngọn cây đậu chờ Tống Sáng bước ra sân mới sà xuống nhả cá cho chủ.

Đầm lầy chung quanh thị xã vô chủ, cá tôm nhiều vô kể. Sáng nào sấu cá cũng đi kiếm mồi sớm, gần trưa mới bay về. Ngày ngày sấu cá lần mò chăm chỉ như thế. Chẳng biết tại sao? Sau này sấu cá không kiếm được mồi, họ Tống tức giận đuổi đi, cũng không dám ra tay đập nó. Chủ tớ chia tay nhau trong cảnh bần hàn. Đi nhưng vẫn nhớ mùi thuốc, có sáng nhớ chủ bay về đậu trên ngọn cây thầu dầu trước ngõ. Tống Sáng sai con vác sào đập đuổi. Sấu cá giận bỏ đi hẳn...

(còn nữa)

Ký của nhà văn Võ Bá Cường


  • Từ khóa