Thứ 6, 22/11/2024, 22:08[GMT+7]

Người mang nước sạch về nông thôn

Chủ nhật, 05/11/2017 | 11:54:34
1,114 lượt xem
Từng học tập ở Liên Xô, công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, nhưng cuối cùng ông Ngô Văn Dũng (phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) chuyển hướng đầu tư nhà máy cấp nước sạch sinh hoạt, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân nông thôn và doanh nghiệp của mình.

Ông Ngô Văn Dũng kiểm tra quy trình vận hành Nhà máy nước Bách Thuận.

Ông Ngô Văn Dũng chia sẻ: “Trong 7 năm (1967 -1974), tôi được Nhà nước cử sang Liên Xô học ở Trường Đại học Bách khoa thành phố Khác cốp - Cộng hoà Ucraina. Lúc ấy, Đất nước ta đang trong hoàn cảnh chiến tranh, nhiều bạn bè phải ra chiến trường thì mình may mắn được ra nước ngoài học tập, nên tôi tự nhủ phải luôn nỗ lực hết mình, đạt kết quả học tập cao, trở về xây dựng quê hương. Một may mắn nữa với tôi, trong những năm tháng ở xứ sở Bạch Dương là học được ở các thầy, các bạn và người Nga đức tính trung thực, thật thà, cách ứng xử vui vẻ đôn hậu, luôn trách nhiệm và sáng tạo trong công việc. Điều đó đã giúp tôi rất nhiều trong công việc sau này”.

Công tác ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước và quân đội, ở cương vị nào ông Dũng cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với mong muốn tiếp tục góp sức mình xây dựng quê hương, năm 2005, sau khi nghỉ chế độ hưu trí, ông đã thành lập Công ty TNHH Thái Hiệp Hưng chuyên sản xuất giấy và bao bì cát tông, tạo việc làm cho trên 120 lao động. 

Đến khi tỉnh có chủ trương thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn, năm 2014 Công ty CP Đầu tư phát triển doanh nghiệp Thái Bình do ông làm Chủ tịch Hội đồng quảng trị đã nhận chuyển nhượng của tỉnh và tiếp tục đầu tư, đưa Nhà máy nước Vũ Tiến vào hoạt động. Năm 2015, ông thành lập Công ty TNHH Cấp nước Bách Hưng Phát do ông làm giám đốc, mua lại Nhà máy nước Bách Thuận đang đầu tư dở dang của một đơn vị khác để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện và cấp nước cho nhân dân 2 xã Bách Thuận và Dũng nghĩa. Năm 2016, tỉnh lại giao cho công ty của ông đầu tư mới dự án xây dựng Nhà máy nước Hồng Lý cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân xã Hồng Lý. 

Đến cuối năm 2016, 2 công ty của ông đã hoàn hành 3 nhà máy cấp nước sạch sinh hoạt cho trên 33.000 nhân khẩu (trên 7.200 hộ dân) của 4 xã: Vũ Tiến, Bách Thuận, Dũng Nghĩa và Hồng Lý  (huyện Vũ Thư). Luôn đặt uy tín và chất lượng lên hàng đầu, Công ty của ông cam kết với cấp ủy, chính quyền, người dân các địa phương bảo đảm tiến độ của dự án và trách nhiệm của doanh nghiệp; công khai quy trình công nghệ, quy trình quản lý chất lượng, quy định về quản lý vận hành và bảo dưỡng hệ thống cấp nước, công khai kết quả kiểm tra chất lượng nước và giá bán nước; đồng thời bảo đảm đúng 4 yêu cầu do Nhà nước quy định đối với nhà đầu tư cấp nước sạch là: chất lượng, lưu lượng, áp lực và tính liên tục. Nhờ vậy, tạo được niềm tin cho nhân dân, tỷ lệ hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch của doanh nghiệp ở 4 xã trên đạt trên 95%, cao nhất tỉnh. 

Ông Dũng cho biết thêm: Việc đầu tư các công trình cấp nước sạch cần số vốn ban đầu khá lớn, doanh thu hàng năm lại chưa cao, do mức tiêu thụ nước sạch của người dân nông thôn còn thấp, bình quân mới đạt từ 7 - 8 m3/hộ dân/tháng, nên phải mất từ 10 năm trở lên mới có thể thu hồi được vốn đầu tư. Tuy vậy, nhưng ông khẳng định mình đã đi đúng hướng vì đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá Chương trình nước sạch nông thôn của Nhà nước và chính sách an sinh xã hội của tỉnh, mang lại lợi ích, niềm vui cho người dân nông thôn và đảm bảo hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được ổn định, lâu dài.   

Cách đây 50 năm (năm 1967) khi sang du học ở Liên Xô, ông đã hàng ngày uống nước trực tiếp từ vòi nước công cộng. Ông mong muốn trong những năm tới, còn đủ sức khoẻ để tiếp tục nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ lọc nước công nghiệp hiện đại để có thể cung cấp nước sạch cho bà con bảo đảm uống trực tiếp được.

Ở tuổi 70, không chỉ say sưa, miệt mài kinh doanh, ông Ngô Văn Dũng còn là người tích cực hoạt động xã hội. Hiện nay ông là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội nước sạch tỉnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Nga của tỉnh và tham gia điều hành nhiều tổ chức xã hội khác nữa. 

Với quan niệm “còn sức khoẻ, còn làm việc, còn cống hiến”, ông luôn mong muốn đóng góp công sức, trí tuệ và kinh nghiệm của mình để kết nối các doanh nghiệp, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư và quản trị; kết nối những người từng học tập, lao động, làm việc ở bên Nga và những người yêu nước Nga cùng đoàn kết, chia sẻ, tham gia hoạt động hữu nghị và góp sức xây dựng quê hương Thái Bình ngày càng giàu mạnh.

Nguyễn Hình