Chủ nhật, 29/12/2024, 21:25[GMT+7]

Bóng quê ấm áp Tân Triều

Thứ 2, 20/11/2017 | 10:11:17
2,749 lượt xem
Dân gian truyền tụng về cuộc đời Quốc Thánh hoàng Thái hậu Lê Thị Thái (mẹ Trần Cảnh, tức vua Trần Thánh Tông) luôn gắn bó với quê nhà làng Lê Xá, xã Dương Xá, huyện Ngự Thiên (nay là làng Lê, thôn Dương Xá, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) cả khi Trần Thừa chồng bà vào cung giữ chức Thái úy Phụ chính triều Lý và không lâu sau đó trở thành Thượng hoàng triều Trần thì với trách nhiệm là con dâu cả họ Trần ở hương Tinh Cương bà chấp nhận ở lại quê nhà trông coi mộ phần tổ tiên, thay chồng nuôi con.

Chùa Lê, nơi thờ Quốc Thánh hoàng Thái hậu Lê Thị Thái, phối thờ Thượng hoàng Trần Thừa và Tướng quốc Trần Nhật Hạo.

Trần Cảnh ngự ngai vàng đã phong bà là Quốc Thánh hoàng Thái hậu. Sử sách đánh giá Trần Cảnh là người “Khoan nhân đại độ, sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ dựng cương...” chính là nhờ ở công nuôi dạy của bà.

Sau khi Quốc Thánh hoàng Thái hậu mất, vua Trần Thánh Tông truy tôn bà làm Thuận Từ Hoàng Thái Hậu. Dân làng Lê, thôn Dương Xá truy tôn bà làm thành hoàng làng, lập đền thờ bà, các triều sau đều có sắc phong cho bà là “Uy liệt minh triết dực bảo trung hưng tôn thần”. Bà là con gái Lê Điện, dòng dõi con nhà võ tướng thời Lý ở Dương Xá lấy người con gái họ Phạm ở làng Phạm Xá (nay là khu Đặng, thị trấn Hưng Nhân), dòng họ Phạm Kính Ân, một đại thần hai triều Lý - Trần. Lê Điện đã nhìn nhận đúng mức Trần Thừa là con một phú gia địch quốc có tên là Trần Lý ở Hải Ấp (Canh Tân, Hưng Hà nay) có thế lực trong vùng sớm biểu lộ những khí chất của bậc vương giả, ông đã gả con gái của mình là Lê Thị Thái cho Trần Thừa mong muốn thông qua việc kết duyên của con gái Lê Điện sẽ hình thành mối liên thủ chân kiềng. Sự liên kết giữa họ Lê và họ Phạm rồi Lê với Trần ở đất Ngự Thiên được thiết lập khiến cho Lê Điện có thêm vây cánh và chỗ dựa vững chãi để phò tá họ Trần trong việc gây dựng thanh thế.

Quốc Thánh hoàng Thái hậu Lê Thị Thái có công lao lớn sinh thành bậc quân vương Trần Cảnh và các vương hầu được bách tính thiên hạ biết đến nhưng một người có vai trò hết sức quan trọng giúp Thái Tông làm nên nghiệp lớn đó là Thượng hoàng Trần Thừa, mặc dù Trần Thừa chưa bao giờ là vua. Từ nhỏ Trần Thừa đã sống ở ấp Tinh Cương, phủ Long Hưng. Ông là con trưởng của Minh tự Trần Lý, anh ruột Trần Thị Dung và Thái úy Trần Tự Khánh. Trong các con của Trần Lý, ông là người được học hành chu đáo nhất, được thân phụ ủy thác giao cho việc hương hỏa mộ phần, dạy bảo các em. Phàm các việc lớn của Hoàng hậu Trần Thị Dung ở trong cung, của Trần Tự Khánh trên chính trường đều có ông đứng sau. Khác với Trần Tự Khánh, Trần Thừa thâm thúy, cẩn trọng trong mọi hành tung, đã quyết phải làm, làm phải chắc thắng. Vì vậy, sau sự kiện dẹp loạn Quách Bốc, cả nhà lao vào chính sự, riêng Trần Thừa phải 17 năm sau khi em trai giữ chức Thái úy Phụ chính ông mới nhận công việc Nội thị phán phủ. Ông lấy quận nương Lê thị, con gái Thái phó Lê Điện để kết giao với các đại thần nhà Lý như Thái úy Phạm Kính Ân, Quý Thịnh hầu (cháu vua Lý Cao Tông). Cho con trai trưởng là Trần Liễu lấy công chúa Thuận Thiên để liên gia với hoàng tộc. Khi thanh thế đủ mạnh, mãi tới năm 1223 ông mới thay em giữ chức Thái úy Phụ chính và được vua mến, quần thần trọng, sử cũ ghi: “khi vào chầu không phải xưng tên”. 

Việc Trần Cảnh lấy vua Lý Chiêu Hoàng chắc chắn là mưu lược của ông nhưng mọi dàn dựng thu xếp ông đều kín tiếng phó thác cho em gái (Trần Thị Dung), em họ (Trần Thủ Độ) thi hành. Ngày 21 tháng 10 năm Thiên Chương Hữu Đạo thứ 2 (1225) khi diễn ra sự kiện trọng đại Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, ông cố tình vắng mặt, vẫn vui vẻ chốn điền viên quê nhà ở hương Tinh Cương tỏ ra không quan tâm đến việc đoạt vương triều, đợi đến khi phải có lời thỉnh cầu của trăm quan triều chính, sai sứ về tận phủ đệ Tinh Cương đón rước ông mới “chịu” về giúp con trai trị quốc. Tháng 10 năm Bính Tuất (1226), Thái Tông Trần Cảnh tôn ông làm Thượng hoàng, giữ quyền nhiếp chính, biết cảnh “tân triều” nhiều rối ren ông cố gắng dung hòa mọi mâu thuẫn. Các cựu thần nhà Lý thần phục “tân triều” đều được trọng dụng. Các quan phụng ngự của triều Lý Phùng Tá Chu, Thái úy Phạm Kính Ân đều dần được trao trả tước vị cũ. Quý Thịnh hầu được gia phong tước An Hạ vương, vinh phong quốc tính (mang họ Trần). Lê Tần được dùng làm tướng. Các thổ hào, thổ mục nơi biên cương viễn xứ đều được phép lấy cung nữ triều Lý. 

Để thiết định kỷ cương, giềng mối, năm 1230 ông trực tiếp chỉ đạo biên tập sách Quốc triều thông chế, lại ban bố sách Quốc triều thường lệ. Năm 1232 ông định lại triều nghi, bởi thế trong ngoài danh phận rõ ràng, trên dưới có hàng, mọi phép tắc đều đúng quy củ. Lại đặt ra phép hàng năm hội ở miếu Đồng Cổ, thề “làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần linh sẽ phạt”. Chín năm ở ngôi Thượng hoàng, Trần Thừa tổ chức hai khoa thi lớn để lựa chọn hiền tài: năm 1227 tổ chức khoa thi Tam giáo, năm 1232 mở khoa thi Thái học sinh, chọn được nhiều nhân tài như Trương Hanh, Lưu Diễm, Đặng Diễn, Trần Chu Phổ... 

Do sự tận tụy dạy bảo của Thượng hoàng, Trần Thái Tông mới 8 tuổi đã gánh vác được việc lớn, được sử gia các đời khen là bậc “khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, (có công) lập kỷ, dựng cương... sáng nghiệp truyền dòng”. Ngày 28 tháng 8 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 3 (1234) Thượng hoàng Trần Thừa băng hà ở cung Phụng Thiên, thọ 51 tuổi. Dựa vào tài đức, công lao của ông, đình thần tôn thụy hiệu là “Khai vận lập cực hoằng nhân ứng đạo thần nhân chí đức thần vũ, thánh văn thùy dụ chí hiếu hoàng đế”. Thể theo di chúc, đình thần rước linh cữu về quê, dựng Thọ lăng cạnh mộ phát tích nhà Trần tại Tinh Cương, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng. Các vua đời sau, mỗi lần xuất trận, mỗi lần lập chiến công đều về đây tế lễ. Tuy không làm vua song sử sách vẫn coi ông là Thái tổ, đình thần tôn xưng là Huy Tông, thực sự định vị là người khai vận, lập cực vương triều.

Sử sách ghi nhận, thời Trần có đội quân Tinh Cương hùng mạnh, có kỷ cương phép tắc và ý chí chiến đấu cao là có vai trò quan trọng của Lê Điện, ông ngoại của Trần Thái Tông. Khi họ Trần làm nên nghiệp đế, ông vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông (Trần Cảnh) đã ban phong cho ông ngoại Lê Điện của mình làm quốc trượng. Đất Dương Xá thuộc Tinh Cương được ban cho Trần Nhật Hạo (em Trần Cảnh) làm thái ấp, quốc trượng Lê Điện được ủy nhiệm cai quản điền trang. Vừa canh tác, sản xuất lấy lương thực, Lê Điện còn chú tâm tuyển chọn và rèn luyện gia binh - trang binh để bảo vệ điền trang và chính lực lượng gia binh - trang binh này đã dựng lên đội quân tinh nhuệ, oai hùng nhất triều Trần - đội quân Tinh Cương đánh đông, dẹp bắc.



Ông Trần Hữu Đăng, Bí thư Chi bộ thôn Dương Xá, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà

Làng Lê thuộc thôn Dương Xá, xã Tiến Đức vốn là địa linh, tại đây Quốc Thánh hoàng Thái hậu Lê Thị Thái đã từng sinh ra và lớn lên rồi làm dâu họ Trần, phụng sự gia tiên, tiền tổ phú gia địch quốc Trần Lý. Khi còn sống bà tâm đức xây dựng chùa Lê, khi mất bà được dân làng tôn làm thành hoàng làng. Nhân dân làng Lê, thôn Dương Xá luôn phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến và đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Chi bộ thôn Dương Xá đạt trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền.


Sư thầy Thích Đàm Yên, trụ trì chùa Lê (Đăng Quang tự), thôn Dương Xá, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà

Chùa Lê có tên chữ là Đăng Quang tự, thời nhà Trần được xây dựng nguy nga, lộng lẫy ở đất Dương Xá do chính Quốc Thánh hoàng Thái hậu Lê Thị Thái khởi công. Khi bà mất, dân làng truy tôn bà làm thành hoàng làng, các triều đại phong kiến kế tiếp đều có sắc phong cho bà là “Uy liệt minh triết dực bảo trung hưng tôn thần”. Bà và Thượng hoàng Trần Thừa, Tướng công Trần Nhật Hạo cũng được phối thờ tại đây. Chùa Lê xưa đã bị quân giặc phá, nhân dân đưa bà vào thờ tại hậu cung đình Dương Xá. Nay nơi thờ tự các ngài xuống cấp, nhà chùa kêu gọi công đức thập phương góp tâm xây dựng lại chùa Lê là nơi thờ tự Quốc Thánh hoàng Thái hậu Lê Thị Thái, Thượng hoàng Trần Thừa và Tướng công Trần Nhật Hạo cho khang trang, đẹp đẽ, xứng với công lao lập quốc của các ngài.


Ông Vũ Thành Đồng, làng Lê, thôn Dương Xá, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà

Làng Lê, thôn Dương Xá có rất nhiều ao, hồ. Làng có 4 giáp, cứ vào dịp lễ dân làng 4 giáp làm cỗ cá dâng lên các vua Trần. Lần lượt năm này, giáp này đánh cá ao, hồ trong địa phận mình quản lý, năm sau đến lượt giáp khác. Tương truyền, Quốc Thánh hoàng Thái hậu Lê Thị Thái khi còn sống thường chăm lo sự lệ của làng. Bà bỏ nhiều công sức, tiền của để xây dựng chùa, đình, đền của làng làm nơi tế lễ tổ tông nhà Trần và từ đấy dân làng Lê gìn giữ và duy trì các tục lệ do bà gây dựng và để lại.


Quang Viện

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày