Chủ nhật, 29/12/2024, 21:05[GMT+7]

Ông Vinh “cam canh”

Thứ 6, 24/11/2017 | 08:38:29
2,031 lượt xem
Đó là cách gọi thân mật mà người dân xã Đô Lương (Đông Hưng) dành cho ông Nguyễn Văn Vinh - người hồi sinh mảnh đất cằn cỗi, sản xuất không hiệu quả, trồng cam canh hữu cơ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Vinh thu hoạch cam.

7.200m2 đất cằn cỗi, sản xuất không hiệu quả, không ai muốn nhận để trồng cấy, đã nhiều năm để cỏ mọc um tùm nhưng ông Nguyễn Văn Vinh vẫn mạnh dạn nhận chuyển đổi hết diện tích “bờ xôi ruộng mật” của gia đình để cải tạo làm vườn. Ông đã đầu tư hàng chục triệu đồng cải tạo đất và dày công nghiên cứu chất đất, lựa chọn loại cây trồng phù hợp để đất cằn vẫn cho trái ngọt. Cam canh hiện đang được nhiều người ưa dùng đã được ông chọn để trồng tại khu chuyển đổi. Do đây là cây trồng mới trên đồng đất Đô Lương, lại chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nên những gốc cam đầu tiên của gia đình ông đậu quả ít, năng suất thấp. Không nản chí, ông tiếp tục tìm tòi, học hỏi cách trồng, vun xới cho khu vườn. 

Ông Vinh cho biết: Những ngày đầu bắt tay vào trồng cũng vất vả song hai vợ chồng vẫn động viên cùng vượt khó, tôi phải đi tìm hiểu nhiều nơi, tham khảo qua nhiều kênh thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn khác rồi về áp dụng vào vườn nhà. Nhiều người nói tôi quá mạo hiểm, còn tôi tin “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Vườn cam được ông Vinh trồng từ năm 2013, nay đã cho thu hoạch được vài vụ, vụ đầu ít, năm 2016 với 2.000 cây cam chanh và cam đường ông thu về trên 4 tấn quả, bán với giá 35.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi trên 130 triệu đồng. Vụ năm nay, mưa úng, quả rụng nhiều song mới thu hoạch một nửa vườn đã được trên 2 tấn quả, nếu thu hết vườn năng suất vẫn bằng năm ngoái.

Chia sẻ về cách trồng cam cho năng suất cao, quả ngon ngọt, ông Vinh cho biết: Để trồng cam canh đạt hiệu quả, gia đình đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, bảo vệ từ khâu làm đất, bón phân đến phòng, trừ sâu bệnh; thoát nước tốt; đất được cày ải, phơi nắng rồi mới lên luống. Khi trồng cây, sử dụng phân chuồng hoai mục, gio làm phân bón lót để tăng độ bền cho cây. Để bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng, gia đình chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, bón phân hữu cơ. Đây chính là bí quyết để cam của gia đình ông được các cơ quan, công sở, trường học, người dân đến tận nhà đăng ký mua trước khi thu hoạch hàng tháng. Hiện cam của gia đình ông sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí cung không đủ cầu. Điều này cho thấy mô hình cam hữu cơ của gia đình ông Vinh thực sự hiệu quả.

Ngoài trồng cam lấy quả, ông Vinh còn kết hợp ươm cam giống và một số loại cây ăn quả khác để bán, cũng mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình. Đã có một số hộ nông dân của xã Đô Lương đến tìm hiểu mô hình sản xuất cam hữu cơ của ông Vinh, ông đều tận tình chia sẻ, cung cấp cây giống, đến tận vườn hướng dẫn. Tuy quy mô của các hộ đó chưa bằng vườn cam của ông Vinh song cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt hơn cấy lúa.

Ông Nguyễn Đức Uyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đô Lương cho biết: Nhờ được ông Vinh tích cực chỉ bảo nên đã có một số hội viên nông dân trong xã trồng cam thành công. Đây là mô hình mà chúng tôi đang khuyến khích nhân rộng tại những vùng đất cấy lúa kém hiệu quả.

Trong định hướng sản xuất, ông Vinh mong muốn được thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng cam; hướng dẫn cho nhiều hộ nông dân khác cùng trồng, tiến tới xây dựng thương hiệu cam sạch.

Trung Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày