Thứ 6, 22/11/2024, 22:28[GMT+7]

Én bạc quật cổ pháo đài bay

Thứ 5, 28/12/2017 | 17:22:53
4,136 lượt xem
Bỏ lại sau lưng những ồn ào của phố phường Hà Nội những ngày cuối tháng 12, tôi tới thăm Trung tướng Phạm Tuân trong căn nhà cuối ngõ rộn ràng tiếng chim và rực rỡ hoa phong lan khoe sắc.

Máy bay MiG-21 F96 mang số hiệu 5121 do phi công Phạm Tuân điều khiển bắn tan xác pháo đài bay B.52 đêm 27/12/1972 được trưng bày tại Bảo tàng PKKQ.

Vẫn nồng hậu như xưa, ông niềm nở tiếp chuyện tôi cho dù đang tái phát vết thương cũ trong chiến đấu năm 1972.

Trung tướng Phạm Tuân thuật lại trận không chiến lịch sử, bắn tan xác máy bay B.52 đêm ngày 27/12/1972.

“21 giờ ngày 27/12/1972 tôi được lệnh xuất kích, bay lên thì gặp máy bay F4 của Mỹ hộ tống B.52 trên đầu nhưng không được bắn, phải bay vòng qua. Một lúc sau phát hiện B.52 tôi liền bám theo, khi khoảng cách còn dưới 4km tôi phóng liền 2 quả tên lửa, sau đó kéo máy bay lên và lật ngửa thì nhìn thấy B.52 nổ tan xác trên vùng trời Hòa Bình, câu chuyện đơn giản chỉ có thế” - Phạm Tuân hóm hỉnh khi nhắc lại phút giây đối mặt và hạ gục quân thù cách đây 45 năm.

Trầm ngâm một lúc… ông chia sẻ: Để có giây phút làm nên chiến công ấy phải đánh đổi bằng bao tháng ngày luyện tập, bao cống hiến hy sinh của nhân dân và đồng đội, cùng tiếng gọi của trái tim thôi thúc phải trả món nợ với Tổ quốc khi đất nước bị kẻ thù xâm lăng.

Cuối tháng 12/1972, Tổng thống Mỹ Nich xơn giở chiêu bài cuối cùng trong tuyệt vọng đó là mở cuộc tập kích đường không chiến lược đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng trên miền Bắc. Với tên gọi “Linebacker II”, Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B.52 cùng khối lượng khổng lồ các phương tiện vũ khí hiện đại nhằm đánh hủy diệt, làm tê liệt ý chí chiến đấu của dân tộc ta, buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà chúng đưa ra trên bàn hội nghị tại Paris. 

Khi trực tiếp gặp giặc lái Mỹ bị ta bắt làm tù binh, Phạm Tuân đã hỏi trước khi bay vào Hà Nội chúng nghĩ gì?. 

Câu trả lời là phi công Mỹ hoàn toàn tự tin khi đưa B.52 vào Hà Nội, đối phương luôn tin tưởng MiG-21 và tên lửa Sam-2 của ta không thể đánh được B.52 bởi phi công Mỹ đã luyện tập thành thục các tình huống giả định như ở chiến trường Việt Nam. Do B.52 bay đêm, bằng mắt thường phi công của ta không thể nhìn thấy, thêm vào đó, B.52 được trang bị từ 15 – 17 máy gây nhiễu tích cực và tiêu cực chống ra đa và tên lửa của máy bay MiG cùng nhiều vũ khí tối tân tự bảo vệ khi không chiến. B.52 mỗi khi gây tội ác chúng luôn bay theo tốp và được 1 dàn máy bay hộ tống, sẵn sàng cản trở không quân của ta. Sân bay và phương tiện khí tài là một trong những mục tiêu ném bom của Mỹ hòng làm mất khả năng cơ động chiến đấu của không quân ta. 

Ngay trong đêm 18/12/1972, Phạm Tuân cất cánh từ sân bay Đa Phúc chiến đấu nhưng ông không gặp B.52… liên tiếp sau đó hơn 1 tuần, dù chưa tiêu diệt được B.52 nhưng bộ đội Không quân đã làm tốt nhiệm vụ phối hợp bảo vệ Hà Nội. 

Không quân hoạt động ban đêm làm đội hình địch bị rối loạn từ xa, làm tản nhiễu tạo điều kiện cho tên lửa hạ gục B.52, ban ngày Không quân bay bảo vệ trận địa, giúp các đơn vị phòng không có thêm điều kiện để củng cố đội hình. 

Nhớ lại cảm giác vào thời điểm đó, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ: Từ đầu chiến dịch đến ngày 27/12, Không quân chưa hạ được B.52, mỗi lần cất cánh, đồng đội dưới mặt đất đều động viên, mong mỏi chiến thắng khiến trong lòng ông như lửa đốt. 

Ý chí của bộ đội ta rất tuyệt vời, nhưng chỉ với ý chí không thì chưa đủ, phải vượt khó để tìm ra sơ hở của địch và tiêu diệt địch. Chiến thuật của phi công ta thường là bay thấp kéo cao tiêu diệt địch nhưng khó phát hiện mục tiêu do luôn bị gây nhiễu, khi phát hiện được thì bọn giặc trời cũng nhanh chóng lủi mất. Chỉ còn cách tận dụng tốc độ của MiG-21, đánh vòng từ ngoài, tích lũy độ cao, từ trên cao đánh xuống, cắt đuôi máy bay hộ tống và tìm diệt B.52.   

Chiều ngày 27/12/1972, Phạm Tuân từ sân bay Nội Bài cơ động bay lên sân bay Yên Bái. Trước đó, đây là trọng điểm đánh phá của địch, địch chủ quan tin chắc rằng phi công ta không thể xuất kích được từ Yên Bái.

21 giờ ngày 27/12/1972, phi công Phạm Tuân với số hiệu 361 được lệnh xuất kích, con én bạc MiG-21 F96 mang số hiệu 5121 nổ máy, gầm rú, bay lên xé toang bầu trời tìm diệt pháo đài bay. Theo sự chỉ huy dẫn đường từ mặt đất, Phạm Tuân bình tĩnh và thực hiện chính xác mệnh lệnh, nhanh chóng lấy độ cao, quan sát nhanh màn hình của máy ngắm trên máy bay.

Trong không chiến, nhất là điều kiện bay đêm, thành bại chỉ tính bằng giây, lúc bám theo B.52, tôi rất căng thẳng vì sợ B.52 tắt đèn chạy mất. B.52 có vận tốc 900km/giờ, chậm 1 phút nó đã cách mình 15km, mình không đuổi được. Trước đó, một số phi công đuổi B.52, mồ hôi rơi xuống, lấy tay quệt, khi mở mắt ra thì mục tiêu cũng mất luôn, do đó phải biết chớp thời cơ mới tiêu diệt được địch. Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.

Gặp máy bay F4 của Mỹ nhưng không được phép đánh, Phạm Tuân phải cơ động vòng qua. Sở Chỉ huy thông báo B.52 cách 200km… 150km… 100km… 10km…

Lần đầu tiên thay đổi chiến thuật đánh B.52 nên Sở Chỉ huy liên tục nhắc nhở: Bật tên lửa ở vị trí 2 quả, mở nút phóng tên lửa quan sát… Trên không, Phạm Tuân liên tục trấn an: Các anh cứ yên trí, tôi nhất quyết bắn rơi B.52.

Khi còn cách mục tiêu 4km, từ Sở Chỉ huy, Trung tá Trần Hanh lệnh: 361 bắn, thoát ly bên trái. Phạm Tuân thấy B.52 còn ở xa, đèn chưa rõ lắm nên chờ đợi.

Khẩu lệnh thứ 2, Trung tá Trần Hanh hạ lệnh: Bắn, thoát ly ngay bên trái. Phạm Tuân lại bảo chờ tý.

Đến khẩu lệnh thứ 3: Bắn. Thoát ly ngay. Phạm Tuân kéo máy bay lên, chỉnh điểm ngắm, thấy tín hiệu tên lửa tốt liền phóng 2 quả tên lửa, tiêu diệt B.52, đó thoát ly và hạ cánh an toàn.

Lúc đó ông suy nghĩ gì? Phạm Tuân cười tươi và nói: Chẳng nghĩ gì vì có thời gian đâu mà suy nghĩ. Chỉ biết vượt qua hàng rào máy bay F4 bắn tên lửa như mưa, tìm diệt cho bằng được B.52. Khi hạ được B.52 thì thấy lòng nhẹ nhàng hơn vì đã thực hiện được lời Bác Hồ căn dặn: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B.57, B.52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh… mà đã đánh là nhất định thắng.

Mấy tiếng sau, tin thông báo chính thức Không quân nhân dân Việt Nam đã bắn rơi B.52 của Mỹ được phát đi, Phạm Tuân nhận được bức điện đặc biệt từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng về chiến công đó.

B.52 bị Không quân ta bắn cháy tan xác đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, ngày 27/12/1972 đã trở thành ngày “Điện Biên Phủ trên không” của bộ đội Không quân. Đó là chiến công chung của cả một tập thể anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân vẫn giữ nguyên quan điểm của mình sau 45 năm chiến thắng.

Phía Mỹ và cả thế giới còn chưa hết bàng hoàng khi B.52 bị MiG-21 dưới sự điều khiển của phi công Việt Nam bắn cháy tan xác, thì ngay đêm  28/12/1972, với chiến thuật trên, phi công Vũ Xuân Thiều đã bắn 2 quả tên lửa rồi biến chiếc MiG-21 của mình thành quả tên lửa thứ 3 lao thẳng vào tiêu diệt B.52 và anh dũng hy sinh trên bầu trời Sơn La.

Chỉ trong 2 đêm liên tiếp, 2 pháo đài bay B.52, niềm tự hào của Mỹ đã bị quật cổ bởi những chiếc máy bay MiG-21 bé nhỏ với sự điều khiển của những phi công Việt Nam đầy tài năng và lòng quả cảm.

Từng giữ nhiều trọng trách trong quân đội và 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng, nhưng với Phạm Tuân, quá khứ chỉ là hào quang, điều quan trọng là sống ở hiện tại phải biết trân trọng quá khứ và vươn lên.

Trung tướng Phạm Tuân chăm sóc phong lan trong vườn nhà. 

Sau khi nghỉ hưu, Phạm Tuân “bận hơn” như lời ông tâm sự. Ngoài việc biến nhà mình thành câu lạc bộ bóng bàn để khu dân cư có thêm chỗ tập thể thao mỗi buổi chiều, ông dành thời gian để chăm sóc chim cảnh, hoa phong lan và đi câu cá cùng bạn bè.

Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ: Nếp sống không ngơi nghỉ và cần mẫn như người nông dân, những tố chất đó ông học được từ chính quê lúa Thái Bình, dù ở xa nhưng trong lòng luôn thường trực nỗi nhớ quê hương, giao thông đã thuận lợi nên có thời gian rảnh rỗi ông lại về thăm quê.

Dù đi lại khó khăn nhưng Trung tướng Phạm Tuân vẫn cố đưa tôi đi thăm vườn phong lan và tiễn ra tận cổng khi chiều đã muộn. Cái bắt tay thật chặt theo phong cách nhà binh cùng nụ cười hồn hậu như một ấn tượng khó phai về Phạm Tuân – người anh hùng của những chiến công nhưng vẫn giản dị đậm chất nông dân quê lúa.

 Minh Hưng

 

  • Từ khóa