Thứ 2, 12/05/2025, 12:12[GMT+7]

5 nhà nông trẻ xuất sắc của tỉnh Thái Bình được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ VI năm 2011

Thứ 2, 08/08/2011 | 17:43:58
3,572 lượt xem

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên (áo trắng đứng giữa), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao giải cho các nhà nông trẻ xuất sắc.

 

* Đinh Xuân Khanh, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy trở thành Giám đốc Công ty thu mua chế biến thủy hải sản Thái Thượng Phát khi bước sang tuổi 30. Luôn ấp ủ khát vọng được làm giàu, lập thân lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình, sau vài năm đi làm ăn xa, tích lũy được ít vốn, anh đã trở về quê hương lập nghiệp.

 

Năm 2003, với sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè cộng với nguồn vốn bản thân tích góp, anh đã nhận thầu bến bãi cảng thu mua hải sản của ngư dân để cung cấp cho chủ ao nuôi tôm, cua các tỉnh ven biển từ Thái Bình vào Thanh Hóa.

 

 

Năm 2009, anh thành lập Công ty chế biến sứa biển, xuất sang thị trường Trung Quốc. Do chưa có kinh nghiệm, lại thiếu vốn nên công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng với sức trẻ, trí quyết tâm, sau nhiều lần học hỏi, cải tiến mẫu mã, hoàn thiện quy trình sản xuất, sản phẩm đã được thị trường trong nước và Trung Quốc ưu chuộng. Năm 2010, sản lượng đạt 1.100 tấn, doanh thu trên 1,5 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập từ 1,7- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng.

 

Không những làm kinh tế giỏi, anh còn tích cực tham gia các hoạt động của xã .Là ủy viên Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam xã Thái Thượng, anh cùng với các bạn đoàn viên thanh niên đã và đang tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền vận động bà con nông dân hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi. Bản thân anh đã trao tặng 12 xuất quà cho học sinh nghèo vượt khó của xã, tặng 01 công trình giếng nước sạch cho cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn với trị giá 3 triệu đồng.

 

 

* Trần Quang Phước, xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội năm 2001, có việc làm ổn định ở những doanh nghiệp nhà nước, công ty nước ngoài với thu nhập trên 1.000 USD/tháng nhưng anh đã từ bỏ tất cả để trở về mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” lập nghiệp.

 

Năm 2007, anh đứng ra đấu thầu 2,1 ha đất 2 lúa chua trũng canh tác kém hiệu quả để xây dựng trang trại theo mô hình VAC. Với 1.000 m2 chăn nuôi gia súc, gia cầm: 300 con;  1.000 m2 đào ao thả cá truyền thống; 1.800 m2 trồng rau màu; diện tích còn lại cấy 2 vụ lúa và 1 vụ màu; mỗi năm Phước thu  trên 400 triệu đồng, lãi trên 100 triệu; giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập từ 1,5- 2 triệu đồng/người/tháng.

 

Cũng trong năm 2007, Phước thành lập công ty chuyên kinh doanh về phân bón, thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng/ năm. Bên cạnh đó, anh còn là người đầu tiên ứng dụng giống mới, phân bón mới và đưa thuốc bảo vệ thực vật mới có hiệu quả, phù hợp hơn vào sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng cây trồng.

 

 

Với mong muốn xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, anh đang chuẩn bị thành lập Công ty tư vấn kỹ thuật, nhằm đào tạo về kỹ thuật cho những chủ trang trại, gia trại trong việc phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng tập trung.

 

 

* Phạm Bá Chinh, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư. Năm 2004, khi đang theo học Trường Cao đẳng Hoá chất do hoàn cảnh gia đình anh phải bỏ dở ước mơ trở về quê hương lập nghiệp. Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất ông cha, anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại.

 

Cuối năm 2004, được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của gia đình anh đã chuyển đổi 3.600m2 diện tích đất 2 lúa úng trũng cho năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản. Với 300 triệu đồng vốn huy động từ nhiều nguồn, Chinh đã đầu tư xây dựng chuồng trại, nuôi 50 con lợn thịt, 200 gà và thả các loại cá truyền thống trên diện tích 1.400 m2.

 

Sau một năm, Chinh nhận thấy việc phát triển kinh tế trang trại tổng hợp của mình là có hiệu quả, anh quyết định mở rộng, xây dựng thêm mô hình chăn nuôi hươu, ong và ba ba, nhím sau khi đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm ở  một số tỉnh. Hiện tại, trang trại của anh có trên 100 con lợn, gần 1.000 con gà, 6 con hươu, 35 đàn ong, gần 200 con ba ba, hươu, khỉ và 1.500 m2 thả cá quả; trừ chi phí, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

 

 

Công việc bận rộn là thế, nhưng Chinh vẫn đảm nhận thêm vai trò là phó chủ nhiệm câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế của xã, Bí thư chi đoàn, uỷ viên BCH Đoàn- uỷ viên Uỷ ban Hội LHTN xã. Với mong muốn giúp thanh niên địa phương có thể vươn lên thoạt nghèo, anh đã hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi cũng như tìm thị trường đầu ra cho rất nhiều thanh niên trong xã.

 

 

* Trần Văn Dũng, xã Minh Tân, huyện Hưng Hà. Ngay từ khi còn nhỏ Dũng đã mê nghề đục chạm gỗ và luôn ấp ủ mong muốn được khôi phục và phát triển làng nghề của điạ phương nên sau thời gian theo học nghề từ ông ngoại ở Namon>on> Định, anh đã mạnh dạn mở xưởng đồ gỗ mỹ nghệ thủ công khi mới tròn 18 tuổi. Với tay nghề khéo léo và sự đam mê sáng tạo, luôn nỗ lực học hỏi, năm 2006, anh được tin tưởng giao phụ trách đảm nhận việc tu sửa, làm mới trang trí nội ngoại thất bạc tượng ngai ý tại nhà bái đường Bác học Lê Quý Đông, xã Độc Lập (Hưng Hà).

 

Năm 2009, Dũng phối hợp với giáo sư sử học Dương Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Minh Tường tu sửa, trang trí đền thờ  Hoàng Nghị Đại Vương tại xã Thái Phương (Hưng Hà) và rất nhiều công trình đền, đình, chùa, di tích lịch sử văn hóa trong và ngoài tỉnh.

 

Cùng với đó, anh mở rộng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, thành lập công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Doanh thu năm 2010 đạt 2,4 tỷ đồng, lợi nhuận trên 400 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với thu nhập từ 3- 5 triệu đồng/người/tháng; trong đó có 7 thanh niên khuyết tật.

 

 

Anh chia sẻ: ước mơ lớn nhất là thành lập được trường dạy nghề gỗ mỹ nghệ cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên khuyết tật, gia đình chính sách- giúp họ có việc làm ổn định ngay tại địa phương.

 

 

* Trần Văn Phóng, xã Vũ Đông (Thành phố). Cũng với ước mơ và hoài bão như nhiều bạn trẻ khác, tốt nghiệp THPT, Phóng thi đỗ vào chuyên ngành Hóa trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.  Trở thành nhân viên của Công ty xăng dầu Phú Thọ, nhưng với mong muốn được làm giàu tại quê hương, Phóng đã trở về quê lập nghiệp với 5 triệu đồng vốn khởi nghiệp. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm chưa có, cộng với tác động của dịch bệnh tai xanh nên đã bị thiệt hại gần 100 triệu đồng.

 

Không lùi bước, Phóng quyết tâm làm lại từ đầu, với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, đồng thời mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cuối cùng, trời cũng không phụ lòng người, sau 3 năm nỗ lực, gia trại chăn nuôi của Phóng ngày càng được mở rộng với 25 đầu lợn nái, hơn 200 lợn thịt và hàng trăm gia cầm. Hàng tháng xuất bán ra thị trường trên 5 tấn lợn hơi. Cùng với việc phát triển gia trại, năm 2009, Phóng mở đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý phục vụ bà con trong xã. Sản lượng xuất bán hàng tháng đạt trên 80 tấn hàng. Lợi nhuận năm 2010 đạt trên 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng.

 

Tin: Minh Nguyệt

Ảnh: Thành Tâm

                                                                        

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày