Thứ 7, 23/11/2024, 03:10[GMT+7]

Nén tâm nhang vẫn ngày ngày cháy đỏ

Thứ 2, 29/01/2018 | 09:52:09
1,205 lượt xem
Cứ vào sáng sớm mỗi ngày, anh Đỗ Văn Việt và chị Nguyễn Thị Hiền Trang, nhân viên bảo vệ và phục vụ tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh lại làm công việc quét dọn sân Đền thờ, chuẩn bị hương, hoa, nước, thuốc, lau ban thờ để đón khách thập phương đến tham quan, dâng hương viếng hương hồn hơn 51.000 người con ưu tú của quê hương Thái Bình đã hóa thân cho đất nước trường tồn, cho hạnh phúc nhân dân.

Đền thờ Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Thành Tâm

Trên ban thờ các anh hùng liệt sĩ, những nén tâm nhang ngày tiếp ngày cháy đỏ, mỗi người, mỗi đoàn thể đến đây đều cảm xúc rưng rưng. 

Trong cuốn lưu bút tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi dòng cảm xúc: “Dân tộc Việt Nam đời đời nhớ ơn các bậc tiền bối của Đảng, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các thế hệ người Việt Nam biết ơn và noi theo gương sáng vì Tổ quốc của hơn 51.000 liệt sĩ tỉnh Thái Bình. Thái Bình đã nêu gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cả nước noi theo, hãy sống xứng đáng với các liệt sĩ”. 

Cô giáo Phạm Hồng Hà, Trường THCS Lương Thế Vinh (thành phố Thái Bình) viết: “Chúng con kính mong hương hồn các liệt sĩ, sống khôn, thác thiêng, phù hộ cho Tổ quốc phồn thịnh, độc lập, tự do, kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ chúng con xin được nói lời tri ân các anh hùng liệt sĩ và các gia đình liệt sĩ”. 

Bà Đỗ Thị Thanh Yến, xã Canh Tân (Hưng Hà) có bố là liệt sĩ Đỗ Đức Vinh, sinh năm 1932, hy sinh ở chiến trường Điện Biên Phủ ngày 10/7/1954 viết lưu bút xúc động: “Bố ơi! Sáng nay con đã tới nơi đây, con nhớ bố quá, đã 63 năm nay con không được gọi bố mỗi ngày. Đến nay con đã 69 tuổi rồi…”. 

Chị Đặng Thị Thu Hường, quê xã Đông Quang (Đông Hưng) có ông là liệt sĩ Đặng Văn Mỹ đã đưa cả gia đình đến dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh và cảm xúc: “Hôm nay cả gia đình, gồm các con, cháu về tại đây dâng hương tưởng nhớ ông cùng các liệt sĩ quê hương, chúng cháu tự hào về sự hy sinh của ông cho Tổ quốc trường tồn”. 

Từ quận Long Biên, thành phố Hà Nội, ông Hoàng Văn Liên về Đền thờ Liệt sĩ tỉnh bày tỏ: “Nơi đây hội tụ hồn thiêng của các liệt sĩ Thái Bình, cầu mong hương hồn các liệt sĩ phù hộ cho muôn dân”. 

Chị Nguyễn Thu Huế từ Pháp về nước đến dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh đã viết: “Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng bảo vệ Tổ quốc”. 

Mỗi dòng lưu bút là sự rưng rưng của trái tim người đang sống nói lời tri ân tới lớp cha anh hy sinh máu xương viết nên những trang sử hào hùng bảo vệ tự do, độc lập và mỗi người trong chúng ta khi đọc những dòng này được tạc tại văn bia trước Đền thờ Liệt sĩ tỉnh sẽ nghiệm thêm được chốn linh thiêng bậc nhất Thái Bình: “Hơn 5 vạn người con Thái Bình đã nằm lại chiến trường. Lệ dường khô không thể khóc. Trên 5.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hàng vạn thương binh. Con mất cha, vợ mất chồng, biết bao sinh linh ra đời mang trên mình dị tật… Tội ác chiến tranh, nỗi đau nát ruột, xé lòng, tiếng thét bi ai cảm động trời cao đất thẳm” và “Người còn sống tri ân người đã khuất, người hôm nay ơn đức đấng tiên linh”.

Để có ngày hôm nay, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã không tiếc sức người, sức của đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hơn 40 vạn lượt người con ưu tú của quê hương Thái Bình đã tòng quân ra trận, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Khi đất nước ca khúc khải hoàn, hơn 51.000 người không trở về, họ đã hóa thân cho Tổ quốc trường tồn, hương hồn họ nay trở về hiển linh nơi Đền thờ Liệt sĩ, được tạc vào bia đá để mãi mãi mai sau các thế hệ con cháu phụng thờ.

Khi tôi viết những dòng này gửi Báo Thái Bình thì mùa xuân Mậu Tuất đã cận kề. Một mùa xuân mà hàn thử biểu dự báo sẽ lạnh hơn mọi năm và khi mùa xuân về mọi người hãy dành thời gian đến Đền thờ Liệt sĩ tỉnh để tỏ lòng thành kính tri ân những người đã vì Tổ quốc, vì nhân dân mà hiến dâng trọn tuổi xuân. Một nén tâm nhang, nhiều nén tâm nhang nối nhau thắp ở Đền thờ Liệt sĩ tỉnh để hương hồn các liệt sĩ được sưởi ấm bằng trái tim người còn sống tri ân người đã hóa thân vì mùa xuân đất nước.


Ông Đỗ Năng Hoạt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh

Cứ vào ngày mùng một và ngày mười rằm trong tháng tôi lại đến đây thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ toàn tỉnh và cũng ở Đền thờ Liệt sĩ tỉnh có hương hồn của bác tôi là liệt sĩ Đỗ Ngọc Thư, quê xã Minh Lãng (Vũ Thư). Bác tôi hy sinh năm 1968 trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở chiến trường miền Nam. Mỗi lần đến thắp hương ở Đền thờ Liệt sĩ tỉnh tôi thấy lòng mình thanh thản và nhẹ nhõm.

Chị Nguyễn Thị Hiền Trang, nhân viên phục vụ tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh

Mỗi ngày được làm vệ sinh, quét dọn xung quanh Đền thờ Liệt sĩ tỉnh và trong Đền thờ, chuẩn bị vòng hoa cho các đoàn đến viếng, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất để bằng việc làm của mình thể hiện sự tri ân các anh hùng liệt sĩ của quê hương.

Anh Đỗ Văn Việt, nhân viên bảo vệ tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh

Tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào khi được làm công việc này, mỗi ngày được làm công tác chuẩn bị đón tiếp cán bộ và thân nhân liệt sĩ, các đoàn thể và khách thập phương tới dâng hương, viếng các anh hùng liệt sĩ là tôi làm tròn bổn phận của người trẻ biết ơn các liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.


Anh Nguyễn Tiến Cừ, xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư

Mỗi lần đến thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh, lớp trẻ chúng tôi hình dung được cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Để có cuộc sống hôm nay, dân tộc phải đánh đổi biết bao xương máu. Đây là điểm đến tâm linh bậc nhất của tỉnh, là nơi giáo dục trực quan về truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình mà các trường học, các thầy cô giáo và học sinh cần biết.


Nguyễn Công Liêm

Thành phố Thái Bình