Thứ 4, 01/01/2025, 17:49[GMT+7]

Đầy ắp nghĩa tình trên đất Phú Yên

Thứ 6, 09/02/2018 | 09:03:27
904 lượt xem
Hội hoạt động thiết thực, hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn, góp tiền xóa nhà tạm cho hội viên, chia sẻ niềm vui nỗi buồn.

Ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương.

Tỉnh Phú Yên chính thức thành lập năm 1611, dưới thời vua Lê Thánh Tông. Chủ yếu cư dân phía Bắc tiến về vùng đất phương Nam mở cõi. Riêng người Thái Bình vào đất Phú Yên năm nào chưa thấy sử sách nào ghi. Chỉ biết, năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám thành công người Thái Bình vào Phú Yên làm ăn sinh sống và tham gia đoàn quân Nam tiến chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhưng số lượng không nhiều. Đặc biệt, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, thanh niên quê hương 5 tấn hăng hái xung phong vào Nam chiến đấu và có mặt trên chiến trường Phú Yên với số lượng đáng kể. Những con người quả cảm của Thái Bình đã kề vai sát cánh với quân và dân Phú Yên chiến đấu khi Phú Yên và miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhiều chiến sĩ người Thái Bình đã hy sinh trên đất Phú Yên. Nhiều đồng chí bị thương và bị phơi nhiễm chất độc da cam/Điôxin. Nhiều chàng trai quê lúa đã bén duyên với cô gái quê hương núi Nhạn - sông Đà xinh đẹp ở lại Phú Yên an cư lạc nghiệp. Nhưng số lượng người Thái Bình vào Phú Yên đông đảo nhất là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cấp trên điều động cán bộ các ngành ở Thái Bình tăng cường cho Phú Yên xây dựng và phát triển kinh tế.

Tuy xa quê hương nhưng những người con Thái Bình luôn hướng về cội nguồn trăm nhớ ngàn thương. Họ sống trên đất Phú Yên rất gắn bó và đùm bọc nhau cùng với cư dân nơi cư trú. Họ gặp nhau lần đầu tay bắt mặt mừng như gặp người thân trong gia đình. Đa số mong muốn thành lập hội đồng hương để có cơ hội gặp nhau, dốc bầu tâm sự về tình cảm quê hương. Nắm bắt nguyện vọng thiết tha, chính đáng đó, các ông Đào Duy Cán, Trần Dương Lễ, Đặng Ngọc Dương, Phạm Văn Côi, Nguyễn Trọng Huyền đã tổ chức vận động thành lập Hội, đến tháng 1/2000 Hội đồng hương Thái Bình tại Phú Yên ra đời. Tôn chỉ mục đích của Hội chủ yếu là hoạt động nghĩa tình. Qua 17 năm hoạt động đến nay đã kết nạp được 297 hộ hội viên với 9 chi hội khắp địa bàn của tỉnh, trong đó có 1 chi hội thuộc Trung đoàn không quân 910 có tới 50 người con Thái Bình.

Hội hoạt động thiết thực, hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn, góp tiền xóa nhà tạm cho hội viên, chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Có gia đình khó khăn, cô đơn, việc tang, việc cưới, Hội đứng ra lo liệu tổ chức từ đầu đến cuối làm cho hội viên xúc động, lãnh đạo và cư dân địa phương cảm phục. Có hội viên đi đâu thấy có nghĩa trang liệt sĩ là ghé vào thăm xem có tên liệt sĩ người Thái Bình ghi chép về báo cáo lại cho Hội biết để thông báo cho các gia đình. Đặc biệt những ngày gặp mặt đầu xuân Hội tổ chức đặt vòng hoa viếng nghĩa trang liệt sĩ, đọc lời chúc tết của lãnh đạo tỉnh Thái Bình và tổ chức trọng thể lễ chúc thọ các cụ từ 70 tuổi trở lên, kể cả tứ thân phụ mẫu hội viên không sinh sống ở Phú Yên. Phong trào khuyến học ở các chi hội được quan tâm đặc biệt, tổ chức trao những phần thưởng xứng đáng cho các cháu học sinh giỏi cấp tỉnh và thủ khoa các trường đại học, cao đẳng và các cháu đạt giải thưởng quốc gia. Do đó, các cháu rất phấn khởi. Riêng Báo Thái Bình được bà con đồng hương Thái Bình trên đất Phú Yên hết sức trân trọng, coi đây là món quà quý mà quê hương Thái Bình dành cho những người con xa xứ.

Hội viên coi Hội đồng hương Thái Bình là ngôi nhà chung gắn bó đầy ắp nghĩa tình. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đánh giá Hội đồng hương Thái Bình là hội mạnh nhất, hoạt động có hiệu quả, góp phần xây dựng quê hương thứ hai, nhất là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, coi đây là một điểm sáng cần nhân rộng.

Nguyễn Đắc Tấn

(Hội đồng hương Thái Bình tại Phú Yên)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày