Quỳnh Minh: Trên những chặng đường đổi mới
Mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, cách mạng
Ngày 28/2/1958, xã An Ký (huyện Phụ Dực) có quyết định đổi tên thành xã Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Côi). Khi hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực sáp nhập thành huyện Quỳnh Phụ, xã Quỳnh Minh thuộc địa bàn huyện Quỳnh Phụ như hiện nay. Ngay từ thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, đường lối cách mạng của Đảng “đánh đổ thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do; thực hiện người cày có ruộng” sớm đến và được nhân dân An Ký giác ngộ, vì vậy, phong trào cách mạng tại An Ký đã lan tỏa rộng khắp. Nơi đây là địa bàn hoạt động tin cậy của các đồng chí lão thành cách mạng tiền bối. Tại An Ký đã thành lập an toàn khu, đình An Ký trở thành địa điểm cách mạng, diễn ra nhiều cuộc hội, họp, huấn luyện cán bộ cách mạng giữa lòng nhân dân, được nhân dân bảo vệ an toàn. Trong khởi nghĩa Tháng 8, đội tự vệ và nhân dân An Ký cùng với nhân dân toàn huyện khí thế quật khởi đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân, thanh niên Quỳnh Minh hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc, tham gia dân công hỏa tuyến, phục vụ chiến đấu.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Minh bước vào thời kỳ mới thực hiện hai nhiệm vụ song song: cùng Đảng bộ, nhân dân toàn tỉnh chi viện cho miền Nam đánh Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Thời kỳ này, toàn xã chỉ có gần 3.000 nhân khẩu, chưa đến 700 hộ, diện tích đất canh tác 300ha song khí thế xây dựng chủ nghĩa xã hội cùng với tinh thần “tất cả vì miền Nam thân yêu” đã cổ vũ nhân dân Quỳnh Minh hăng hái thi đua lao động, sản xuất. Từ những năm 1960, Quỳnh Minh là xã dẫn đầu về phong trào hợp tác xã nông nghiệp với trên 90% số hộ trong xã vào hợp tác xã. Nhân dân Quỳnh Minh đoàn kết, cùng nhau mở mang diện tích đất sản xuất, xây dựng hệ thống thủy lợi, tổ chức sản xuất khoa học, hiệu quả sản xuất kinh tế toàn xã có bước phát triển mới.
Tổng kết các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Minh đã đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm; gần 1.000 thanh niên tình nguyện gia nhập quân đội, 68 người đi dân công hỏa tuyến, 205 người đi xây dựng các công, nông trường, xí nghiệp. Đã có 135 người con của quê hương Quỳnh Minh anh dũng hy sinh, xã có 2 lão thành cách mạng, 3 cán bộ tiền khởi nghĩa, 20 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 77 thương binh, bệnh binh.
Đi đầu các phong trào thi đua, vững vàng xây dựng nông thôn mới
Năm 2009, Quỳnh Minh được tỉnh, huyện chọn làm xã điểm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Huynh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trước quyết định này của tỉnh, huyện, Đảng bộ, chính quyền xã đã xác định đây vừa là vinh dự vừa là thời cơ thuận lợi để địa phương tạo bước đột phá, thực hiện cuộc cách mạng đổi mới toàn diện mọi mặt đời sống xã hội địa phương. Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền xã cũng xác định phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, thực hiện trách nhiệm làm điểm cho các địa phương khác học tập, xứng đáng với sự “chọn mặt gửi vàng” của tỉnh, huyện. Song trên thực tế vào thời điểm đó Quỳnh Minh vẫn còn nhiều khó khăn bởi xuất phát điểm của địa phương là xã thuần nông. Làm gì và làm như thế nào? Bắt đầu từ đâu? Trách nhiệm của các ngành, đoàn thể ra sao? Làm thế nào để thay đổi được hệ tư tưởng và những thói quen từ xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, để người dân thực sự trở thành người làm chủ trong xây dựng nông thôn mới? Nhiều câu hỏi được đặt ra và đã được Đảng ủy, ban lãnh đạo xã cùng các ban, ngành, đoàn thể bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ. Nhiều nghị quyết về các vấn đề quan trọng trong xây dựng nông thôn mới đã được ban hành như nghị quyết về việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã điểm nông thôn mới của tỉnh; nghị quyết về lãnh đạo thực hiện dồn điền đổi thửa; nghị quyết về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn; nghị quyết về lãnh đạo thực hiện phong trào văn hóa, công tác dân số, bảo đảm an ninh trật tự… Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, sự hỗ trợ đầu tư từ các dự án doanh nghiệp, sự quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, từng nhiệm vụ, từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.
Người dân Quỳnh Minh đẩy mạnh sản xuất để nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Ban đầu, trong không ít cán bộ, nhân dân còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, coi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của nhà nước, của tập thể. Song với sự định hướng, tuyên truyền tích cực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã, các ban, ngành, đoàn thể, nhận thức của cán bộ, nhân dân từng ngày nâng cao. “Xây dựng nông thôn phải bắt đầu từ nhân dân và phục vụ chính lợi ích của nhân dân”, tinh thần đó thấm sâu đến đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, mọi nhiệm vụ, các bước tiến hành trong thực hiện xây dựng nông thôn mới tại Quỳnh Minh đều được tiến hành công khai, dân chủ, bàn bạc thấu tình, đạt lý từ trong Đảng tới nhân dân. Ví dụ, với công tác quy hoạch, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng cũng như yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, UBND xã đã hợp đồng với Công ty Cổ phần Quy hoạch thiết kế xây dựng Thái Bình xây dựng quy hoạch. Sau khi hoàn thành xây dựng, các bản quy hoạch được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện góp ý, cán bộ, nhân dân trong xã trực tiếp tham gia ý kiến đóng góp, điều chỉnh bổ sung phù hợp sau đó mới được thẩm định, phê duyệt và đưa vào triển khai thực hiện. Đối với nhiệm vụ xây dựng đường giao thông nông thôn, việc giải phóng mặt bằng là một trong những khó khăn lớn nhất. Vẫn với tinh thần dân chủ, đoàn kết, mọi khâu, mọi việc đều để nhân dân biết, bàn bạc, giám sát, tham gia đã nêu cao tinh thần làm chủ và trách nhiệm của cán bộ và nhân dân khi triển khai thực hiện.
Với phương pháp trên, chỉ trong thời gian ngắn, xã đã hoàn thành giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hoàn thành dồn điền đổi thửa, xây dựng nhà văn hóa... Ở 7/7 thôn của Quỳnh Minh đã có 100% số hộ tự nguyện hiến đất, xã hoàn thành 100% đường giao thông trục chính nội đồng, 100% hệ thống giao thông nông thôn, toàn xã không còn nhà dột nát, nhà tạm… Cùng với đó, kinh tế nông nghiệp phát triển, việc tổ chức sản xuất hai vụ lúa đạt 100% cơ cấu giống ngắn ngày, giống chất lượng cao, chăn nuôi phát triển nhanh, cơ giới hóa được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Về tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển khá, nhiều nghề mới được đưa vào địa phương như nghề làm giấy tiền, đan, móc sợi... Năm 2013, Quỳnh Minh hoàn thành 19/19 tiêu chí, là 1 trong 4 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2
Không dừng lại ở những kết quả đạt được, từ năm 2014 đến nay, Quỳnh Minh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xã chú trọng mở rộng diện tích cây màu có giá trị cao như ớt, dưa, bí; mở rộng diện tích cây màu có giá trị bảo đảm đạt giá trị 550 triệu đồng/ha/vụ; mở rộng hệ thống gia trại, trang trại quy mô lớn đến nay đạt gần 70 gia trại, trang trại toàn xã. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng và thực hiện chính sách tạo điều kiện cho các gia đình xây dựng, mở rộng cơ sở sản, xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương. Nếu như năm 2014 tổng giá trị sản xuất toàn xã ước đạt 148,8 tỷ đồng, con số này năm 2015 là 161,6 tỷ đồng thì năm 2017 đã tăng lên 186,3 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế năm 2014, nông nghiệp, thủy sản - công nghiệp - thương mại, dịch vụ tương đương 42% - 41% - 17%, đến năm 2017 chuyển dịch là 38% - 44% - 18%.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Sự khác biệt trong đầu tư phát triển ở Quỳnh Minh so với nhiều địa phương khác là cùng với phát triển kinh tế, xã rất chú trọng, quan tâm đầu tư phát triển văn hóa. Quỳnh Minh chú trọng xây dựng đời sống văn hóa trong nhân dân, các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được xã tổ chức thường xuyên, nhân dân hưởng ứng sôi nổi. Từ năm 2014 đến nay, Quỳnh Minh giữ vững xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, có 7/7 thôn đạt thôn văn hóa, hàng năm có gần 90% số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa. Ba trường mầm non, tiểu học, THCS và Trạm Y tế xã đều giữ vững chuẩn riêng trường mầm non và tiểu học giữ vững chuẩn mức độ II. Kết quả lớn nhất Quỳnh Minh có được hiện nay không chỉ là hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn đổi thay, sản xuất kinh tế có bước phát triển mới mà là tư duy, lề lối làm việc, tập quán sản xuất, nền nếp sinh hoạt đã thực sự đem theo làn gió mới đến với cán bộ, nhân dân địa phương. Không khí vui tươi, phấn chấn trong lao động, sản xuất, tình làng nghĩa xóm chan hòa, nếp sống văn hóa hiện hữu trong mỗi thôn làng, số vụ vi phạm pháp luật được hạn chế. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quỳnh Minh đang tích cực bước sang giai đoạn mới, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2.
Trần Hương - Trịnh Cường
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- Gắn nhiệm vụ công tác công an với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
- Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025
- Kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ