Thứ 7, 23/11/2024, 03:55[GMT+7]

Nấm Quốc Doanh

Thứ 6, 16/03/2018 | 11:02:48
2,628 lượt xem
Hiện nay, mỗi năm anh Doanh thu mua hơn 20 tấn rơm của bà con trong xã để làm nguyên liệu trồng nấm; trong thời gian tới, nếu mở rộng quy mô sản xuất thì lượng tiêu thụ sẽ khoảng 100 tấn rơm/năm, lúc đó, không chỉ bà con có thêm thu nhập mà địa phương không còn cảnh nông dân đốt rơm khói mù mịt trên các cánh đồng mỗi mùa thu hoạch khiến cho không khí ngột ngạt, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Anh Doanh kiểm tra sự phát triển của nấm.

Đang làm dịch vụ sửa chữa xe máy cho thu nhập khá, anh Trần Văn Doanh, thôn Hưng Đạo, xã Bình Định, huyện Kiến Xương bất ngờ chuyển sang nghề trồng nấm. Không chỉ người thân trong gia đình mà nhiều người dân trong thôn không khỏi nghi ngờ anh “đầu óc có vấn đề”. Nhưng bằng sự ham học hỏi, quyết tâm vượt khó, anh đã chứng minh quyết định của mình là đúng với mức thu nhập ban đầu hơn 100 triệu đồng/năm.

Nhớ lại ngày đầu bắt tay vào làm nấm, anh Doanh chia sẻ: Dù đã chuẩn bị sẵn tâm thế và đã nghiên cứu kỹ thuật trồng nấm nhưng rồi ngay vụ đầu năm 2013 vẫn gặp thất bại. Toàn bộ số tiền hơn 100 triệu đồng tích góp sau nhiều năm đổ vào làm lán trại và mua nguyên liệu đã mất trắng vì nấm hỏng. Trong gia đình ai cũng khuyên can không nên tiếp tục làm nấm nữa. Lúc đó cũng thoáng chút nản chí nhưng rồi mình vẫn quyết tâm đứng lên làm lại từ chính sự vấp ngã ấy.

Sau nhiều ngày đêm tự nghiên cứu nguyên nhân thất bại, anh Doanh nhận ra việc làm lán trại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và một số kiến thức trồng nấm nắm chưa vững là yếu tố chủ yếu dẫn đến không thành công. Vào internet đọc, mua sách tự nghiên cứu và đi nhiều nơi tham quan mô hình trồng nấm ở trong Nam ngoài Bắc để học hỏi, anh Doanh đã thấy đủ tự tin để trở về quê hương tiếp tục giấc mơ trở thành triệu phú nghề nấm.

Anh đã động viên, thuyết phục gia đình, vợ con để thế chấp sổ đỏ nhà ở vay ngân hàng 200 triệu đồng và vay mượn thêm anh em, bạn bè gần 100 triệu đồng để đầu tư làm lại toàn bộ lán, mua nguyên liệu, giống và một số thiết bị kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm. Trời không phụ công người, anh Doanh đã thành công với vụ nấm rơm đầu tiên rồi tiếp đến vụ nấm sò. Kết quả bước đầu đã tiếp thêm động lực để anh chuẩn bị mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2014, anh lập dự án xin địa phương chuyển đổi 2.000m2 cấy lúa kém hiệu quả cải tạo làm cơ sở sản xuất nấm Quốc Doanh. Anh Doanh cho biết: Có được vị trí xa khu dân cư, việc trồng nấm sẽ thuận lợi và tỷ lệ thành công cao hơn vì môi trường bảo đảm, tránh xảy ra dịch bệnh do ô nhiễm. Không dừng ở làm nấm rơm, nấm sò, anh Doanh tiếp tục nghiên cứu và trồng thành công mộc nhĩ, nấm mỡ, linh chi cho giá trị kinh tế cao hơn. Hiện mỗi năm anh sản xuất được trên 4 tấn nấm các loại, cho thu nhập trên 100 triệu đồng, trừ mọi chí phí còn lãi hơn 60 triệu đồng/năm. Trong kế hoạch của mình, anh Doanh phấn đấu mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng để đạt giá trị từ 300 - 400 triệu đồng/năm trong một vài năm tới.

Khi được hỏi, điều gì khiến anh quyết tâm theo đuổi nghề trồng nấm, anh Doanh bộc bạch: Ngoài giá trị lợi nhuận từ nghề trồng nấm cao, thị trường ưa chuộng vì đây là sản phẩm nông nghiệp sạch nên đầu ra tiêu thụ thuận lợi thì nghề trồng nấm sẽ giải quyết được sản phẩm phụ dư thừa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, mỗi năm anh Doanh thu mua hơn 20 tấn rơm của bà con trong xã để làm nguyên liệu trồng nấm; trong thời gian tới, nếu mở rộng quy mô sản xuất thì lượng tiêu thụ sẽ khoảng 100 tấn rơm/năm, lúc đó, không chỉ bà con có thêm thu nhập mà địa phương không còn cảnh nông dân đốt rơm khói mù mịt trên các cánh đồng mỗi mùa thu hoạch khiến cho không khí ngột ngạt, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Được biết, anh Doanh đang tham gia Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp của xã Bình Định. Anh rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các thanh niên trong xã để cùng làm giàu; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên dám nghĩ, dám làm và ở lại quê hương lập thân, lập nghiệp, làm giàu cho quê hương. Trần Văn Doanh thực sự là tấm gương vượt khó vươn lên để thanh niên các vùng quê trong tỉnh học hỏi.

Khắc Duẩn