Thứ 7, 04/01/2025, 12:57[GMT+7]

Tài năng, phẩm hạnh của một người thầy dạy vua

Thứ 5, 12/04/2018 | 09:05:50
5,165 lượt xem
Lịch sử văn học Việt Nam từng lưu danh Nguyễn Bảo là một tác gia có đấng bậc nhưng chưa nhiều người biết đến ông là một nhà giáo giàu tài năng và phẩm hạnh đã góp công đào tạo những vị vua sáng, những bậc tôi hiền thời Lê sơ.

Làng quê Phú Xuân (thành phố Thái Bình). Ảnh: Ngọc Linh

Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Bảo (1439 - 1503) sinh tại làng Phú Lạc, nay thuộc xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1472) triều vua Lê Thánh Tông, từng làm quan tới chức Thượng thư bộ Lễ - chức quan đứng đầu quốc gia về văn hóa, giáo dục và một số lĩnh vực xã hội khác. 

Đương thời, Nguyễn Bảo từng nổi tiếng về am hiểu kinh sách và đức hạnh. Trong sách Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn đã dẫn lời Trạng nguyên Nguyễn Trực là khảo quan kỳ thi khoa Nhâm Thìn (1472) khi gặp quan tân khoa Nguyễn Bảo: “Già này chấm văn kỳ đệ nhị, mãi sau được chấm bài của ông, về lời lẽ bài chiếu tài tình... Các sĩ tử không thể theo kịp được. Già này nêu rõ là bài ấy đứng vào hàng văn kiệt tác. Từ nay về sau, nghĩa lý trong kinh sách thánh hiền ký thác vào ông cả”.

Nhờ tài năng và phẩm hạnh của mình, ngay sau khi thi đỗ, Nguyễn Bảo đã được vào làm việc ở viện Đông Các, chuyên soạn thảo chiếu chỉ cho vua, liền đó được thăng chức Tả tư giảng, dạy dỗ thái tử ở Đông cung. Trong số 13 vị thái tử được Nguyễn Bảo dạy chữ, dạy người có thái tử Tranh được nối ngôi vua, miếu hiệu Lê Hiến Tông. Khi lên ngôi, Lê Hiến Tông đã thăng chức cho thầy học của mình chức Tả thị lang bộ Lễ.

Năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), Nguyễn Bảo được giao làm độc quyển đã giúp triều đình tuyển chọn được 55 tiến sĩ. Trong số đó, người đỗ đầu là Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm, quê làng Ngoại Lãng, nay thuộc Thái Bình.

Trải qua 30 năm ở chốn quan trường, Nguyễn Bảo được giao nhiều chức tước quan trọng trong triều như: Đông các học sĩ, Đô ngự sử đài, hàm Triều liệt đại phu và tột đỉnh vinh quang với ông là Thượng thư bộ Lễ. Với cương vị Thượng thư bộ Lễ, kiêm Hàn lâm viện thị độc, chưởng Hàn lâm viện sự, Nguyễn Bảo từng được cử làm độc quyển, chấm thi lựa chọn được nhiều nhân tài phò giúp triều Lê sơ. Phụng sự hai triều vua anh minh là Thánh Tông và Hiến Tông, Nguyễn Bảo thỏa sức thi thố tài năng. Ông đã có nhiều công lao đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng nền văn hóa và các lĩnh vực nội trị, ngoại giao thời Lê sơ. Sử sách còn lưu truyền nhiều lời lẽ cao đẹp của vua Lê Hiến Tông đánh giá về Nguyễn Bảo. Trong cáo văn thăng chức Thượng thư bộ Lễ cho Nguyễn Bảo, Lê Hiến Tông đã viết: Ung dung lễ nhạc, giúp rập tốt chính trị các triều, trang nhã văn chương, khôi phục lại giáo thanh Tam đại.

Luận bàn về sự kiện này, sử gia Lê Quý Đôn cho rằng: “Câu ấy có lẽ là ngòi bút tả một cách tột bậc” về Nguyễn Bảo.

Cũng nhân dịp Nguyễn Bảo được thăng chức Thượng thư bộ Lễ, vua Lê Hiến Tông có thơ tặng:

Mưu quốc mỗi như Đường Lý Bật,

Chấp kinh hoàn tự Hán Hoàn Vinh.

Nghĩa là:

Mưu tính công việc nước, không khác gì Lý Bật đời Đường,

Bàn luận nghĩa lý kinh sách, lại giống như Hoàn Vinh đời Hán.

Đánh giá của một vị vua anh minh với một bậc tôi hiền cũng chính là sự tôn vinh của một học trò ruột với một người thầy mẫu mực có lẽ không thể có lời hay ý đẹp nào có thể sánh bằng. Về phương diện làm thầy, ngoài việc dạy dỗ thái tử, Nguyễn Bảo còn đào tạo được nhiều thế hệ học trò thành danh. Ông đã tận tâm trao truyền cho môn sinh bằng cả tài năng và phẩm hạnh của mình. Để rồi, không ít người đã hiển đạt khoa danh, trở thành những học quan giàu tài năng, đức độ, có công danh sự nghiệp để đời. 

Lịch sử khoa cử Việt Nam cho biết Nguyễn Bảo đã đào tạo được không dưới 50 tiến sĩ, trong đó có 3 Trạng nguyên: Phạm Đôn Lễ, khoa Tân Sửu (1481), Nguyễn Quang Bật, khoa Giáp Thìn (1484), Vũ Duệ, khoa Canh Tuất (1590). Sự nghiệp của một nhà giáo như vậy thực là hy hữu trong lịch sử giáo dục nước nhà. 

Về sự nghiệp văn chương, lịch sử văn học Việt Nam ghi danh Nguyễn Bảo là một thi nhân có danh tiếng thời Lê sơ. Tiến sĩ Trần Củng Uyên là một học trò đồng hương đã chép những bài phú, bài thơ của ông thành Châu khê thi tập. Hầu hết các bộ hợp tuyển thơ văn, các bộ tổng tập văn học Việt Nam đã tuyển chọn thơ Nguyễn Bảo với sự đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và hồn thơ thấm đậm tình người, tình thầy trò, tình cảm sâu nặng, ấm nồng với quê hương, đất nước. Tiến sĩ Trần Củng Uyên đánh giá người thầy của mình “hùng mạnh về văn, sở trường về thơ”. Lê Quý Đôn đánh giá: “Nguyễn Bảo học vấn uyên bác, thơ từ thanh tao, uyển chuyển, được một thời suy phục”. Phan Huy Chú nhận xét: “Lời thơ giản dị, trọng hậu, có khí cốt”. Để có những trang thơ lưu truyền đến vài trăm năm sau và được các bậc đại gia phẩm bình ca ngợi là một trong những nét đậm đáng chú ý trong sự nghiệp để đời của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Bảo. Các bộ lịch sử văn học Việt Nam và từ điển văn học Việt Nam đều thống nhất xếp Nguyễn Bảo là một trong những tác gia hàng đầu của nền văn học cổ nước nhà và là tác gia đầu tiên của Việt Nam viết về đề tài nông thôn, nông nghiệp. Bài Vịnh phong thổ miền Hoàng Giang để chỉ bảo cho học trò là một trong những bài phú nổi tiếng trong kho tàng văn học cổ Việt Nam viết về chủ đề quê hương, đất nước.

Vào những năm đầu thế kỷ XVI, Nguyễn Bảo về hưu tại quê nhà. Tương truyền, có khá đông sĩ tử từ nhiều nơi tìm về thụ giáo ở nhà ông. Được vài năm sau thì ông mất. Khi Nguyễn Bảo qua đời, triều đình đã truy tặng ông hàm Thiếu bảo - một trong những phẩm hàm cao nhất đối với các bậc quan đại thần phụng sự ở ngạch văn.

Có lẽ, đó là một trong những căn cứ để hơn 200 năm sau nhà bác học Lê Quý Đôn đã đánh giá cao Nguyễn Bảo trong nhiều bộ sách lớn của mình như Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử, Toàn việt thi lục... Cũng như­ vậy, hơn 300 năm sau, sử gia Phan Huy Chú đã xếp ông là một trong mười nhà nho phò tá có công lao tài đức thời Lê sơ và đánh giá rất cao Nguyễn Bảo trong mục Nhân vật chí của bộ Bách khoa lịch triều hiến chương loại chí, một bộ sách vào loại đồ sộ nhất trong thư tịch cổ nước nhà.

Từ nhiều thập niên qua, thân thế, sự nghiệp và thơ phú của Nguyễn Bảo đã được đưa vào sách giáo khoa văn học để giảng dạy ở bậc đại học. Từ  điển văn học Việt Nam và từ điển bách khoa của Việt Nam đã có mục từ Nguyễn Bảo. Nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Bảo đã được triển khai. Hẳn là, tài năng và phẩm hạnh của người thầy dạy vua này sẽ ngày càng được thắp sáng thêm.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày