Thứ 7, 04/01/2025, 12:55[GMT+7]

Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen

Thứ 3, 24/04/2018 | 15:35:06
8,718 lượt xem
Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen là tấm gương lao động không biết mệt mỏi và không ngừng sáng tạo. Không ai nghĩ rằng, vị Tổng giám đốc ở tuổi ngoài 80 vẫn rong ruổi trên từng cây số gặp gỡ khách hàng, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen nhận danh hiệu Doanh nhân văn hóa tiêu biểu theo tiêu chí UNESCO.

Nhìn dáng đi nhanh nhẹn, tác phong làm việc năng động, quyết đoán, luôn truyền cảm hứng cho những người xung quanh, không ai nghĩ Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen đã ngoài 80 tuổi.

Nhiều người gặp ông đều có chung một câu hỏi: “Bác có bí quyết gì mà khỏe như vậy?”. Và ông chỉ có một bí quyết duy nhất: Làm việc, làm việc và làm việc, càng làm việc thì càng khỏe ra.

Khôi phục nghề truyền thống

Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen sinh ra và lớn lên ở làng Phương La (làng Mẹo), xã Thái Phương (huyện Hưng Hà) - nơi có nghề dệt vải được gây dựng từ thế kỷ XIII gắn với quá trình dựng nghiệp của vương triều Trần. Gia đình ông đi đầu trong làng làm nghề dệt. Ngay từ năm 1937, ông nội Nghệ nhân Trần Văn Sen là người có công đầu đưa những tấm vải dệt từ làng Mẹo xuất khẩu sang Nhật Bản. Những năm 60 của thế kỷ trước, trước nguy cơ làng Phương La có thể mất nghề truyền thống do công cụ lạc hậu, năng suất thấp, bà con bỏ làng đi nơi khác làm ăn, là trưởng tộc dòng họ Trần, ông trăn trở ngày đêm nghĩ cách “cứu” nghề của tổ tiên. Ban đầu, ông đưa nghề dệt chiếu, đan lưới về quê hương giúp bà con ổn định cuộc sống; sau đó, lặn lội đến các làng nghề dệt truyền thống nổi tiếng tiếp thu công nghệ mới, cải tiến nâng cấp máy dệt thủ công thô sơ thành máy dệt bán tự động, liên hoàn, dệt vải khổ rộng cho năng suất, hiệu quả cao hơn. Ông cũng là người đầu tiên đưa công nghệ in hoa tẩy nhuộm về làng. Sau đó, số người trở lại làm nghề dệt ngày một đông, sản phẩm tốt, bán chạy, thu nhập của người thợ được cải thiện, nghề dệt của làng Phương La nhờ vậy được khôi phục.

Làm những việc chưa ai làm

Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen luôn khắc ghi lời dạy của Đức Hoằng Nghị đại vương - thân phụ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ: “Hãy nghĩ những điều chưa ai nghĩ tới, hãy làm những việc chưa ai làm được”. Ông luôn đổi mới tư duy, có nhiều mô hình sáng tạo, cách làm mới mà chưa ai dám làm. Năm 1981, ông thành lập Tổ hợp dệt Tân Phương, mở rộng quy mô, sản xuất những sản phẩm cao cấp, xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Nhật Bản. Tổ hợp dệt Tân Phương nâng lên thành Xí nghiệp Dệt nhuộm in hoa Hưng Hà, rồi Công ty TNHH Dệt nhuộm in hoa xuất khẩu Hương Sen. 

Những nỗ lực của Nghệ nhân Trần Văn Sen đã giúp nghề dệt của Phương La nói riêng, Thái Bình nói chung phát triển mạnh hơn so với các tỉnh trong khu vực. Nhờ có nghề dệt truyền thống mà nay làng Phương La đã trở thành một trong những làng tỷ phú, giàu có bậc nhất Việt Nam.

Trong lúc cả nước khó khăn, doanh nghiệp lo tìm chỗ đứng trên thị trường đã khó, năm 1989 ông mạnh dạn thành lập chi bộ đảng trong doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của cả nước. Đây cũng là mô hình mới, chưa có tiền lệ trước đó và cũng từ mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Thái Bình, đến nay cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng. 

Sau nhiều lần sang các nước châu Âu tìm hiểu công nghệ sản xuất bia, năm 1997, ông có hướng đi táo bạo là đầu tư xây dựng nhà máy bia cao cấp Hương Sen, đi tắt đón đầu lựa chọn dây chuyền thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức. 

Do luôn đi đầu và trải nghiệm những cách làm mới nên trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen gặp không ít sóng gió, có những lúc tưởng chừng doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Song ông bảo: “Mỗi lần như vậy là một lần trải nghiệm, tôi luyện cho tôi thêm bản lĩnh để vượt qua khó khăn, vững tay chèo lái đưa doanh nghiệp vững bước đi lên”.

Từ Tổ hợp dệt Tân Phương nhỏ bé, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen, đến nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen trở thành doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề, lĩnh vực: dệt may, sản xuất đồ uống, bao bì, kinh doanh thương mại, nhà hàng, xây dựng hạ tầng… Đặc biệt, các sản phẩm: bia Đại Việt, rượu Lạc Hồng, rượu Đại mạch, nước trái cây Push Max, sữa gạo Bibabibo… do Công ty sản xuất chất lượng cao, mẫu mã đẹp và có ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng, không chỉ là thương hiệu mạnh của tỉnh mà còn của quốc gia. 

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 500 - 700 tỷ đồng/năm, hiện tạo việc làm cho 1.000 lao động với mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm Công ty dành hàng tỷ đồng, hàng nghìn suất quà tặng người nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng…

Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen là tấm gương lao động không biết mệt mỏi và không ngừng sáng tạo. Không ai nghĩ rằng, vị Tổng giám đốc ở tuổi ngoài 80 vẫn rong ruổi trên từng cây số gặp gỡ khách hàng, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Nhắc đến ông, tất cả nhân viên trong Công ty đều có chung nhận xét: Bác có sức làm việc phi thường, không ai có thể theo kịp. Hiếm có người nào sống thanh đạm, chan hòa và cởi mở, luôn quan tâm đến người lao động như bác. Ngày lễ, tết, Tổng giám đốc đều gửi thư, gửi quà đến thân phụ, thân mẫu của cán bộ, công nhân viên Công ty như một lời tri ân sâu sắc; mong tiếp tục nhận được sự hợp tác gắn bó giữa Công ty và gia đình nhằm động viên cán bộ, công nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hết lòng vì họ Trần

Là hậu duệ đời thứ 41 của dòng họ Trần, cũng hiếm có ai tâm huyết với dòng họ như Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen. Ông là một trong những người đầu tiên tham gia gây dựng tổ chức họ Trần Việt Nam. Ông cũng dành nhiều thời gian, tâm huyết, lặn lội sang tận Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu sưu tầm các tư liệu về lịch sử vương triều Trần, tham dự nhiều hội thảo khoa học làm sâu sắc thêm những giá trị di sản lịch sử, văn hóa thời Trần; giúp bà con họ Trần và người dân Việt Nam hiểu rõ hơn lịch sử, truyền thống oai hùng của vương triều Trần. Ông và đại gia đình đã phát tâm công đức xây dựng đền thờ tổ họ Trần Việt Nam tại thôn Phương La, xã Thái Phương uy nghiêm, tráng lệ. 

Trên cương vị Chủ tịch họ Trần Việt Nam, Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen cùng các thành viên trong Ban Chấp hành họ Trần xây dựng tổ chức dòng họ ngày càng lớn mạnh cả về bề rộng và chiều sâu; động viên bà con trong dòng họ đoàn kết với các dòng họ khác trên đất nước Việt Nam thi đua phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hơn 60 năm lăn lộn trên thương trường, kiên trì vượt qua bao khó khăn thử thách, bằng ý chí, nghị lực, trí tuệ và trái tim đầy tâm huyết, kế thừa và phát huy những tinh hoa của tổ tiên xây dựng lên một tập đoàn kinh tế lớn mạnh, Nghệ nhân Trần Văn Sen xứng đáng là Anh hùng Lao động hội tụ cả 2 yếu tố tâm - tài. Không chỉ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen còn được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý khác. Ông cũng được Liên hiệp các hội UNESCO thế giới trao tặng danh hiệu Doanh nhân văn hóa tiêu biểu theo tiêu chí UNESCO. Hiện nay, Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội UNESCO bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ những người anh hùng của Thái Bình. Ở bất kỳ cương vị nào, ông đều làm việc bằng cái tâm và sự nỗ lực hết mình. 

Ông chia sẻ: “Những việc tôi đã làm không phải vì danh hiệu Anh hùng Lao động hay Nghệ nhân mà xuất phát từ ý thức trách nhiệm của người con dòng họ Trần, là một công dân thời đại Hồ Chí Minh cần phải làm việc sao cho xứng đáng với truyền thống lịch sử oai hùng của tổ tiên, cùng với bách gia trăm họ xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Những phần thưởng và sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với cá nhân tôi vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là động lực để tôi tiếp tục cố gắng vì người lao động, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước”.

Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày