Thứ 7, 23/11/2024, 09:10[GMT+7]

Phụ nữ Thái Bình: Anh dũng thời chiến, đảm đang thời bình

Thứ 6, 27/04/2018 | 14:36:14
5,919 lượt xem
Trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thái Bình nói riêng không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà còn trực tiếp tham gia đánh đuổi giặc ngoại xâm, lập nhiều chiến công. Và ngày nay, phẩm chất của người phụ nữ hiện đại được gói gọn trong 8 chữ: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Phụ nữ Thái Bình là lực lượng đi đầu trong việc đưa các biện pháp thâm canh tăng năng suất lúa, làm nên 5 tấn thóc/ha đầu tiên ở miền Bắc. Ảnh tư liệu

Hòa chung khí thế sục sôi cả nước cùng ra trận, hàng nghìn nữ thanh niên Thái Bình đã tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập nên những chiến công vẻ vang. 

Bà Dương Thị Bạn, cựu thanh niên xung phong Đội 93, Đại đội 932, thương binh hạng 2/4, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) nhớ lại: Hồi ấy, không kể nam, nữ, già, trẻ, ai nấy đều sục sôi tinh thần sẵn sàng lên đường chiến đấu. Nhiều chị em đã giấu cha, mẹ; khai tăng tuổi; cho gạch, đá vào quần áo để đủ cân nặng, mong đủ điều kiện được lên đường vào Nam chiến đấu. Đầu tháng 10/1968, đơn vị của tôi nhận nhiệm vụ trên đỉnh Chà Ang (thuộc đường 20 Quyết Thắng). Đường lên đỉnh núi vừa dốc vừa hẹp, lại toàn đá nên đào hầm tránh bom đạn địch rất khó khăn. Những ngày nắng, nơi đây không lúc nào ngớt tiếng máy bay địch gầm rú quần đảo trên bầu trời, khói bom trận trước chưa tan hết đã đến trận sau. Ngày mưa và ban đêm chúng thả bom tọa độ đủ các loại. Cái chết lúc nào cũng cận kề nhưng không thể làm nhụt ý chí, tinh thần chiến đấu, quyết bám mục tiêu của tôi cũng như anh em trong đơn vị.

Nếu như ngoài mặt trận, phụ nữ Thái Bình anh dũng, kiên cường chiến đấu thì những người phụ nữ ở hậu phương lại hy sinh thầm lặng để người ra tiền tuyến vững vàng tay súng. 

Bà Phạm Thị Cúc, vợ liệt sĩ, thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng (Vũ Thư) kể: Tháng 5/1965, chồng tôi lên đường nhập ngũ, khi đó tôi mới lấy chồng được hơn 5 tháng. Việc tiễn chồng, con lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với mỗi người vợ, người mẹ dù thật vinh quang, thật tự hào nhưng trong lòng hẳn cũng có nỗi xót xa, có sự sợ hãi mơ hồ nào đó. Tuy nhiên, những tâm sự, những nhớ nhung, tôi giấu kín trong lòng, vẫn hăng say công tác. Tôi làm trung đội phó dân quân, xã đội phó phụ trách chính sách, hội trưởng hội phụ nữ xã, tham gia công tác tại hợp tác xã mua bán của xã. Ở cương vị, nhiệm vụ nào tôi cũng hoàn thành tốt.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, hàng nghìn hội viên, phụ nữ vẫn làm tròn trách nhiệm, bổn phận làm con, làm vợ, làm mẹ, là người giữ lửa hạnh phúc trong gia đình.

Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của các thế hệ đi trước, phụ nữ ngày nay đang tiếp tục có vai trò và đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Chị Đặng Thị Liên, tổ 28, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) là một trong những phụ nữ đó. Chị là vợ thương binh, là tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, nữ chủ kinh doanh, hội viên phụ nữ tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, giúp phụ nữ nghèo. 

Chị kể: Năm 2005, sau khi Công ty Điện tử Thái Bình cổ phần hóa, tôi nghỉ chế độ và thành lập Công ty TNHH Trương Hoàng Phương chuyên kinh doanh hàng điện, điện tử, điện gia dụng. Ban đầu mới thành lập Công ty gặp nhiều khó khăn cả về nguồn vốn, nhân lực và thị trường. Tuy nhiên, vợ chồng tôi kiên trì, bền bỉ đi tìm các thị trường mới, thay đổi phương thức kinh doanh từ đơn lẻ sang bán buôn, bán lẻ, đồng thời tích cực giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khác. Nhờ đó, doanh thu của Công ty đã tăng lên. Nếu như những năm đầu thành lập doanh thu chỉ hơn 2 tỷ đồng/năm thì nay doanh thu của Công ty là hơn 20 tỷ đồng/năm. 

Từ một nhà bán lẻ, Công ty của chị Liên vừa bán lẻ vừa là nhà phân phối lớn cho các hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng trong toàn tỉnh; tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động có thu nhập bình quân từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên. Chị cũng thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương. 

Cũng vượt khó làm giàu, chị Trần Thị The, thôn 4, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) tích tụ ruộng đất, làm giàu từ nông nghiệp. Bắt đầu từ năm 2011, với hơn 1 mẫu rau màu các loại, mùa nào thức ấy, vượt qua khó khăn về vốn, kỹ thuật, thị trường, mỗi năm gia đình chị thu lãi hơn 200 triệu đồng từ rau màu.

Nhiều mô hình của phụ nữ hiện nay góp phần xây dựng quê hương ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Làm giàu như vậy nhưng chị Liên, chị The cũng như hàng nghìn hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh vẫn làm tròn trách nhiệm, bổn phận làm con, làm vợ, làm mẹ, là người giữ lửa hạnh phúc trong gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững. 

Theo các chị, 8 chữ vàng mà Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đã dành tặng phụ nữ trong thời kỳ kháng chiến: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không chỉ là sự khích lệ, động viên mà còn là sự thừa nhận và đánh giá cao vai trò của phụ nữ. 

Mỗi người phụ nữ tự học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức này sẽ tạo được sự kết nối giữa vẻ đẹp truyền thống và hiện đại, giúp nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội, tạo ảnh hưởng lớn tới việc giáo dục phẩm chất, đạo đức của các thành viên trong gia đình, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Phương Chi