Trận chiến bên sông
Cách nay vừa tròn 130 năm (1888 - 2018), cuộc dấy binh “áo vải, cờ đào” kháng Pháp của các sĩ phu yêu nước theo phong trào Cần Vương nổ ra ở Diên Hà, Đô Kỳ... (Hưng Hà nay), Đọ, Đông Quang... (Đông Hưng), cầu Nghìn (Quỳnh Phụ), phủ Bo (thành phố)... do Bang Tốn, Tạ Hiện, Đốc Nhưỡng, Đốc Đen... chỉ huy bị dập tắt nhưng đã gây cho thực dân Pháp tổn thất nặng nề khiến chúng “bạt vía kinh hồn”. Chúng dồn lực lượng từ Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương... phản công, vây đánh nghĩa quân ta và đàn áp đẫm máu hòng tiêu diệt tận gốc phong trào.
Tuy thất bại nhưng cuộc dấy binh đã ghi dấu son chói lọi về tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc của nhân dân Thái Bình trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX.
Bối cảnh giữa thế kỷ XIX, nước Việt ta đứng trước nguy cơ bị đế quốc phương Tây xâm lược, đứng đầu là thực dân Pháp. Lúc này, triều Nguyễn đang đà suy thoái, quan quân chìm đắm trong hoan lạc, hưởng thụ, không biết đến phòng thủ đất nước. Năm 1858, thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu cuộc tấn công xâm lược nước ta. Không khí kháng Pháp nổ ra ở nhiều nơi trong cả nước.
Tại Thái Bình, phong trào được khuấy động bởi quan Tham tán quân vụ đại thần quân thứ Quảng Nam triều Nguyễn, Tiến sĩ Phạm Thế Hiển, quê làng Luyến Khuyết (xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy), người vừa trực tiếp giao chiến với thực dân Pháp ở Đà Nẵng trở về quê thăm mẹ già ốm nặng, ông đã ngầm tìm những thân hữu trí thức như Tiến sĩ Doãn Khuê, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, Tú tài Phạm Huy Quang… và nhiều sĩ phu, văn thân Bắc kỳ vận động dâng biểu xin triều đình không “nghị hòa” với Pháp. Nhưng triều đình nhà Nguyễn nhu nhược lần lượt cắt 6 tỉnh miền Đông, 6 tỉnh miền Tây (Nam kỳ) dâng cho thực dân Pháp, thực dân Pháp “được đằng chân, lân đằng đầu” không từ bỏ dã tâm xâm chiếm nước ta, không lâu sau chúng đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ nước ta, áp dụng chính sách cai trị thực dân hà khắc đối với nhân dân, đàn áp thẳng tay những ai chống đối chúng.
Đến năm 1885, phong trào kháng Pháp lan rộng, hưởng ứng chiếu “Cần Vương” của vua Hàm Nghi, Đề đốc Tạ Quang Hiện, quê Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Đô thống quân vụ đại thần kiêm Định An đã cho quân sĩ phát đi bản hịch kháng Pháp, trong đó có đoạn: “Nay bản chức vâng mệnh “Cần Vương”, đem quân gấp đến các địa phương, hợp lực cùng các thân hào, kêu gọi nhân dân vì nghĩa lớn, lạc quyên để chi dùng vào việc quân. Nước mà còn thì nhà còn. Nước mà không giữ được nhà cũng chẳng còn, vợ con, tài sản sẽ vào tay giặc. Nước nhà mất hay còn là lúc này đây”.
Rũ bỏ áo quan về quê vui cảnh điền viên đã lâu, tưởng “lão giả an tri” nhưng khi nghe lời hịch kháng Pháp của Tạ Hiện bỗng dưng trong lòng chí sĩ Bang Tốn dội lên lòng tự trọng trước nỗi nhục mất nước, không thể ngồi yên nhìn giặc Pháp đè nén, cai trị dân lành. Bang Tốn, tên thật là Nguyễn Đình Tốn (có tài liệu của Pháp để lại ghi là Hoàng Đình Tốn) đã liên hệ với nhiều văn thân yêu nước tập hợp đạo quân kháng Pháp, xây dựng căn cứ Tam Nông (nay là làng Hoàng Nông, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà). Ở làng Đọ (xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng) có căn cứ của Tú tài Phạm Huy Quang. Hai căn cứ kháng Pháp được thực dân Pháp xếp vào hạng “thủ hiểm mạnh nhất nhì trong vùng” khiến thực dân Pháp nhiều phen lao đao.
Bang Tốn (không rõ ngày sinh, mất năm 1886 trong trận thủy chiến ở làng Đìa ven sông Hồng, xã Hồng An, huyện Hưng Hà nay) sinh ra trong một dòng họ có truyền thống hiếu học và yêu nước ở làng Hoàng Nông, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà. Tương truyền, ông nổi tiếng thông minh, văn võ song toàn, năm Tự Đức thứ 7 (1857) ông được triều đình bổ nhiệm một chức quan nhỏ ngạch võ công trong quân thứ ở Bình Định, một thời gian sau ông chuyển sang làm quân thứ ở Phú Yên. Tại Phú Yên, ông lập được nhiều công lớn, được triều đình khen thưởng. Năm 1883, ông được thăng chức Tư Vụ Bang Biện nên nhân dân quen gọi ông là Bang Tốn. Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước Pa-tơ-nốt (còn gọi là bản Hòa ước Giáp Thân 1884) với thực dân Pháp, bất đắc chí ông từ quan về quê ở làng Hoàng Nông.
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Bang Tốn đã nhanh chóng tập hợp nghĩa sĩ trong vùng cùng con cháu thân tộc đông đến hàng nghìn người chuẩn bị kháng Pháp. Khi Đề đốc Tạ Quang Hiện được triều đình phong chức Đô Thống Bắc kỳ đã tin tưởng giao phó cho Bang Tốn thống lĩnh lực lượng cần vương ở phủ Tiên Hưng (Đông Hưng). Nghĩa quân do Bang Tốn chỉ huy đã đánh tan tác các căn cứ của thực dân Pháp ở Tiên Hưng, Đông Quan, Kiến Xương và tiến đánh sang cả Vị Xuyên (Nam Định). Trong nhân gian thuở ấy, nhân dân có thơ ca ngợi:
Thứ nhất Đề Hiện Quang Lang
Thứ nhì Bang Tốn ở làng Hoàng Nông.
(Đề Hiện chính là Tạ Quang Hiện).
Theo lời kể của các bậc cao niên làng Đìa (nay là thôn Việt Thắng, xã Hồng An, huyện Hưng Hà), trong một lần tiến đánh quân Pháp trên sông Hồng, (đoạn sông cạnh làng Đìa), lực lượng nghĩa binh của Bang Tốn ở Hoàng Nông kéo sang rất đông. Nghĩa binh chuẩn bị nhiều thuyền nan tẩm dầu tập kết ở ven sông Hồng, chờ tàu chở hàng của quân Pháp từ biển vào để ngược lên Hà Nội, đến đoạn Đìa thì tiến đánh. Lúc đầu thuyền nan của nghĩa binh Bang Tốn từ bờ sông được châm lửa cháy lao ra áp sát tàu Pháp, lửa cháy rực trời khiến quân Pháp hoảng hốt phải nhảy xuống sông tìm đường thoát, bị nghĩa binh của Bang Tốn tiêu diệt khá nhiều. Tuy nhiên, thuyền nan nhỏ, lửa cháy nhanh do gió sông thổi mạnh, tàu của Pháp vỏ sắt cỡ lớn khá kiên cố nên không lâu sau đó các thuyền nan của Bang Tốn tắt lửa chìm dần. Bọn quan quân còn lại trên tàu Pháp lấy lại bình tĩnh đã nã pháo vào đội hình của Bang Tốn. Cùng thời điểm, quân Pháp từ Hưng Yên, Nam Định tràn sang, từ Tiên Hưng, Phụ Dực, Đọ kéo lên, chúng vây hãm nghĩa binh và dồn đánh. Cầm cự được vài ngày, nghĩa binh cùng Bang Tốn lần lượt hy sinh lẫm liệt.
Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Nguyễn Đình Tốn còn gọi là Bang Tốn (có tài liệu tồn nghi ghi là Hoàng Đình Tốn), quê ở làng Hoàng Nông (xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà nay), vốn là chí sĩ yêu nước. Ông bất đắc chí với triều đình nhà Nguyễn nên rũ áo từ quan về quê. Khi phong trào Cần Vương được khuấy động ở Thái Bình thì ông là người tiên phong. Trong trận huyết chiến bên sông ở địa phận làng Đìa (thôn Việt Thắng nay), Bang Tốn cùng nghĩa binh của mình hy sinh lẫm liệt. Sau trận này thực dân Pháp củng cố lực lượng, chúng tỉa mòn dần lực lượng nghĩa binh kháng Pháp của ta. Phong trào kháng Pháp ở Thái Bình buộc phải phân tán, tuy vậy vẫn còn lực lượng nghĩa binh bí mật hoạt động lúc ẩn, lúc hiện bất chấp sự lùng sục của thực dân Pháp. Ông Trần Hữu Nguyện, thôn Việt Thắng, xã Hồng An, huyện Hưng Hà Ông Trần Đình My, thôn Việt Thắng, xã Hồng An, huyện Hưng Hà Cụ tôi kể rằng trận huyết chiến bên sông giữa lực lượng nghĩa binh chống Pháp do Bang Tốn chỉ huy không đốt được tàu giặc, bị chúng phản công, vây hãm, lực lượng nghĩa binh cùng thủ lĩnh Bang Tốn bị chúng truy sát. Thương xót những nghĩa binh có đến vài trăm người đã vì quê hương, đất nước mà tử trận, đêm đến các cụ trong làng bí mật gom thi thể nghĩa binh đưa xuống nghĩa trang làng Gạo chôn cất thành nấm mồ tập thể. Riêng ba thủ cấp, trong đó nghi có thủ cấp của thủ lĩnh Bang Tốn sau ba ngày bêu cọc ở ngã ba đầu làng mới được nhân dân gom đất lấp lên thành một gò cao. Năm 1945, vỡ đê làng Đìa, người ta lấy đất ở gò này ra lấp đê, bây giờ không còn gò đất cao nữa. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh