Kiếm sắc chẳng chìm
Không hổ danh là tôi trung của triều đình, Trương tướng công (tức Trương Đăng Quỹ, 1732 - 1803), người làng Nê, tổng An Bồi, huyện Chân Định (nay là thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương) đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất đời Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (1766) ra làm quan triều Lê được thăng bổ nhiều chức vị quan trọng khác nhau như Lễ bộ cấp sự trung; Hàn Lâm viện thị chế; Giám sát đạo Thanh Hoa; Hiến sát xứ Kinh Bắc, sau thăng Công bộ Thượng thư; Đô ngự sử; trấn thủ Sơn Nam và cuối cùng là Đồng Bình Chương sự tước Kiến Xuyên hầu, Vinh lộc Đại Phu. Ông là vị quan thanh liêm được triều đình hậu Lê trọng dụng, dân ca tụng…
Dân gian làng Nê vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện về cuộc đời làm quan thanh liêm của Trương tướng công cùng với việc rèn dạy nhân cách thẳng ngay, hiếu học cho con cháu. Gia phả họ Trương chép rằng, năm 1768, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 29 khi rời kinh đô Thăng Long đi nhậm chức Hiến sát xứ Kinh Bắc, qua sông Hồng nước cuộn chảy, Trương Đăng Quỹ rút kiếm chỉ xuống dòng sông mà thề rằng: “Ta vâng mệnh triều đình nhậm chức Hiến sát xứ Bắc Châu, nếu tham ô, nhũng nhiễu việc dân thì sẽ chìm như thanh kiếm này”. Nói rồi ông rút kiếm ném xuống nước, kiếm sắc chìm ngỉm. Giữ đúng lời thề, ở nơi trị nhậm, ông đã cương quyết xử lý nhiều vụ việc quan tham ô lại của xứ Kinh Bắc, đặc biệt là trường hợp của viên quan Huấn đạo Từ Sơn (trông coi việc thi cử) chuyên ăn của đút lót, hối lộ làm ô danh triều đình, mặc dù Trương Đăng Quỹ biết rất rõ viên quan Huấn đạo này được Tham tụng Nguyễn Nghiễm nắm giữ trọng quyền đang lộng hành trong phủ chúa “chống lưng”.
Mười năm sau, năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778), Trương Đăng Quỹ lại bị triều đình vua Lê - chúa Trịnh điều vào làm Hiến sát xứ Nghệ An. Nơi đây có viên quan Nội giám Kim Soạn hầu khét tiếng tham lam, ô lại. Suốt 5 năm trị nhậm xứ Nghệ, Trương Đăng Quỹ ra sức bảo vệ dân lành, tìm mọi chứng cứ kết tội viên quan ô lại, nhũng nhiễu dân chúng. Rút cuộc, triều đình Lê - Trịnh buộc phải giáng chức Kim Soạn hầu và bắt tên này trả lại tiền bạc mà y chiếm đoạt. Xử lý xong vụ Kim Soạn hầu, Trương Đăng Quỹ được điều làm đốc thị Thuận Quảng, thời gian 3 năm ở đây ông dồn trí lực vào việc đánh dẹp nạn trộm cướp, tổ chức quyên góp giúp dân nghèo đồng thời tấu sớ với triều đình xin xuất kho cứu tế dân bị đứt bữa, khuyến khích dân nghèo làm ruộng… Khi rời Thuận Quảng về kinh thành Thăng Long theo chỉ dụ của vua, dân chúng và hàng trăm thương gia Hoa Kiều ở Hội An lưu luyến tiễn đưa. Làm quan triều đình hậu Lê đang đà suy vong, mục ruỗng, hoàn cảnh một nước hai vua khiến ông không khỏi phiền lòng, nhiều phen muốn rũ áo từ quan về quê vui cảnh điền viên mà không được. Tư tưởng “trung quân bất sự nhị quân” (Tôi trung không thờ hai vua) ăn sâu trong tư tưởng của ông trở thành “thâm căn, cố đế”. Trước cảnh triều chính nhiễu nhương, không còn cảnh “vua sáng, tôi hiền” đám tham quan ô lại ra sức đục khoét, vơ vét của cải, lao vào cuộc sống hoan lạc, thụ hưởng còn ông thì lại loay hoay tìm cách chấn hưng nhà Lê. Nhưng, vua Lê Chiêu Thống, vị vua được dựng lên trong bối cảnh triều hậu Lê suy tàn, mục ruỗng không đủ sức gánh vác giang sơn, quyền bính lúc này đang tập trung trong tay cận thần có công đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa. Triều Lê, chúa Trịnh lấn át vua Lê. Trương Đăng Quỹ vốn thanh liêm, chính trực, sống và làm quan trong bối cảnh triều chính hết sức phức tạp kẻ thì khăng khăng bám giữ ngai vàng nhà Lê suy tàn giữ trọn đạo “tôi trung”, người mạnh dạn dứt bỏ danh lợi để tìm đến với phong trào Tây Sơn. Trong bối cảnh đó không trách ông giữ lòng trung tín, tận tụy với triều đình cũ nát nhưng không dễ ngợi ca người dám dứt bỏ quá khứ theo Tây Sơn. Trương Đăng Quỹ đành chọn con đường rũ áo từ quan về quê dạy học giữ tiết khí.
Về quê đã tưởng dứt bỏ mối ưu sầu bao năm gánh nặng chốn cung đình nào ngờ ở chốn quê không lâu, phong trào Cần Vương phò Lê Chiêu Thống lan rộng trấn Sơn Nam lại gõ cửa nhà ông. Vẫn còn canh cánh nỗi niềm phò vua giúp nước bởi bao năm trường làm quan hưởng lộc triều đình, “ơn vua, lộc nước” cao dày mà chưa trả được ân huệ nhà Lê ban thí, Trương Đăng Quỹ đã chấp nhận đón rước vua Lê Chiêu Thống từ Hải Dương về tư dinh của mình ở làng Nê. Chính tại tư dinh của mình Trương Đăng Quỹ đã cho gọi quyến thuộc đến chào vua Lê Chiêu Thống và động viên quyến thuộc sẵn sàng tham gia phong trào Cần Vương phò Lê Chiêu Thống, giúp nhà vua khôi phục vị thế nhà hậu Lê. Lúc này ở trấn Sơn Nam nhiều làng đã tổ chức luyện võ thuật cho thanh niên trai tráng, co cụm kháng cự quyết liệt với nhà Tây Sơn.
Cho đến tận bây giờ, nhiều tồn nghi trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện truyền ngôn rằng Trương Đăng Quỹ không phải bậc “tôi trung” cho dù đến khi “nhắm mắt, xuôi tay” ông vẫn canh cánh hoài vọng về một triều đình hậu Lê sáng sủa. Nhầm truyền rằng, vua Lê Chiêu Thống từ kinh đô tìm về làng Nê gõ cửa nhà Trương công, hy vọng ông mở cửa đón tiếp, phò tá vua Lê. Nhưng vua chẳng những không được đón tiếp mà tư dinh cửa đóng then cài trong im lặng. Uất ức bởi không được bề tôi đón tiếp, vua Lê Chiêu Thống đã phóng bút lên cửa đôi câu đối:
“Ngã quốc Bình Chương thiên hạ trọng
Nhữ gia phong tục thế gian khinh”.
Tạm dịch là:
“Ở nước ta, chức Bình Chương sự luôn được người thiên hạ coi trọng
Phong tục nước ta nói đến khinh rẻ cách đối xử”.
Đại ý ám chỉ vua coi khinh cách đối xử của bề tôi Trương Đăng Quỹ. Thật oan cho tướng công. Cùng thời với ông ở trấn Sơn Nam hạ có Uông Sĩ Điển, quê làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng (nay là thôn Vũ Thành, xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy) bạn đồng khoa với Trương Đăng Quỹ cũng được phong chức Đồng Bình Chương sự, dưới con mắt quần thần chúa Trịnh, Uông Sĩ Điển là kẻ nao núng trước phong trào Tây Sơn đã gấp gáp đem ấn Thượng thư bộ Binh được vua Lê Chiêu Thống tin tưởng giao trọng trách giữ gìn nộp cho Nguyễn Hữu Chỉnh nhà Tây Sơn để mong nhà Tây Sơn tin dùng. Người phủ chúa thời đó phỉ báng Uông Sĩ Điển bất trung, chịu không nổi ông đành bỏ triều đình về quê đóng cửa bất quan hệ với bên ngoài.
Với những cứ liệu lịch sử và điền dã khẳng định Trương Đăng Quỹ là trí thức đại khoa thanh liêm triều hậu Lê ở huyện Chân Định (nay là huyện Kiến Xương) bởi khí phách thà chết nổi chứ không thể sống chìm của ông.
Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Ông Trương Văn Sung, nguyên Trưởng phòng Khoa học và Tư liệu, Trường Chính trị tỉnh Tiến sĩ Trương Đăng Quỹ làm quan thời hậu Lê, là một viên quan thanh liêm, giữ nhân phẩm trong sạch, thấu đạo lý làm người, vạch mặt lũ tham quan ô lại, bênh vực dân lành, được người đời mến phục. Ông được lưu danh tại bia Văn Miếu (Quốc Tử Giám Hà Nội). Từ đường thờ ông ở làng Nê, nay là thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và được đăng ký bảo vệ năm 1996.Ông Trương Công Ninh, trưởng khu Đông Trung, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương Dòng họ Trương ở Thanh Nê (đặc biệt ở khu Đông Trung có từ đường tiến sĩ Trương Đăng Quỹ, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh) có bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến truyền gia, có tinh thần đoàn kết cao. Tiến sĩ Trương Đăng Quỹ là đời thứ năm của dòng họ Trương cũng là vị đại khoa đầu tiên và duy nhất thời Lê trung hưng ở Kiến Xương. Dòng họ Trương ở Thanh Nê có truyền thống yêu nước, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống kê chưa đầy đủ thì dòng họ Trương ở Thanh Nê có 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 14 liệt sĩ, 20 thương binh, 1 lão thành cách mạng, 225 người được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến, 458 người được công nhận có công với nước… |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ